Giả cả giấy xác nhận độc thân để bán nhà

Giả cả giấy xác nhận độc thân để bán nhà
(PL)- Bị một văn phòng công chứng phát hiện dùng giấy giả, đương sự bỏ đi luôn, tuần sau tới tổ chức hành nghề công chứng khác… công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất.

Mới đây, Văn phòng công chứng (VPCC) Ninh Thị Hiền đã phát hiện một đối tượng nghi làm giả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (gọi tắt là giấy xác nhận độc thân) để bán nhà.

Giả giấy xác nhận độc thân để bán nhà

Bà Ninh Thị Hiền kể: Tháng 6, bà NTNA đến VPCC Ninh Thị Hiền ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất ở quận 7 (TP.HCM) do bà A. đứng tên chủ sở hữu cho người khác. Hồ sơ công chứng thiếu giấy xác nhận độc thân của bà A. Bà A. cho biết ngày mai UBND phường hẹn trả giấy xác nhận độc thân cho bà nên VPCC “tạm treo” hồ sơ để hôm sau bà A. mang tới bổ sung.

Đúng hẹn, hôm sau bà A. đem giấy xác nhận độc thân đến VPCC bổ sung để lấy hồ sơ về. Phát hiện giấy xác nhận độc thân có nhiều điểm bất thường, công chứng viên nghi vấn là giấy giả nên hỏi lại thì bà A. cho biết giấy do UBND phường cấp. Tuy nhiên, sau khi công chứng viên giữ giấy xác nhận độc thân lại để xác minh thì bà A… đi luôn, không quay lại VPCC để hoàn tất hồ sơ công chứng nữa.

Sau đó, bà Ninh Thị Hiền đã gửi thông tin cảnh báo cho các tổ chức hành nghề công chứng lưu ý về trường hợp này nhằm tránh rủi ro khi công chứng giao dịch. Thấy chưa yên tâm, tuần sau bà Hiền kiểm tra thông tin giao dịch về nhà, đất này thì phát hiện bà A. đã công chứng hợp đồngchuyển nhượng nhà, đất ở một tổ chức hành nghề công chứng khác. Hiện nay nhà, đất này đã được đem thế chấp cho một ngân hàng và do một tổ chức hành nghề công chứng khác nữa công chứng.

Giả cả giấy xác nhận độc thân để bán nhà - ảnh 1
Bà Ninh Thị Hiền (Trưởng VPCC Ninh Thị Hiền). Ảnh: KP

Hai đề xuất để đối phó giấy tờ giả

Theo bà Ninh Thị Hiền, mặc dù hiện nay bản thân các tổ chức hành nghề công chứng cũng như từng công chứng viên, với sự hỗ trợ có trách nhiệm của Sở Tư pháp TP.HCM, đã nỗ lực “chống chọi” với tình trạng giấy tờ giả nhưng chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất có thể. Có những trường hợp làm giả quá tinh vi, công chứng viên không thể phát hiện được và vẫn bị lừa. Do đó, nếu có cơ sở dữ liệu thông tin về nhân thân, tài sản (đối tượng giao dịch) thì công chứng viên chỉ cần truy cập vào đó là có được những thông tin cần thiết để công chứng, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Từ đó bà Hiền đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin giữa các ngành, các cấp liên quan đến tài sản, nhân thân. Về việc chia sẻ thông tin, Điều 17 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu với cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Thông tư số 04/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Tuy nhiên, các quy định này là quy định chung, thiếu hướng dẫn cụ thể và đó là rào cản, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân (trong đó có tổ chức hành nghề công chứng) tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, theo bà Hiền, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp làm giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả. Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao chế định trách nhiệm cá nhân, tính trung thực của người dân, quy định chế tài nghiêm khắc hơn cho các hành vi này.

Khởi tố vụ tráo giấy tờ nhà giả lấy giấy thật

Tháng 6-2018, Cơ quan CSĐT Công an quận 5 (TP.HCM) đã khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong vụ án này, đối tượng sử dụng thủ đoạn vờ làm người đi mua nhà 36 Thuận Kiều (phường 12, quận 5) của bà M. rồi yêu cầu bà M. giao các bản phôtô giấy tờ nhà, CMND, hộ khẩu. Tiếp đó, họ làm giả giấy tờ nhà, cử người khác (cũng vờ làm khách mua nhà) đến gặp bà M. yêu cầu cho xem giấy tờ nhà thật rồi lợi dụng lúc bà M. không để ý thì tráo giấy tờ nhà giả lấy giấy tờ nhà thật.

Giả cả giấy xác nhận độc thân để bán nhà - ảnh 2
Huỳnh Ngọc Trinh và Nguyễn Tuyết Nga, hai người Công an quận 5 đang truy tìm. (Ảnh do Công an quận 5 cung cấp)

Có giấy tờ nhà thật trong tay, nhóm này sử dụng giấy CMND giả, hộ khẩu giả làm hợp đồng ủy quyền (có công chứng) cho Huỳnh Ngọc Trinh (SN 1986, ngụ quận 4, TP.HCM) để quản lý, sử dụng, cho thuê, cho mượn, ở nhờ, chuyển nhượng, tặng cho đối với căn nhà trên. Từ ủy quyền này, Trinh đã làm hợp đồng bán nhà cho người khác…

Sau khi phát hiện sự việc, CQĐT Công an quận 5 trưng cầu giám định thì kết quả là thông báo nộp lệ phí trước bạ là giả, chữ viết, chữ ký, dấu vân tay của bà M. trong hợp đồng ủy quyền cũng là giả.

Công an quận 5 nhận thấy Huỳnh Ngọc Trinh và Nguyễn Tuyết Nga (cũng ngụ quận 4, TP.HCM) có liên quan đến vụ án nên đã thông báo truy tìm để điều tra. Công an quận 5 cũng lưu ý các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP rằng muốn phát hiện CMND giả, hộ khẩu giả thì cần xem xét, đối chiếu hình ảnh, dấu vân tay trên bản chính các giấy tờ tùy thân trong các tài liệu đi công chứng vì người đi công chứng bị thay đổi, cắt ghép hình ảnh. Đồng thời, khi phát hiện Trinh và Nga thì báo ngay cho Công an quận 5 để có biện pháp giải quyết.

KIM PHỤNG – MINH ANH