Biến tướng hoạt động công chứng – Bài 1: Trốn thuế và tư vấn… trốn thuế

Biến tướng hoạt động công chứng – Bài 1: Trốn thuế và tư vấn… trốn thuế

Theo điều tra của phóng viên Báo SGGP, hầu hết các văn phòng công chứng không xuất hóa đơn, có dấu hiệu trốn thuế và “kiêm” luôn việc tư vấn trốn thuế cho khách hàng.

Văn phòng Công chứng Hội Nhập, quận 4, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Hiện nay, TPHCM trao cho các tổ chức công chứng được “độc quyền” công chứng, chứng thực các giao dịch liên quan đến bất động sản, nhà đất (trong khi nhiều tỉnh, thành khác thì UBND cấp phường/xã, quận/huyện vẫn thực hiện song song). Do vậy, ở TPHCM, nhiều văn phòng công chứng ra đời và hoạt động bát nháo! Theo điều tra của phóng viên Báo SGGP, hầu hết các văn phòng công chứng không xuất hóa đơn, có dấu hiệu trốn thuế và “kiêm” luôn việc tư vấn trốn thuế cho khách hàng.

Tư vấn chuyện… trái pháp luật

Cầm bộ hồ sơ chờ đến lượt ở Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân Ngụ (quận 5) thuộc hệ thống văn phòng công chứng tư mang tên Hoàng Xuân, chúng tôi xin được tư vấn chi tiết về các thủ tục sang nhượng đất. Theo hướng dẫn của người đi trước, chúng tôi hỏi: “Có thể làm 2 hợp đồng, một cái ghi giá thấp xuống để khai thuế, một cái ghi giá thật để phòng khi có tranh chấp nộp cho tòa, được không anh”. Công chứng viên trả lời: “Công chứng không dám ký một hồ sơ 2 hợp đồng như vậy được”. “Vậy có cách nào nộp thuế ít hơn không anh”, chúng tôi hỏi thẳng. “Anh chị nên làm hợp đồng với giá thấp xuống bằng khung giá nhà nước, rồi làm tiếp cái phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá bằng với giá thực tế mua bán. Anh chị nộp hợp đồng chính để khai thuế, còn giữ lại phụ lục hợp đồng phòng khi có tranh chấp”, công chứng viên này “vẽ đường cho hươu chạy”.

Với “Chiêu thức” trên, cả hai sẽ được công chứng hợp pháp và trốn thuế dễ dàng. Thế nhưng, hỏi về phí công chứng tính dựa trên giá nào thì công chứng viên giải thích: Công chứng hợp đồng chính thì tính theo giá hợp đồng chính, khi ký phụ lục hợp đồng theo giá điều chỉnh cao hơn thì tính phần chênh lệch sau khi điều chỉnh. Có nghĩa là, công chứng viên “giúp” người dân trốn thuế, về phần phí thì vẫn thu đủ, lại còn được thu 2 lần “thù lao” soạn hợp đồng, phụ lục hợp đồng.

Tại Văn phòng Công chứng Chợ Lớn (đường Hồng Bàng, quận 5), chúng tôi cũng yêu cầu được tư vấn thì nhân viên hướng dẫn sang bàn luật sư ngay cửa. Chúng tôi thử hỏi cách giảm mức thuế khi sang nhượng đất, cô luật sư nhiệt tình: Anh chị cứ làm hợp đồng khai giá thấp xuống để khai thuế, rồi ký thêm hợp đồng tay ghi giá bán để phòng tranh chấp. “Nhưng hợp đồng công chứng có giá trị pháp lý hơn, tòa đâu thừa nhận hợp đồng giấy tay đó”, tôi nói. Cô luật sư giải thích: “Hợp đồng giấy tay vẫn có giá trị bình thường, không sao đâu”.

Chúng tôi đến một số phòng công chứng Nhà nước và văn phòng công chứng tư khác cũng được hướng dẫn cách thức tương tự: khai giá thấp xuống để giảm mức thuế.

Không hóa đơn, báo cáo thuế nhỏ giọt

Điều ngạc nhiên là đi đến đâu hầu hết các văn phòng công chứng tư (Hoàng Xuân, Trung Tâm, Chợ Lớn…) đều không xuất hóa đơn đầy đủ cho khách hàng. Khi đòi hóa đơn, các văn phòng công chứng đều nói chỉ xuất hóa đơn cho khách hàng là doanh nghiệp, còn khách hàng cá nhân thì chỉ xuất phiếu thu. Thử chứng thực sao y một số giấy tờ, chúng tôi đòi hóa đơn, nhân viên một văn phòng công chứng trả lời thẳng: “Quy định ở đây không xuất hóa đơn cho cá nhân”!

Trong khi đó, theo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị 200.000 đồng trở lên phải xuất hóa đơn GTGT cho khách; nếu dưới 200.000 đồng mà khách có yêu cầu thì vẫn phải xuất hóa đơn. Thế nhưng, các văn phòng công chứng đều không xuất hóa đơn. Nhiều tổ chức công chứng có khách hàng đông nườm nượp (chưa kể đến hoạt động công chứng tại nhà, tại trụ sở theo yêu cầu của doanh nghiệp và cá nhân), thu phí rất cao nhưng lại báo cáo doanh số không bao nhiêu. Có đơn vị báo cáo doanh thu chỉ bằng hoạt động chứng thực của cấp phường!

Doanh thu cao nhất là Phòng Công chứng số 4 với 38 tỷ đồng (năm 2015), 41 tỷ đồng (2016) và 23 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2017). Tiếp đến (cũng theo thứ tự năm) là Phòng Công chứng số 1 với 30 tỷ đồng, 26 tỷ đồng và 15 tỷ đồng; Phòng Công chứng số 2 và số 3 là 17 tỷ đồng, 19 – 22 tỷ đồng và 11 tỷ đồng…

Trong khi đó, cũng cùng địa bàn, nhưng các văn phòng công chứng tư lại báo cáo thuế nhỏ giọt. Điển hình như Văn phòng Công chứng Gia Định nằm ngay trung tâm quận 1 nhưng doanh thu các năm 2015, 2016, 2017 chỉ khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Các văn phòng công chứng tư khác như Văn phòng Công chứng Hội Nhập (quận 4) khai doanh thu mỗi năm chỉ khoảng 2 tỷ đồng; Văn phòng Công chứng Trần Trung Dũng (thị trấn Củ Chi) khai 1 tỷ đồng/năm; Văn phòng Công chứng Nguyễn Hồng Hà (Gò Vấp) hơn 1 tỷ đồng/năm; Văn phòng Công chứng Thị Vượng (quận 8) cũng chỉ hơn 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, Văn phòng Công chứng An Lạc (huyện Bình Chánh) khai doanh thu năm 2015 chỉ hơn 100 triệu đồng, năm 2016 là 1,6 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 chỉ 83 triệu đồng!

Dù giá phí công chứng được Nhà nước ban hành thống nhất nhưng “giá thù lao” thì do… các tổ chức công chứng tự thu theo khung giá do UBND TPHCM quy định ở mức… mút khung! Do vậy, khách hàng phải trả giá dịch vụ công chứng, chứng thực cao một cách lạ kỳ. Chị D.T.T. kể, chủ đầu tư yêu cầu chị đến Văn phòng Công chứng Châu Á (đường Võ Văn Tần, quận 3) để ký tờ giấy ủy quyền, nơi đây thu với giá hơn 300.000 đồng! Chúng tôi thử đi khảo sát một số văn phòng khác vẫn thế. Tại Văn phòng Công chứng Tân Thuận (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7), nơi đây khách ra vào tấp nập. Cũng theo yêu cầu của chủ đầu tư chung cư Everich, khách phải đến đây để ký giấy ủy quyền cho chủ đầu tư đi nộp hồ sơ làm sổ hồng căn hộ, mỗi khách làm một giấy ủy quyền (3 bản) mà phòng công chứng thu đến 300.000 đồng. “Thử hỏi hàng trăm căn hộ của một dự án đến đây để ký giấy ủy quyền thì số tiền sẽ là bao nhiêu, khi mẫu này đã có sẵn”, chị Đ.T.H.N. nói. Chúng tôi càng ngạc nhiên khi với lượng khách và giá phí cao như thế, nhưng Phòng công chứng Tân Thuận khai báo doanh thu mỗi năm chỉ 5 – 6 tỷ đồng.

Nếu so sánh với thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy ủy quyền tại UBND phường/xã trước đây thì người dân được cung cấp miễn phí các mẫu hồ sơ, giấy tờ và chỉ phải trả vài ngàn đồng/hồ sơ. Hiện nay, dù chính quyền địa phương chỉ còn mỗi chức năng sao y bản chính, chỉ được thu vài ngàn đồng/tờ nhưng trung bình mỗi phường cũng thu khoảng 500 triệu đồng/năm. Vậy mà các tổ chức công chứng cung cấp nhiều loại dịch vụ, độc quyền cả mảng đất đai, ngoài thu phí còn được thu thù lao, nhưng vì không xuất hóa đơn nên khai doanh thu nhỏ giọt – có nơi khai doanh thu bằng ở phường. Liệu đây có phải là hành vi trốn thuế!

HÀN NI

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/bien-tuong-hoat-dong-cong-chung-bai-1-tron-thue-va-tu-van-tron-thue-532259.html

admin