Rộ giấy tờ giả qua công chứng – Bài 2: Thiệt hại nặng, xử lý nhẹ

Rộ giấy tờ giả qua công chứng – Bài 2: Thiệt hại nặng, xử lý nhẹ

Trước nạn giấy tờ giả qua công chứng ngày càng nhiều, ngày 12-5-2010, Công an TP.HCM đã có công văn chỉ đạo công an phường, xã tích cực phối hợp với các cơ quan công chứng để xử lý các vụ giả người, giả giấy tờ đi công chứng. Với các vi phạm như mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác, sử dụng giấy tờ bị cạo sửa…, công an phường, xã hướng dẫn các cơ quan công chứng lập biên bản và chuyển giao cho UBND các cấp hoặc Thanh tra chuyên ngành tư pháp để xử phạt hành chính theo Nghị định 60/2009 của Chính phủ.

Trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cố ý sử dụng tài liệu, giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì công an phường, xã ghi nhận vụ việc, lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang, chuyển cho đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội.

Tuy nhiên, thực tế xử lý vừa qua cho thấy các hình thức chế tài còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

Phạt tiền tối đa chỉ 4 triệu đồng

Ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp – Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Các đối tượng thực hiện nhiều thủ đoạn làm giả tinh vi để qua mặt công chứng viên (CCV) nhằm mục đích thu lợi bất chính từ những giao dịch liên quan. Thế nhưng theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 60/2009 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp), hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo, mạo danh chủ thể để được công chứng hợp đồng, giao dịch chỉ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng. (Chuyện tịch thu giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa, bị làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ giả mạo là đương nhiên.) “Mức phạt này rõ ràng quá thấp bởi lẽ nhà, đất có giá trị rất lớn. Nếu qua mặt được CCV thì các đối tượng làm, sử dụng giấy tờ giả sẽ có được hàng trăm triệu đồng hoặc cả tỉ đồng. Trường hợp bị lật tẩy thì chỉ bị phạt cao nhất là 4 triệu đồng nên chúng không ngán ngại” – ông Bảy nhận định.

Một đối tượng bị Phòng Công chứng số 1 TP.HCM lập biên bản về việc sử dụng giấy ủy quyền giả vào ngày 4-4-2012. Ảnh: KIM PHỤNG

Đã vậy, có nhiều trường hợp vi phạm lại không thể xử phạt được. Ngay sau khi bị phát hiện, nhiều đối tượng ma mãnh đã bỏ chạy. Gặp tình huống này, các cơ quan công chứng chỉ còn biết chuyển hồ sơ cho công an phường, xã theo dõi, xác minh. Thế nhưng có điều tra được không, kết quả thế nào thì công an phường, xã thường không phản hồi.

Theo thông tin từ Sở Tư pháp TP.HCM, từ đầu năm 2012 đến nay, cơ quan này chỉ mới xử phạt một đối tượng làm giả giấy tờ do Phòng Công chứng số 2 chuyển sang. Đó là trường hợp của ông M. (quận 1) làm giả giấy ủy quyền của những người thân để bán nhà ở quận 7. Xét thấy giấy tờ nhà là thật, chỉ có giấy ủy quyền là giả và vụ việc được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không có hậu quả xảy ra, Sở Tư pháp TP.HCM đã ra quyết định xử phạt ông Minh 3 triệu đồng, đồng thời tịch thu giấy ủy quyền giả mạo. Mới đây Sở có tiếp nhận thêm và đang xem xét để xử lý hai trường hợp giả giấy ủy quyền do hai Phòng Công chứng số 1, 6 chuyển đến.

Chỉ xử hình sự khi đã có hậu quả

Theo chỉ đạo của Công an TP.HCM, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự nếu có hành vi cố ý sử dụng tài liệu, giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Song việc xử lý hình sự lại không hề đơn giản.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ khi nào công an bắt được đối tượng có phương tiện, dụng cụ in ấn tài liệu, con dấu giả… thì các cơ quan pháp luật khác như VKS, TAND mới đồng ý xử lý hình sự tội danh nêu trên. Hoặc chỉ khi vụ giả mạo đã gây ra hậu quả, đã làm cho người khác bị thiệt hại thì mới xử lý hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn, hồ sơ giao dịch đã được công chứng xong, hai bên giao dịch đã giao nhận tiền xong v.v…

Năm 2009, một đối tượng ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đã bị TAND TP.HCM xử phạt hai năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tổng hình phạt của hai tội là 12 năm tù). Đối tượng này đã thuê người làm giả giấy chủ quyền nhà, đất để thế chấp, sang nhượng cho người khác chiếm đoạt 1,1 tỉ đồng. Ngoài ra, có tám đối tượng liên quan trong vụ này như: người nhận làm giấy tờ giả, người làm dấu giả, chữ ký giả, thiết kế in ấn giấy giả… cũng bị xử tù về tội làm giả con dấu, tài liệu…

Hay như mới đây, có một đối tượng giả danh chủ đất ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 3.000 m2 tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi để chiếm đoạt 200 triệu đồng. Do không phát hiện được việc giả mạo này nên Văn phòng công chứng C. đã công chứng. Sau đó, Công an huyện Củ Chi đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng người giả danh đã bỏ trốn. Trước mắt, để “gỡ tội” cho người thân, gia đình của đối tượng đã trả lại số tiền trên cho người mua.

Ông Huỳnh Phương Hải, Phó trưởng Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM), thông tin: “Từ năm 2009 đến nay, năm nào huyện cũng nhận được nhiều thông tin tố giác về việc giả mạo giấy tờ nhưng đến nay huyện vẫn chưa xử lý hình sự được vụ nào do rất khó thu thập tài liệu, chứng cứ. Các đối tượng làm và sử dụng giấy giả thường từ những địa phương khác đến địa bàn huyện hoạt động, khi thực hiện xong giao dịch thì bỏ đi mất…”.

Ông Ngô Văn Thêm, Phó trưởng Công an quận 6 (TP.HCM), phản ánh: “Khi tiếp nhận các vụ làm và sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, anh em điều tra viên đều nỗ lực dành nhiều công sức, thời gian làm rõ sai phạm. Tuy nhiên, VKS quận đã từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án theo Điều 267 BLHS viện lẽ chúng tôi không xác định được đối tượng đã sử dụng phương tiện, dụng cụ nào để làm con dấu giả hay in ấn tài liệu giả. Khi chúng tôi đề nghị xử lý tội lừa đảo… thì VKS quận lại bảo chưa đủ yếu tố để khởi tố hình sự vì hai bên có hợp đồng giao dịch nên thuộc phần trách nhiệm dân sự̣”. Từ chỗ này, có nhiều hồ sơ cứ chuyển đi chuyển lại nhiều lần mà vẫn chưa thống nhất được quan điểm có khởi tố vụ án hay không. Đáng nói là cũng với hành vi sử dụng giấy tờ giả để đi công chứng lừa đảo người khác, nhiều địa phương trong nước xử lý hình sự rất nhiều nhưng TP.HCM thì xử lý hình sự rất ít”.

Tích cực cung cấp thông tin nhà, đất

Theo ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) quận Tân Bình, khi có yêu cầu giao dịch về nhà, đất hoặc cần thông tin chính xác để công chứng giao dịch, hợp đồng, người dân, CCV nên đến VPĐKQSDĐ quận để tìm hiểu, xác minh thông tin. Thời gian xác minh chỉ mất một, hai ngày và nếu cấp bách thì VP sẽ giải quyết trong vòng một buổi.

Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng TN&MT quận 5, cũng cho biết: “Trong vòng 60 phút là phòng đã có thể cung cấp thông tin nhà, đất cho CCV. Đối với hồ sơ đơn giản đã lưu trữ trên máy tính, phòng có thể cung cấp thông tin nhanh hơn. Song đối với những hồ sơ phức tạp như nhà, đất đã qua nhiều chủ sở hữu, sử dụng; diện tích đất thay đổi… thì phòng cần phải có nhiều thời gian tra cứu”.

Ông Hồ Minh Dương, Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn, lưu ý: “Việc cung cấp thông tin về nhà, đất là trách nhiệm của các VPĐKQSDĐ quận, huyện. Vấn đề là các cơ quan công chứng phải có kinh nghiệm nghiệp vụ để nhận ra những dấu hiệu bất thường trong giấy chứng nhận để kịp thời yêu cầu các văn phòng làm rõ nguồn gốc nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra khi công chứng hồ sơ”.

T.HIẾU – K.PHỤNG

admin