Trước đó, nội dung này đã nhận được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của đại diện các ngành liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng TPL không được lập vi bằng liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng những tài sản này vì đó là những giao dịch trái pháp luật. Bởi việc lập vi bằng cũng đồng nghĩa với việc hợp thức hóa giao dịch trái pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên người dân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng đất đai, nhà ở. Hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà, đất không có giấy chứng nhận hiện nay rất phổ biến dưới hình thức hợp đồng viết tay, nếu không thông qua vi bằng thì hoạt động đó vẫn diễn ra. Do vậy, việc lập vi bằng trong trường hợp này là để bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, giải quyết một phần nhu cầu chính đáng của người dân.
hiện nay do nhiều quan điểm chưa thống nhất về phạm vi lập vi bằng, dẫn đến việc hạn chế phạm vi lập vi bằng, và quyền tạo lập chứng cứ của người dân. ẢNH MINH HỌA
Theo đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội, việc lập vi bằng thời gian qua gặp phải nhiều vướng mắc do người dân chưa nhận thức đúng về giá trị pháp lý của vi bằng. Nhiều TPL không giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng nên dễ phát sinh các hệ lụy. Khi đó, Sở Tư pháp là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này nên phải đứng ra giải quyết. Do vậy, cần siết chặt hoạt động lập vi bằng của TPL, đặc biệt là việc lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng.
Đồng tình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh phải chấn chỉnh triệt để, siết chặt quản lý, chỉ đạo điều hành để hạn chế tối đa các sai sót, hệ lụy trong hoạt động lập vi bằng. Muốn làm được điều này, vấn đề mấu chốt phải bắt đầu từ thể chế. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn đề xuất rà soát, lập danh mục các lĩnh vực mà TPL được lập vi bằng. Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng nên quy định cụ thể những lĩnh vực TPL được lập vi bằng mà vi bằng đó hỗ trợ tối đa cho công tác quản lý Nhà nước và hoạt động tố tụng.
Ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn định, đạo đức nghề nghiệp TPL và ý thức của người dân là hai yếu tố quan trọng tác động đến công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TPL. Do đó các Sở Tư pháp cần tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho người dân để họ hiểu đúng và đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng. Cũng như tuyên truyền, phổ biến giáo dục về những quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với TPL.
Cùng với đó, siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành để hạn chế tối đa các phát sinh trong hoạt động lập vi bằng. Thứ trưởng đồng tình với quan điểm TPL không được lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng.
Đối với việc lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở có nguồn gốc rõ ràng thì trước khi công chứng, TPL có quyền lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi này làm cơ sở thực hiện hợp đồng, giao dịch cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh. Bởi theo quy định của Luật Công chứng thì công chứng viên chứng nhận hợp đồng, giao dịch tại thời điểm công chứng. Việc các bên trao đổi, thỏa thuận các nội dung, điều khoản trước khi yêu cầu công chứng do các bên tự thực hiện.
Nguyên An