Rối rắm thủ tục nhà đất, cấp phép xây dựng

Sau thời gian giám sát, Ban Đô thị HĐND TPHCM đã “điểm mặt” hai loại quy hoạch gây khó khăn trong cấp phép xây dựng, thủ tục nhà đất là đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới.

Một cuộc giải trình khá căng thẳng của các sở ngành TP diễn ra vào ngày 20-4, trước các đại biểu HĐND TP và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Mỗi nơi một cách làm

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP cho biết, hiện nay trên địa bàn TPHCM đất quy hoạch chức năng hỗn hợp có diện tích 1.574ha, đất dân cư xây dựng mới là 12.242ha. Tại 4 quận huyện đã khảo sát, diện tích đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới còn chiếm tỷ lệ lớn. Trong đó, quận 3 có đất hỗn hợp chiếm 20% tổng diện tích đất, huyện Bình Chánh đất hỗn hợp 40ha và đất xây dựng mới lên tới 1.812ha, huyện Hóc Môn đất hỗn hợp là 475ha và đất xây dựng mới là 1.104ha… Trên thực tế, chức năng của hai loại đất này còn nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai và xây dựng; các quận huyện không thống nhất trong công tác quản lý, cấp phép xây dựng (CPXD), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tách thửa cho người dân.

Nhìn chung, việc xử lý đối với 2 loại đất này ở các quận huyện có sự khác biệt. Đối với CPXD, đa số quận, huyện đều cấp có thời hạn. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, công bố tại hội nghị cho thấy, đối với đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở, chỉ có quận Bình Tân là CPXD chính thức, còn quận Tân Phú, quận 12, quận 9, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh CPXD có thời hạn. Riêng quận Tân Bình vẫn CPXD có thời hạn nhưng thêm quy định là tối đa 3 tầng. Đối với đất dân cư xây dựng mới cũng rơi vào tình trạng tương tự: quận Tân Phú, quận 12, quận Bình Tân CPXD chính thức, nhưng sang tới quận Tân Bình thì CPXD có thời hạn, tối đa 3 tầng; huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũng CPXD có thời hạn. Quận 9 thì chia làm 2 loại, nếu xây thấp tầng thì được CPXD chính thức, nhưng xây dựng cao tầng thì CPXD có thời hạn?!

Việc tách thửa cũng áp dụng loạn cào cào như vậy. Đối với đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở, việc chuyển mục đích sử dụng mỗi nơi cũng khác nhau: quận Tân Phú, quận 12… không cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sang huyện Củ Chi thì cho phép chuyển theo tỷ lệ phần trăm đất ở trong đồ án quy hoạch phân khu… Ông Nguyễn Thanh Nhã thừa nhận: Còn bất cập, chưa công bằng khi CPXD nhà ở đối với các khu đất quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới cho người dân theo Quyết định số 26 của UBND TP. Các quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo quy định pháp luật có liên quan đến nhà, đất như chuyển nhượng, thế chấp… chưa được đảm bảo đầy đủ.

Quận Bình Thạnh có “bảo bối” riêng (?)
Theo ông Trương Trung Kiên, hướng dẫn giải quyết thủ tục nhà đất của các quận huyện không thống nhất đã dẫn đến sự bất cập. Ví dụ, quận Bình Thạnh có một văn bản hướng dẫn, giống như “bảo bối” riêng, trong khi các quận khác lại không có. Trong báo cáo của Ban Đô thị HĐND TP về thủ tục CPXD thì quận Bình Thạnh căn cứ Công văn số 796/SQHKT ngày 11-3-2015 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc về chức năng sử dụng đất trong các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000…

“Việc CPXD có thời hạn gây nhiều bức xúc trong nhân dân do hạn chế về tầng cao, không được công nhận tài sản gắn liền với đất, gây ảnh hưởng quyền lợi trong chuyển nhượng, bồi thường. Về thủ tục đất đai, tình trạng chưa giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn phổ biến, số lượng hồ sơ tồn đọng tại một số huyện như Bình Chánh, Hóc Môn… tạo ra nhiều bức xúc trong nhân dân”, ông Trương Trung Kiên nhận xét.

Phải minh bạch, rõ ràng

Sau khi nghe tranh luận của các đại biểu tham dự, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm phải thốt lên: “Không thể nào cùng điều kiện pháp lý như nhau, cùng trên địa bàn TP mà có quận, huyện thì cấp phép tạm, có quận, huyện cấp chính thức. Như vậy là không ổn, không minh bạch cho người dân! Thậm chí người dân phản ánh, hai ngôi nhà sát nhau, điều kiện pháp lý như nhau, nhưng việc CPXD lại khác nhau; hai quận, huyện sát nhau lại áp dụng khác nhau. Chúng ta phải minh định rõ ràng, người dân biết rằng đang ở trong loại đất đó là đất gì, có quyền gì chứ không là cứ mờ mờ ảo ảo, quyền gì không biết, rồi đi xin, lại chạy phức tạp, cũng làm rắc rối trong quản lý nhà nước”.

Trước sự truy vấn gắt gao của các đại biểu tham dự, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, dè dặt: “Để kết luận từng quận, huyện sai đúng thì phải cẩn trọng chứ trong hội nghị này tôi không thể nói quận này sai hoặc quận kia đúng được. Có thể có một số trường hợp giải quyết CPXD theo thói quen cũ, căn cứ Quy định số 29 năm 2014 của UBND TP về ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị chung để cấp phép xây dựng là không đúng theo quy định của Luật Xây dựng. Về việc hai căn nhà sát nhau cấp phép xây dựng khác nhau, có khi căn nhà này cấp theo quy định cũ, nhưng căn nhà kia lại rơi vào quy định mới thì không được, chứ không phải bị làm khó hoặc không đúng”. Ông Trương Trung Kiên vặn lại: Hiện nay việc các quận huyện có quy hoạch 1/500 rất ít, phải dựa vào quy hoạch 1/2.000 và Quyết định 29 để xác định các chỉ tiêu quy hoạch để cấp phép xây dựng, chẳng lẽ việc cấp phép xây dựng hiện nay là sai hết?

Trước việc tranh luận giữa các sở, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cắt lời: “Đề nghị 3 sở không “đá banh” nữa, “đá qua đá lại” hoài là không được, phải có quy định chung”. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu, các cơ quan chuyên môn phải tìm được vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ, tạo sự thống nhất trong các cơ quan quản lý nhà nước, để từ đó minh bạch thủ tục với người dân. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trên địa bàn TP, cái gì giản lược tối đa thủ tục hành chính mà đúng pháp luật là phải làm. Bởi cái nào không rõ ràng, không minh bạch và hiểu khác nhau sẽ vô cùng khó khăn cho người dân, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.

LƯƠNG THIỆN

Theo SGGP.ORG.VN