Phải đảm bảo an toàn pháp lý, giảm thiểu rủi ro cho người dân

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho biết Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn về kỹ năng phát hiện, xử lý giấy tờ giả mạo, ứng dụng các phần mềm quản lý, trang bị máy móc kiểm tra giấy tờ, phối hợp cơ quan công an xử lý vi phạm… để đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân.

Bà Phan Thị Bình Thuận phát biểu tại Hội nghị Sơ kết thực hiện “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020” tại TPHCM tháng 1-2018

Sau nội dung phản ánh một số tổ chức công chứng ở TPHCM có biểu hiện trốn thuế, tư vấn cho khách sai luật; TPHCM không tuân thủ Nghị định 23/2015/NĐ-CP, vẫn giao cho các tổ chức công chứng “độc quyền” công chứng, chứng thực mảng đất đai (lẽ ra người dân có quyền lựa chọn chứng thực ở phường hay tổ chức công chứng)…, phóng viên Báo SGGP có buổi trao đổi với bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, để làm rõ các vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN:Thực tế, qua quan sát của chúng tôi, rất nhiều tổ chức công chứng không xuất hóa đơn, vi phạm pháp luật khi tư vấn; với vai trò quản lý nhà nước, Sở Tư pháp TPHCM biết, xử lý gì đối với các vi phạm này?
– Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬN:Trong công tác kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng, bên cạnh các tổ chức chấp hành tốt, Sở Tư pháp TPHCM cũng đã phát hiện, xử lý một số trường hợp vi phạm đạo đức khi hành nghề, một số văn phòng công chứng thu phí, thù lao công chứng vi phạm không lập bản kê, không xuất hóa đơn… Đối với những vi phạm này, Sở Tư pháp đã kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, xử phạt, đã có văn phòng bị xử phạt trên 300 triệu đồng.
Sẽ điều chỉnh để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho dân.
* Thưa bà, mức phí được quy định rõ ràng, trong khi thù lao linh hoạt nên các văn phòng công chứng thu tiền khá cao (chỉ điền theo mẫu nhưng giá công chứng hợp đồng ủy quyền hiện nay là 300.000 – 500.000 đồng), trong khi trách nhiệm của công chứng viên lại không được quy định rõ ràng khi làm sai. Bà nghĩ sao về điều này?
Việc thu phí công chứng thực hiện đúng quy định của thông tư của Bộ Tài chính. Đối với thù lao, thực hiện theo Quyết định 08/2016/QĐ-UBND của UBND TPHCM, quy định mức trần thù lao công chứng. Ví dụ, tùy tính chất đơn giản hoặc phức tạp, mức trần thù lao là 70.000 đồng đối với trường hợp đơn giản và 300.000 đồng đối với trường hợp phức tạp. Trên cơ sở đó, các tổ chức hành nghề công chứng tự xây dựng mức thù lao cho mình nhưng không vượt quá mức trần và phải niêm yết phí, thù lao công chứng tại trụ sở.
* Thế nhưng, một bất hợp lý là hầu hết các tổ chức công chứng áp thu thù lao “mút khung” nhưng khi thực hiện nghĩa vụ, ví dụ như nghĩa vụ mua bảo hiểm cho công chứng viên, lại áp dụng ở mức thấp nhất…
Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận mức phí bảo hiểm nhưng không được thấp hơn 3 triệu đồng/năm/công chứng viên cho suốt thời gian hành nghề; số tiền bảo hiểm trách nhiệm do các bên thỏa thuận (thường trên 5 tỷ đồng/vụ). Để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ kiến nghị tăng mức phí bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của công chứng viên.
* Luật Công chứng hiện đang “đẩy trách nhiệm” cho người dân mà thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm công chứng viên trong việc kiểm tra tính xác thực của giấy tờ, là điều không hợp lý, dẫn đến nhiều hồ sơ công chứng viên chứng thực cả cho người dùng giấy tờ giả. Thực tế, giai đoạn 2016-2017 có gần 140 vụ tranh chấp, khiếu nại giữa khách hàng với tổ chức công chứng. Với tư cách nhà quản lý, bà có giải pháp gì bảo vệ người dân?
Luật Công chứng có quy định nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các giấy tờ khi xuất trình yêu cầu công chứng. Khi thụ lý hồ sơ, công chứng viên kiểm tra giấy tờ, nếu có căn cứ cho rằng hồ sơ có vấn đề chưa rõ thì xác minh hoặc yêu cầu giám định. Công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hiện nay, việc giả mạo giấy tờ, giả mạo người khác thực hiện thủ tục công chứng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn về kỹ năng phát hiện, xử lý giấy tờ giả, giả mạo, ứng dụng các phần mềm quản lý, trang bị máy móc kiểm tra giấy tờ, phối hợp cơ quan công an xử lý vi phạm… để đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân.
Chuẩn bị kỹ là muốn đảm bảo an toàn cho dân
* Vấn đề người dân quan tâm là tại sao Nghị định 23/2015/NĐ-CP cho phép cả UBND cấp xã được chứng thực hợp đồng nhà đất nhưng TPHCM lại buộc dân phải qua công chứng, tốn nhiều chi phí, đi lại nhiều lần?
– Trước đây, thực hiện theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP và Thông tư 03/2008/TT-BTP, các tỉnh, thành phố đã chuyển giao tất cả hợp đồng, giao dịch về nhà đất từ phường, xã cho tổ chức hành nghề công chứng. Do vậy, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND thực hiện việc chuyển giao hoạt động này sang tổ chức công chứng từ ngày 1-6-2011.
Khi Nghị định 23/2015/NĐ-CP ra đời, phát sinh vấn đề liên quan đến thẩm quyền công chứng, chứng thực, Sở Tư pháp có nhiều văn bản báo cáo Bộ Tư pháp và UBND TP. Ngày 16-11-2015, Bộ Tư pháp có Công văn 4233/BTP-BTTP đề nghị UBND các tỉnh/thành giao Sở Tư pháp phối hợp khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện việc chuyển giao, đề xuất ý kiến báo cáo UBND-HĐND.
Qua khảo sát, có đến 80% người dân hài lòng khi thực hiện thủ tục công chứng. Cán bộ, công chức tư pháp quận/huyện, phường/xã cũng đánh giá hoạt động công chứng giúp hạn chế rủi ro, tranh chấp phát sinh. Do vậy, ngày 10-11-2017, UBND TPHCM có Công văn số 6999/UBND-NCPC chấp thuận việc tiếp tục thi hành Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND.
* Thế nhưng, chỉ bằng một văn bản của Bộ Tư pháp thì cũng không thể lớn hơn nghị định và một văn bản của UBND TPHCM thì không thể phục hồi được một quyết định (mà căn cứ đã hết hiệu lực), lại làm hạn chế quyền của người dân. Sở Tư pháp là nơi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, sao lại để tình trạng này xảy ra, thưa bà?
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chung, trong đó có Phòng Tư pháp và UBND cấp xã, không quy định việc chuyển giao lại thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch cho UBND cấp huyện, cấp xã và hiện nay, Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND chưa bị thay thế, bãi bỏ bởi văn bản của cơ quan có thẩm quyền nên vẫn có hiệu lực thi hành.
Năm sau sẽ “rộng cửa”!
* Một số luật sư cho rằng, việc thành lập văn phòng công chứng tư là “sân chơi” của cán bộ Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, vì “người ngoài” khó biết được quy hoạch để nộp hồ sơ, nên có nghi ngờ về việc tạo cơ chế độc quyền, lợi ích nhóm. Bà nói sao về điều này?
– Hồ sơ thành lập văn phòng công chứng tuân thủ theo các quy trình, điều kiện luật định. Cụ thể căn cứ Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng (do Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM phê quyệt đề án quy hoạch), UBND TPHCM ban hành Quy định về Tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ và Sở Tư pháp công khai điều kiện thành lập văn phòng công chứng lên website của sở, niêm yết tại sở và đưa thông tin trên báo. Sở Tư pháp dành thời gian hợp lý để tiếp nhận hồ sơ và đánh giá trên tiêu chí, quy trình, cách thức xét duyệt ngày càng chặt chẽ.
Quốc hội vừa thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 11 luật, trong đó có Luật Công chứng. Từ đầu năm 2019 sẽ không còn quy hoạch, khống chế số lượng thành lập văn phòng công chứng. Cá nhân có đủ điều kiện thì đăng ký thành lập.
* Dù sao thì trước mọi nỗ lực cải cách hành chính, nhằm tạo thuận tiện cho người dân, việc UBND TPHCM chuyển giao hoạt động chứng thực nhà đất sang phòng công chứng đã hạn chế quyền lựa chọn của người dân theo Nghị định 23 của Chính phủ, làm tăng chi phí công chứng cho người dân… Đây có thể xem là bước thụt lùi trong cải cách hành chính. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Thông qua công tác quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực, Sở Tư pháp nhận thấy việc chuyển giao công tác chứng thực theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND của UBND TPHCM phù hợp với tính chất công việc, chủ trương xã hội hóa công chứng, việc sắp xếp biên chế cơ quan Nhà nước hiện nay và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Nó đảm bảo an toàn pháp lý, phòng ngừa rủi ro và quyền lợi tốt hơn cho người dân. Vì công chứng viên chịu trách nhiệm nội dung của hợp đồng, giao dịch trước pháp luật, bồi thường thiệt hại do lỗi mình gây ra; còn việc chứng thực hợp đồng, giao dịch chỉ chứng thực thời gian, địa điểm, năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký chứ không chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Đồng thời, việc chuyển giao chứng thực sang tổ chức công chứng giúp cho UBND tập trung chuyên môn; góp phần giảm tải cho chính quyền và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công.
Tuy nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý với hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vì mục đích phục vụ tốt nhất cho người dân, trong đó có việc phải đảm bảo an toàn pháp lý, giảm thiểu rủi ro, tranh chấp các hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại trong xã hội. Trong việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục theo dõi, tổng hợp khó khăn, vướng mắc và báo cáo đề xuất UBND TPHCM xem xét giải quyết để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu công tác.

HÀN NI – KIM HUYỀN (thực hiện)

Nguồn: //www.sggp.org.vn/phai-dam-bao-an-toan-phap-ly-giam-thieu-rui-ro-cho-nguoi-dan-532949.html