Nhập nhằng tài sản chung, riêng

Một trong những mâu thuẫn mà vợ chồng hay gặp phải có nguyên nhân liên quan đến tài sản, tiền bạc. Tuy nhiên, có rất nhiều người trong cuộc, dù không hài lòng với cách mà người chồng hoặc vợ đóng góp, hay quản lý tài sản, tiền bạc nhưng cũng không dám tranh luận hay lên tiếng một cách thẳng thắn. Chỉ đến khi vợ chồng mâu thuẫn nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến ly hôn, thì họ mới chia sẻ những vướng mắc của họ với luật sư, nhờ tìm hướng giải quyết.

Hạnh phúc ngắn ngủi

Chị Liên là một phụ nữ xinh đẹp, học thức. Sau một thời gian tìm hiểu và yêu nhau, chị Liên kết hôn với anh Trung, một người đàn ông thành đạt và có quan hệ rộng. Khi anh chị đám cưới, nhiều người tấm tắc khen ngợi là cặp đôi trai tài, gái sắc và nghĩ hai người có thể sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Nhưng thực tế, anh chị chỉ chung sống hạnh phúc được mấy năm. Sau khi sinh được một con trai, cuộc sống của hai người ngày một xa cách hơn. Anh Trung luôn bận rộn với những chuyến công tác dài ngày, những buổi họp hành và dự tiệc với đối tác triền miên. Chị Liên cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Hầu hết những cuộc gặp mặt với gia đình nội, ngoại, anh Trung đều vắng mặt. Chưa kể đến việc chăm sóc học hành cho con đều một tay chị Liên lo liệu.

Trước khi kết hôn anh Trung có tạo lập được một số tài sản như 3 căn nhà cho thuê, cổ phiếu ở một số công ty, cộng với một khoản tiền khá khá gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Chưa tính tiền lương, tổng thu nhập mà anh Trung có từ việc cho thuê nhà, tiền lời ngân hàng, tiền chia cổ tức khoảng hơn 200 triệu đồng/tháng. Vốn là người tế nhị, nên chị Liên ít khi nào đòi hỏi trách nhiệm mà anh Trung phải đóng góp vào gia đình. Hàng tháng anh Trung đưa cho chị 20 triệu đồng, chị lo chuyện cơm nước, sắm sửa trong gia đình, tiền học của con… Chị cũng không đòi hỏi gì thêm. Tuy nhiên, khi vợ chồng đề cập đến chuyện chia tay nhau, chị mới giật mình nhìn lại. Chị chẳng có gì trong tay ngoài khoảng ba trăm triệu đồng dành dụm mấy năm qua. Thực ra khi vợ chồng ngày một xa cách, không còn yêu nhau nữa, chị Liên cũng không muốn níu kéo tình cảm làm gì. Lúc đầu chị tính ra đi mà không cần anh Trung chia bất cứ tài sản nào, và muốn được giành quyền nuôi con mà không cần chồng trợ cấp nuôi con. Nhưng khi trò chuyện với cô bạn thân, thì cô này “mắng” chị là khờ dại và đến nhờ luật sư tư vấn xem có được chia tài sản từ tài sản riêng của anh Trung hay không.

Hoa lợi từ tài sản riêng là tài sản chung

Trước tiên cần phải khẳng định là toàn bộ căn nhà, cổ phiếu, tiền tiết kiệm mà anh Trung tạo lập được trước khi kết hôn là tài sản riêng của anh. Chị Liên cho biết, khi kết hôn, giữa hai người không có thoả thuận nào về việc anh Trung đồng ý nhập số tài sản riêng của mình thành tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, về nguyên tắc, khối tài sản này vẫn được xem là tài sản riêng của anh Trung. Nhưng tiền cho thuê nhà, tiền lời ngân hàng, tiền cổ tức mà anh Trung có phải là tài sản chung hay không?

Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. 2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1, điều 33 và khoản 1, điều 40 của luật này”.

Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1, điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”. Khoản 1, điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng”.

Theo các quy định trên thì tiền cho thuê nhà, tiền cổ tức, tiền lời ngân hàng mà anh Trung có được từ khối tài sản riêng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, được xem là tài sản chung của vợ chồng. Giả sử anh Trung thu được tiền cho thuê nhà, tiền cổ tức, tiền lời ngân hàng (phát sinh từ khối tài sản riêng) mỗi tháng là 220 triệu, mỗi tháng anh đưa cho chị Liên 20 triệu đồng để chi tiêu cho gia đình, như vậy còn lại 200 triệu đồng/tháng, mỗi năm là 2,4 tỷ đồng. Số tiền này được xem là tài sản chung của vợ chồng. Khi tính toán để phân chia, thì sẽ phải tính tất cả các năm mà anh Trung, chị Liên chung sống và được thừa nhận là hôn nhân hợp pháp kể từ lúc hai người kết hôn đến khi người ly hôn hợp pháp.

Nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể “1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của luật này. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của luật này để giải quyết. 2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Luật sư cũng khuyên chị Liên nên suy nghĩ kỹ xem hai người có thể hàn gắn những bất đồng để tiếp tục chung sống với nhau hay không. Trường hợp vợ chồng vẫn cương quyết ly hôn thì cũng nên thoả thuận và tìm được hướng giải quyết chung về việc nuôi con và phân chia tài sản, chứ không nên tranh chấp với nhau từng chút, sẽ gây ra những tổn thương không đáng có giữa hai người từng yêu nhau.

NGUYỄN THỊ THÚY HƯỜNG

LaoDong.vn