Bắt đầu “soi” giá chuyển nhượng bất động sản

Bắt đầu “soi” giá chuyển nhượng bất động sản
Cơ quan thuế ở TP.HCM đã bắt đầu “gắt” hơn khi xem xét giá kê khai tính thuế chuyển nhượng bất động sản.

Và mới đây, một giao dịch mua bán căn hộ ở TP.HCM đã bị cơ quan thuế “sờ gáy” và yêu cầu cơ quan công an điều tra về việc nghi có dấu hiệu trốn thuế.

Cụ thể, theo thông tin từ Chi Cục thuế quận 10 (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư (chuyển nhượng lần 2) ngày 19/11/2019 được lập tại Phòng Công chứng Mai Việt Cường.

Hợp đồng mua bán ghi rõ, bên bán là vợ chồng ông H. và bà L. (ngụ quận Tân Bình) và bên mua là ông K. (ngụ quận 6).

Căn hộ chung cư được mua bán trong hợp đồng này thuộc Tầng 29 Toà tháp Jasmine 1, khu cao tầng thuộc dự án HaDo Centrosa Garden (200 đường 3/2, phường 12, quận 10). Theo đó, vợ chồng ông H. và bà L. mua căn hộ nói trên từ chủ đầu tư với giá trị giao dịch là: 4.881.260.000 đồng, tổng giá trị đã thanh toán cho chủ đầu tư ở đợt thanh toán thứ 3 là: 4.656.946.000 đồng.

bat dau soi gia chuyen nhuong bat dong san

Tuy nhiên, mức giá mà vợ chồng ông H. bán lại cho ông K thông qua hợp đồng mua bán ngày 19/11/2019 với mức giá bán là: 1.000.000.000 đồng. Chi Cục thuế quận 10 xét thấy Hợp đồng giao dịch có dấu hiệu trốn thuế do hai bên đều khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá chủ đầu tư dự án bán ra năm 2017 và giá thực tế thời điểm hiện nay.

Vì vậy, Chi Cục thuế quận 10 quyết định chuyển hồ sơ sang Công an quận 10 và đề nghị tiến hành điều tra, làm rõ hành vi khai thấp giá trị chuyển nhượng để trốn thuế đối với hai bên tham gia chuyển nhượng nói trên.

Lâu nay, việc ghi hai giá trong giao dịch bất động sản trở nên khá phổ biến. Và theo chia sẻ của một công chứng viên tại một phòng công chứng ở quận 9, TP.HCM cho biết, hầu hết khi mua bán nhà đất thì bên bán bao giờ cũng muốn né thuế và họ thường thỏa thuận với bên mua ghi giá chuyển nhượng ở mức thấp vừa đủ để họ nộp thuế TNCN theo giá của Nhà nước.

Bên mua cũng thường chiều lòng bên bán ghi thấp vì ghi giá nào thì bên mua cũng chỉ nộp lệ phí trước bạ theo giá Nhà nước. Có thể hai bên sẽ làm hai hợp đồng để bản ra công chứng thì ghi giá ảo, còn bản để thực hiện với nhau thì ghi giá thật. Hoặc họ chỉ làm một hợp đồng đi công chứng ghi giá một đằng và đồng thời viết giấy tay giao nhận tiền ghi giá một nẻo.

“Có thể nói, rất khó có thể bịt hết cửa gian lận thuế vì thực tế phòng công chứng không có lý do từ chối công chứng hợp đồng giao dịch hai giá của khách.

Đồng thời, Luật Dân sự cũng có quy định cho phép người dân được tự thỏa thuận giá, trừ khi trường hợp này nhằm trốn thuế nhưng cơ quan chức năng rất khó chứng minh được giao dịch trên thực tế như thế nào vì người dân có thể bán lỗ nếu họ cần tiền,” Luật sự Nguyễn Anh Tuấn văn phòng luật TNT nêu quan điểm.

Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi các Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Trong đó nêu rõ, khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản từ cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông hoặc từ người nộp thuế, bộ phận xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính thực hiện kiểm tra về lịch sử giao dịch của bất động sản chuyển nhượng.

Trường hợp thông tin về đất và tài sản gắn liền trên đất của cùng một bất động sản giữa các lần chuyển nhượng không giống nhau, đề nghị gửi công văn yêu cầu văn phòng đăng ký đất đai xác định lại hoặc bổ sung thông tin.

Trường hợp thông tin xác định nghĩa vụ tài chính đầy đủ và không sai sót, thực hiện so sánh giá chuyển nhượng và thời gian giữa các lần chuyển nhượng, so sánh giá chuyển nhượng của các bất động sản có đặc điểm tương đồng để xác định tính trung thực, chính xác trong hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.

Reatimes

admin