Lỗ hổng công chứng
Lãnh đạo một phòng công chứng trên địa bàn TP.HCM cho biết phòng công chứng của ông gặp nhiều trường hợp sử dụng sổ đỏ giả để mua bán, giao dịch.
Muốn phát hiện phải mua máy soi hoặc phụ thuộc vào kinh nghiệm của công chứng viên. Loại sổ đỏ này có thể dùng để công chứng nếu thông tin cung cấp cho đối tượng làm sổ đỏ là thật và sổ đỏ chưa cầm ngân hàng. Đặc biệt, loại sổ đỏ này cũng có thể dùng để thế chấp, cầm cố trong một số giao dịch, trong đó có thể cầm cố để vay tiền. “Một người nào đó có sổ đỏ cầm ngân hàng, có thể làm giả sổ đỏ để đi cầm cố vay tiền bên ngoài một cách dễ dàng. Điều này là quá nguy hiểm”, vị này cho hay.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết kỹ thuật làm giả giấy tờ, trong đó có sổ đỏ giả, ngày càng tinh vi và khó phát hiện bởi nội dung của nó làm giống như bản thật. Sổ đỏ cũng có thể bị làm giả từ chính những người làm trong cơ quan nhà nước trên phôi sổ đỏ thật và đóng dấu thật của cơ quan cấp sổ nên rất khó phát hiện. Để xảy ra tình trạng này một phần do sự tắc trách của công chứng viên và lỗ hổng công chứng khi có nhiều vụ công chứng viên tiếp tay cho những kẻ làm giấy tờ giả công chứng bán nhà đất bằng sổ đỏ. Bởi hiện nay luật quy định công chứng viên chỉ chứng nhận giao dịch dựa vào giấy tờ của các bên, không có hoạt động kiểm tra thực địa đối với nhà đất là đối tượng giao dịch. Do đó, chỉ cần lọt cửa công chứng viên là các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt được tiền của bên mua. “Hiện nay luật quy định trách nhiệm của phòng công chứng, công chứng viên khi các đối tượng sử dụng các giấy tờ làm giả, trong đó có sổ đỏ, để thực hiện các giao dịch tại phòng công chứng chưa được xác định cụ thể. Trừ trường hợp có căn cứ để khẳng định công chứng viên biết các giấy tờ các đối tượng đưa ra giao dịch là giả nhưng vẫn thực hiện mới phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự. Do vậy, cần quy rõ trách nhiệm về bồi thường thiệt hại khi công chứng viên thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện công chứng giao dịch, hợp đồng”, luật sư Phượng đề xuất.
Từng nhiều năm lăn lộn trong nghề môi giới nhà đất, ông Tài Tuân, chủ một văn phòng môi giới nhà đất tại H.Nhà Bè, TP.HCM, cho biết những người bán nhà đất cần cẩn trọng với “cò đất”, thậm chí cả với những người mua nhà. Bởi khi đăng bán nhà người dân thường chụp sổ đỏ, chụp toàn cảnh căn nhà để lấy lòng tin của người mua. Tuy nhiên, đó lại là một kẽ hở để những người có ý đồ xấu lấy các thông tin làm sổ đỏ giả, rồi sau đó đem cầm cố ngân hàng vay tiền, đem bán… “Khi có người đến xem nhà, mua nhà hay làm dịch vụ môi giới chủ nhà nên cẩn thận, hạn chế cho những người chưa rõ danh tính xem các giấy tờ liên quan, kể cả bản phô tô. Bởi với công nghệ phun, in hiện nay thì chỉ cần một thời gian rất ngắn một cuốn sổ đỏ mới sẽ được nhân bản”, ông Tuân khuyến cáo.
Phân biệt thật – giả thủ công
Lãnh đạo chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7 lưu ý một số biện pháp thủ công khi phân biệt sổ đỏ giả, thật bằng kính lúp. Khi đó sổ đỏ thật được in bằng phương pháp in offset nên màu sắc sắc nét, màu mực đồng màu trên cùng một chi tiết in. Còn giấy tờ giả mạo do in màu kỹ thuật số nên chi tiết in không sắc nét, trên cùng một chi tiết in có nhiều hạt mực có màu sắc khác nhau. Sổ đỏ giả các họa tiết, hoa văn màu hồng không được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng và sổ đỏ thật thì ngược lại khi các họa tiết, hoa văn màu hồng được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng. Ngoài ra có thể dùng đèn pin chiếu xiên một góc 10 – 20 độ với mặt giấy tại vị trí con dấu nổi có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, được tạo ra bằng phương pháp in typo. Nếu là sổ đỏ giả, mã số hiệu được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên mã số hiệu thường bị đóng lệch so với hình dấu nổi…