ĐIỀU KIỆN DI CHÚC HỢP PHÁP
Kiến thức của bạn:
Điều kiện di chúc hợp pháp theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Kiến thức của Luật sư:
Cơ sở pháp lý
Bộ Luật Dân sự 2015
Nội dung tư vấn
Điều 642 BLDS 2015 đã định nghĩa: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Về phương diện khoa học pháp lý thì di chúc là phương tiện phản ánh trung thực ý nguyện cuối cùng của cá nhân trong việc dịch chuyển tài sản của họ cho người khác sau khi họ đã chết.
Một di chúc được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự:
“Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.” (Điều 19, BLDS 2015.
Theo quy định của pháp luật, một người được coi là có đủ năng lực hành vi dân sự khi họ đủ 18 tuổi (trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình). Lập di chúc là việc chủ sở hữu tài sản quyết định chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác sau khi mình đã chết. Điều đó đòi hỏi người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập di chúc, bằng ý chí tự nguyện cua rminhf họ định đoạt tài sản, nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý với sự định đoạt đó thì quyền tự định đoạt của người lập di chúc không bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu như không được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ thì sự định đoạt đó coi như không có giá trị pháp lý.
Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 630 BLDS 2015 quy định : “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc…”
Khi không còn minh mẫn, sáng suốt để làm chủ được hành vi của mình thì không thể có sự thống nhất giữa mong muốn bên trong với sự biểu đạt mong muốn. Người lập di chúc trong trường hợp này bị coi là không còn năng lực hành vi dân sự trong khi lập di chúc.
Người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện.
Sự tác động của người khác tới việc lập di chúc của một người sẽ làm cho di chúc không còn là sự tự nguyện của họ nữa. Như vậy di chúc sẽ bị coi là không tự nguyện khi được lập trong các trường hợp sau:
Người lập di chúc bị lừa dối;
Người lập di chúc bị đe dọa;
Người lập di chúc bị cưỡng ép.
Nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội
Nội dung của di chúc là tổng hợp các vấn đề mà người lập di chúc đã thể hiện trong di chúc đó. Vì vậy, một di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu sự thể hiện trên không vi phạm những điều pháp luật đã cấm, không trái với những điều pháp luật đã quy định.
Hình thức của di chúc không trái với quy định của pháp luật.
Điều 627 BLDS 2015 đã quy định: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”
Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 BLDS 2015.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.