Theo ông Phan Văn Cheo, Trưởng phòng công chứng số 1, khi người dân yêu cầu và nêu rõ lý do chính đáng thì đều được cán bộ công chứng đến tận nhà phục vụ, thậm chí có thể đến trại giam theo yêu cầu của tù nhân.
– Thưa ông, Phòng công chứng đã “chứng thực tại nhà” như thế nào?
– Tuần nào chúng tôi cũng có những cuộc công chứng tại chỗ theo yêu cầu. Ví dụ như đến bệnh viện, đến nhà để thực hiện việc công chứng cho những người già, người bệnh, mất sức khỏe. Hoặc là đến tận trường, trại cai nghiện, kể cả cho đương sự tại trạm giam, tạm giam.
Riêng việc công chứng ở trại tạm giam, trại giam còn gặp một số khó khăn vì giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an chưa có hướng dẫn chung về việc cho tiếp xúc với đối tượng này. Cho nên những trường hợp này, tùy lúc tuỳ nơi vận dụng, có trường hợp cho vào để làm việc, có trường hợp không cho. Nhiều khi phải đi cả trăm cây số nhưng không được việc thì đâm tốn kém và phiền hà cho người dân.
– Nhu cầu người muốn công chứng, chứng thực tại chỗ ra sao, thưa ông?
– Rất đông người có nhu cầu. Gần đây yêu cầu công chứng từ các trường, trại cai nghiện tăng lên nên công chứng viên còn phải đi nhiều hơn.
– Người dân muốn thực hiện quyền này thì làm như thế nào?
– Đương sự gởi yêu cầu, chúng tôi xem xét và cử cán bộ đi, mang theo giấy giới thiệu làm việc. Tuy nhiên như đã nói, việc khó khăn nhất là khi công chứng ở trại giam, tạm giam. Còn với đối tượng dân sự bình thường, dù trong thành phố hay ngoài tỉnh thì chúng tôi cũng đi. Cá biệt có trường hợp chúng tôi phải cử cán bộ đi tận Hà Nội để thực hiện yêu cầu này.
Chi phí cho việc đi lại, ăn ở… của công chứng viên đều do người yêu cầu công chứng, chứng thực chịu. Còn lại chúng tôi thu tiền dịch vụ theo quy định. Tiền này có thể nộp ngân sách hoặc cơ quan công chứng chi dùng vào việc trang bị phương tiện phục vụ công tác.
– Khi cơ quan công chứng quá tải, việc cử cán bộ đi làm dịch vụ có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tại các phòng công chứng không, thưa ông?
– Người dân có yêu cầu thì mình phải bố trí đi chứ không thể thoái thác được. Bất cứ lúc nào họ yêu cầu và nêu rõ lý do chính đáng thì đều được phục vụ. Tuy nhiên, ở dịch vụ này thì công chứng chỉ làm việc ngoài giờ, chẳng hạn như đầu giờ buổi sáng, hoặc ngoài giờ buổi trưa, buổi chiều. Với trường hợp ra ngoài thành phố, chúng tôi bố trí cho cán bộ đi vào ngày nghỉ thứ bảy hoặc chủ nhật.
–Trường hợp đương sự là người khỏe mạnh, đủ điều kiện đến phòng công chứng nhưng muốn sử dụng dịch vụ công chứng tại chỗ theo yêu cầu thì có được đáp ứng không?
– Trong một số trường hợp thì chúng tôi đáp ứng. Chẳng hạn đó là trường hợp với những người bận bịu do đang giữ trọng trách lãnh đạo đơn vị. Với những trường hợp này thì phòng công chứng xem xét điều kiện thực tế của người có yêu cầu.
UBND TP HCM vừa ban hành mức thu phí dịch vụ công chứng, chứng thực áp dụng tại thành phố. Theo đó, soạn thảo văn bản (trừ các hợp đồng, giao dịch đã có biểu mẫu): 20.000-40.000 đồng/văn bản. Đánh máy hợp đồng mua bán, tặng cho, hoán đổi nhà: 30.000 đồng/bộ. Các văn bản khác: 10.000 đồng/trang (từ trang thứ hai trở đi tính 5.000 đồng/trang). Dịch (gồm cả tiền công dịch và công đánh máy) tiếng nước ngoài sang tiết Việt: 30.000-50.000 đồng/trang; tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: 40.000-80.000 đồng/trang. Chi phí hiệu đính bản dịch bằng 50% tiền dịch thuật cho từng loại tương ứng. Sao lục hồ sơ lưu trữ: 15.000 đồng/hồ sơ. Khi người dân có nhu cầu công chứng, chứng thực thực hiện tại nơi ở (hoặc nơi yêu cầu) thì mức phí (khổng kể lệ phí công chứng, chứng thực) sẽ là: trong phạm vi 10 km – 50.000 đồng/lần đi; từ 10 đến 30 km – 100.000 đồng/lần đi; từ 30 km trở lên – 200.000 đồng/lần đi. |
(TheoTuổi Trẻ)