Bất cập trong quản lý văn phòng công chứng: Nguy cơ gây hậu quả khôn lường!

Hai năm gần đây, loại hình văn phòng công chứng phát triển mạnh ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn, giúp người dân có thêm sự lựa chọn giữa tổ chức tư – văn phòng công chứng với phòng công chứng nhà nước.

Song do tốc độ phát triển nhanh trong khi công tác quản lý không theo kịp dẫn đến một số văn phòng công chứng không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Muôn dạng biểu hiện vi phạm

Vụ việc sao y bản chính sai quy định bị phát hiện tại Hà Nội cuối tháng 2-2017 vừa qua là một ví dụ điển hình. Quy trình chuẩn cho một nghiệp vụ sao y bản chính tại các UBND phường hay các phòng công chứng, văn phòng công chứng (VPCC) là: Bước 1 – xuất trình bản gốc; bước 2 – so khớp bản sao với bản gốc. Rồi sau đó nếu đủ điều kiện mới chứng thực. Song trong một phóng sự được phát trên đài truyền hình thì VPCC này thực hiện chứng thực đóng dấu “sao y bản chính” gần 200 văn bản khác nhau được tải từ internet về (không trực tiếp kiểm tra bản gốc) từ chứng chỉ hành nghề, kết quả thử nghiệm, cho đến giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với tổng chi phí là 600.000 đồng.

Chánh Văn phòng – Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, khi nhận được phản ánh, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã có công văn chỉ đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực trên địa bàn tiến hành kiểm tra, xử lý thông tin.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thanh Nam cho biết, xác minh bước đầu cho thấy, sai phạm diễn ra ở VPCC Nguyễn Văn Thu (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Để có cơ sở xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp nêu trên, Thanh tra Sở Tư pháp đã vào tận Thanh Hóa xác minh, sắp tới sẽ công khai kết quả và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt nghiêm khắc, đúng với tính chất, mức độ vi phạm.

Không chỉ có vụ việc trên, thực tế còn cho thấy, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do công chứng viên cố tình làm liều. Gần đây nhất, ngày 14-2, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố, bắt giam Thạch Văn Lành, 44 tuổi, Trưởng VPCC Cộng Sự ở TP Trà Vinh, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến vụ án này, Công an tỉnh Trà Vinh cũng đã khởi tố bị can Trần Thị Mỹ Hằng, 33 tuổi, ngụ tại TP Trà Vinh về tội lừa đảo. Theo hồ sơ ban đầu, từ đầu năm 2016 đến khi bị bắt, Hằng đã thuê 14 ô tô rồi nhờ Lành ký hợp đồng công chứng, giấy ủy quyền qua tên Hằng để cầm cố tại các địa phương: Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh lấy gần 7,5 tỷ đồng và chia tiền phần trăm cho Lành.

Một biểu hiện vi phạm phổ biến khác là mở thêm điểm giao dịch ngoài trụ sở để “phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi” dù luật không cho phép. Cụ thể, ngay tại Hà Nội, một số tổ chức, cá nhân mở các cơ sở giao dịch với biển hiệu như: Văn phòng luật sư, công chứng; dịch thuật – công chứng; tư vấn công chứng, chứng thực tư pháp… Với những biển hiệu nói trên, người dân rất dễ nhầm lẫn đó là nơi họ có thể nộp hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực. Nhưng thực tế, những người làm việc tại các cơ sở này chỉ tiếp nhận hồ sơ sau đó chuyển lại cho các VPCC để công chứng, chứng thực.

Quản lý thiếu đồng bộ

Được biết, để kịp thời ngăn chặn những hành vi trái quy định của pháp luật trong hoạt động công chứng, chứng thực, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với công an, các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực liên quan đến lĩnh vực công chứng, chứng thực. Theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, cả nước đã thành lập 35 Hội Công chứng viên là địa chỉ tin cậy hướng dẫn, giải quyết các tranh chấp trong nội bộ các văn phòng, cho ý kiến về việc khen thưởng kỷ luật, phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác quản lý. Hội cũng giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng…

Song do số lượng các tổ chức hành nghề công chứng phát triển quá nóng nên tại nhiều địa phương quản lý không theo kịp, thậm chí có thời điểm phải tạm ngừng cấp phép. Với Hội Công chứng viên, đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp nên có những khó khăn nhất định. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Công chứng viên Hà Nội Đặng Mạnh Tiến cho biết, hiện chưa có quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý – Sở Tư pháp với Hội nên còn những lúng túng nhất định. Đặc biệt, chưa có hiệp hội toàn quốc nên hoạt động của các hội thiếu tính liên kết.

Thực tế còn cho thấy, cũng có những bất cập trong hoạt động công chứng, chứng thực không phải do yếu tố chủ quan từ công chứng viên mà do thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin đồng bộ về giao dịch bất động sản, đăng ký giao dịch bảo đảm. Do vậy, từng có trường hợp một căn nhà đem bán cho hai người, mang đi công chứng hợp đồng tại hai tổ chức hành nghề công chứng khác nhau; một tài sản đem thế chấp, bảo lãnh ở nhiều người, nhiều nơi; người đã chết nhưng vẫn “giao dịch”; công chứng cho người có tài sản đã bị cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá. Chưa kể, mức xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp hiện nay quá nhẹ nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt rồi tiếp tục vi phạm.

Rõ ràng, thực tế cuộc sống đã đặt ra yêu cầu cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các VPCC, nếu không muốn để xảy ra những hậu quả khôn lường. Cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điều chỉnh, bổ sung hệ thống quy định pháp luật để hoạt động công chứng phát triển đúng hướng, phục vụ đắc lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội.

Hà Nội Mới