Đề xuất đánh thuế tài sản nhà 700 triệu: “Vận dụng định mức rất lỗi thời”

Đề xuất đánh thuế tài sản nhà 700 triệu: “Vận dụng định mức rất lỗi thời”

“Điều mà người dân phản ứng là Bộ Tài chính đã áp đặt một mức 700 triệu đồng để đánh thuế. Đưa ra con số này là một cách vận dụng định mức rất lỗi thời”…

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thu thuế tối đa không phải ở thuế suất cao nhất mà thu thuế tối đa là ở mức thuế thấp vừa phải để cho người dân có thể kinh doanh được. Nếu nâng mức thuế quá cao thì người dân sẽ không muốn kinh doanh để cho Nhà nước thu thuế nữa.

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Bên cạnh đó, nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng, ôtô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền… cũng sẽ bị đánh thuế.

Về các phương án thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%. Hai phương án thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.

Theo Bộ Tài chính, với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng. Còn nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng thì số thu thuế tài sản sẽ khoảng 23.300 tỷ đồng.

Với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).

Với tất cả các phương án trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Bình luận về đề xuất này của Bộ Tài chính, trao đổi với VnEconomy, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, về nguyên tắc, thu thuế về tài sản, bất động sản là phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.

“Tuy nhiên phải tính toán làm sao cho vừa sức dân và điều mà người dân phản ứng là Bộ Tài chính đã áp đặt một mức 700 triệu đồng để đánh thuế. Đưa ra con số này là một cách vận dụng định mức rất lỗi thời. Người dân đã phải bỏ tiền ra, phải vay ngân hàng để mua nhà, giờ lại bị đánh thuế nữa thì sẽ rất khó khăn nên họ phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu. Cộng thêm với đề xuất đánh thuế ôtô và các loại thuế khác như thuế môi trường trong xăng dầu, làm cho người dân cảm thấy bị sốc”, ông Doanh nhận định.

Theo ông Doanh, Bộ Tài chính hiện nay đang đứng trước sức ép rất lớn là phải bù đắp cho nguồn thu thuế nhập khẩu bị giảm sút do Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do.

Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu sẽ có thuế suất 0% hoặc tối đa 5%, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước cho nên động cơ đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là có thể hiểu được.

Nhưng ông Doanh cũng cho rằng, với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư.

“Song hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và đây là điều chúng ta phải suy xét”, ông Doanh nhận định.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự trăn trở bởi song song với việc tăng cường thu thuế thì hiện nay Việt Nam cũng đang thất thu từ rất nhiều nguồn. Ông lấy ví dụ như buôn lậu qua biên giới Campuchia, Lào, Trung Quốc…

Cùng với đó, ông Lê Đăng Doanh chỉ ra một sự mâu thuẫn trong nền kinh tế hiện nay, là kinh tế hộ gia đình đang chiếm 31-33% GDP (tùy theo năm), trong khi đó kinh tế tư nhân có đăng ký theo Luật Doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 10-11%.

“Vậy 33% GDP ấy nộp bao nhiêu vào ngân sách? Điều này không rõ. Có những tính toán cho thấy, 33% GDP chỉ nộp 0,8% vào ngân sách thôi. Vậy phần còn lại đi đâu? Bởi kinh tế hộ gia đình là kinh tế phi chính thức, cho đến nay vẫn nộp thuế khoán, không có biên lai chứng từ. Các nguồn điều tra cho thấy, những hộ này phải nộp rất nhiều chi phí cho phường và quận, vì thế cần phải xử lý các khoản thu này”, ông Doanh nhấn mạnh.

Đề xuất đánh thuế tài sản nhà 700 triệu: “Vận dụng định mức rất lỗi thời” - Ảnh 1.

Cuối cùng, viện dẫn một khái niệm trong kinh tế học – đường cong Laffer, chuyên gia Lê Đăng Doanh nêu lên mối quan hệ giữa các mức thuế suất với mức thu ngân sách nhà nước được tạo ra từ đó: “Nếu anh không thu thuế thì sẽ không được đồng nào, nhưng nếu thu đến 100% thuế thì không ai làm gì để anh thu cả”.

Vậy thu thuế tối đa không phải ở thuế suất cao nhất mà thu thuế tối đa là ở mức thuế thấp vừa phải để cho người dân có thể kinh doanh được. Nếu nâng mức thuế quá cao thì sẽ vi phạm vào đường cong Laffer, và người dân sẽ không kinh doanh để nhà nước thu thuế nữa. Thu thuế nhiều quá thì người ta sẽ tìm cách để trốn thuế”, ông Doanh nói.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng, chuyên gia kinh tế này cho rằng, hàng hóa của Thái Lan đã rẻ hơn, hàng hóa các nước khác như Malaysia cũng rẻ hơn thì sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

“Cho nên tôi đề nghị phải xem xét rất thận trọng. Mong Quốc hội, các cơ quan nhà nước tổ chức các tọa đàm để lắng nghe. Cách tốt nhất hiện nay là giảm chi, cắt bỏ những bộ máy chi tiêu lãng phí chứ không phải là tăng thu thuế như hiện nay”, ông Doanh nói.

Nguồn: http://vneconomy.vn/de-xuat-danh-thue-tai-san-nha-700-trieu-van-dung-dinh-muc-rat-loi-thoi-20180414130041058.htm

admin