Quốc hội không đồng ý thêm điều kiện hành nghề công chứng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không giao Chính phủ quy định thêm các điều kiện về thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng…

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không giao Chính phủ quy định thêm các điều kiện về các điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng.

Thông tin này được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch.

Báo cáo được trình bày trước khi Quốc hội nhấn nút biểu quyết luật này sáng 15/6.

11 luật được sửa đổi bao gồm: Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em.

So với đề xuất ban đầu, danh sách này đã vắng hai Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận hai luật này, còn có ý kiến khác nhau về sự cần thiết có quy hoạch xây dựng tỉnh với tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, về nội hàm giữa quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Một số nội dung cần có đánh giá tác động như giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch.

Mặt khác, đây là những vấn đề liên quan đến nội dung cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ, thời gian thông qua theo quy trình một kỳ họp không bảo đảm cho việc đánh giá, rà soát để thống nhất. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho để lại hai luật này để tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội xem xét, thông qua cùng với các luật còn lại liên quan đến quy hoạch tại kỳ họp thứ 6.

Trong 11 luật được sửa đổi, qua các phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về nội dung sửa của Luật Công chứng với nội dung không chỉ là bỏ việc quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng mà còn giao Chính phủ quy địnhchi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng.

Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích rằng, giao cho Chính phủ quy định như đã nói trên có lý do các điều kiện về hành nghề công chứng ở trong luật chưa đủ, cần có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và tiêu chí.

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, nếu đưa quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện vào luật thì “sau này Quốc hội không kiểm soát được Chính phủ. Chính phủ có thể đưa thêm những vấn đề, chính sách mới vào và cho rằng Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ, như thế không phù hợp.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Luật Công chứng hiện hành đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề của công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của Văn phòng công chứng. Luật cũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện trụ sở của Văn phòng công chứng.

Mặt khác, việc bổ sung quy định này là vấn đề nội dung, chưa đúng tinh thần là chỉ sửa đổi các quy định liên quan đến quy hoạch. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không giao Chính phủ quy định thêm các điều kiện về nội dung này, ông Thanh cho biết.

Cùng với nhiều luật được thông qua tại kỳ họp này, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Nguồn: //vneconomy.vn/quoc-hoi-khong-dong-y-them-dieu-kien-hanh-nghe-cong-chung-20180615125733192.htm