Phát hiện 1 tấn bằng giả: Người dùng bằng giả đâu?

Luật sư đã có những chia sẻ xung quanh việc tại sao lượng lớn số bằng giả được sử dụng nhưng chưa bị phát hiện, xử lý.

Thông tin về việc Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã triệt phá một đường dây làm văn bằng giả, chứng chỉ cực lớn, thu giữ 1 tấn bằng giả, 1.200 con dấu của hàng nghìn trường đại học, cao đẳng, trung cấp…. đã nhiều người phải giật mình.

Chiều 1/5, trao đổi với PV, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, việc mời chào bán bằng giả trên mạng internet được diễn ra một cách công khai, tràn lan.

Nhiều người sử dụng những tấm bằng giả này chưa được phát hiện ra. Số lượng công chức, công nhân và các ngành nghề, lĩnh vực quá nhiều nên cơ quan chức năng không kiểm soát hết được.

Số bằng giả mà công an quận Nam Từ Liêm phát hiện, bắt giữ

Những loại bằng giả này, theo luật sư Nam, chủ yếu được bán và tồn tại trong các doanh nghiệp. Bởi nhiều người dùng bằng, giấy tờ giả để làm đẹp và hoàn thiện hồ sơ xin việc. Đa số trong các doanh nghiệp lại không rà soát kỹ số giấy tờ, bằng cấp này.

Để xử lý vấn nạn bằng giả, luật sư Nam cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý song hành những người làm bằng giả và cả những người sử dụng bằng giả.

“Các trường hợp đi mua rồi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của các cơ quan, tổ chức cũng cần phải xử lý mạnh.

Ví dụ, trong khu vực nhà nước, hiện nay có những cán bộ công chức bị phát hiện sử dụng bằng giả, sau đó cơ quan không tiếp tục sử dụng lại chỉ phải luân chuyển đi làm những công việc khác. Đó là biểu hiện của việc xử lý chưa nghiêm.

Cộng với sự lỏng lẻo trong quản lý ở khu vực doanh nghiệp, nhu cầu mua bằng giả vẫn tồn tại. Có cầu ắt sẽ có cung. Do đó, cần phải xử nghiêm cả 2 phía”, luật sư Nam bày tỏ.

Về phương án rà soát, phát hiện giấy tờ giả, luật sư Nam cho rằng điều này rất khó. “Chủ yếu là trong quá trình quản lý, làm việc, các cơ quan, tổ chức phát hiện và xử lý.

Hơn nữa, hiện nay các đối tượng sản xuất bằng giả chuẩn bị máy móc, công nghệ hiện đại nên việc phân biệt bằng giả và thật không hề đơn giản” – ông Nam nói.

Luật sư Nam cho rằng, một phần nguyên nhân cốt lõi là do việc chuộng bằng cấp, hình thức khi tuyển dụng tại nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

“Ở nước ngoài người ta không yêu cầu nhiều bằng cấp mà chú trọng năng lực, tay nghề thực sự. Còn tại Việt Nam, nhiều khi không có bằng không được. Chính vì vậy, nhiều người vì lợi nhuận lớn mà bất chấp việc phạm pháp. Hơn nữa, cầu còn có, chắn chắn cung cũng sẽ tiếp tục phát triển đáp ứng đủ”, vị luật sư trăn trở.

Hương Trà