Cân Nhắc Thiệt Hơn Khi “Xóa“ Công Chứng Hợp Đồng Mua Nhà
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, hôm qua có cuộc họp với đại diện các bộ, ngành, các tổ chức về đề xuất bỏ công chứng đối với một số hợp đồng, giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất.
Chuyển từ “nghĩa vụ” sang “quyền”…
Nội dung phương án này được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ-CP và Nghị quyết số 52/NQ-CP như sau: “Bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở và quyền sử dụng đất (QSDĐ), chuyển các thủ tục này từ hình thức quy định bắt buộc thành hình thức thực hiện theo nhu cầu của các bên tham gia thế chấp”.
Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC) Ngô Hải Phan cho biết, nếu phương án đơn giản hóa trên được thực thi, việc thực hiện công chứng hợp đồng về nhà ở và QSDĐ sẽ chuyển từ “nghĩa vụ” thực hiện công chứng sang thành “quyền” sử dụng dịch vụ công chứng của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, các tổ chức hành nghề công chứng sẽ trở về đúng nghĩa là tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý và các tổ chức hành nghề công chứng phải cạnh tranh về chất lượng cung cấp dịch vụ để thu hút người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, kể cả việc công chứng các hợp đồng về nhà ở và QSDĐ.
Tại cuộc họp ngày 14/6, một số ý kiến đồng tình với nội dung đơn giản hóa thủ tục công chứng. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương Nguyễn Hải Lộc nhận định, vẫn còn không ít rắc rối, phiền hà, rườm rà khi người dân có nhu cầu công chứng. Còn theo ông Nguyễn Sĩ Đạo (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), công chứng bắt buộc không có tác dụng phòng ngừa rủi ro, nhất là khi một mảnh đất có nhiều giấy chứng nhận hay một giấy chứng nhận mang đi công chứng tại nhiều tổ chức hành nghề công chứng.
Ông Trương Thanh Đức (Ngân hàng TMCP Hàng Hải) cho rằng, nếu bỏ công chứng bắt buộc thì lúc này sẽ phát huy vai trò của luật sư như một “thẩm phán phòng ngừa” đối với các hợp đồng, giao dịch, tương tự chức năng của công chứng hiện nay.
…Hay xóa bỏ một thói quen tốt?
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Kiểm soát TTHC về việc triển khai thực hiện phương án này cũng phải nhận định rằng, việc công chứng, chứng thực đối với các hợp đồng về nhà ở và QSDĐ đã tồn tại khá lâu và đã thành thói quen trong đời sống người dân. Việc thay đổi thói quen của người dân về không yêu cầu bắt buộc công chứng là quá trình khó khăn.
Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến ngạc nhiên, nếu coi đây là một thói quen cần thay đổi thì có nghĩa đó là thói quen xấu, trong khi ở các nước phát triển, người dân lại có thói quen thực hiện công chứng đối với tất cả các hợp đồng, giao dịch. Hơn nữa, công chứng là một thủ tục bổ trợ tư pháp chứ không phải là TTHC. “Tất nhiên, hiện tượng tiêu cực vẫn tồn tại nhưng sau hơn 3 năm triển khai Luật Công chứng, hoạt động công chứng đã được xã hội hóa, trở thành một dịch vụ công và về bản chất không còn là phiền hà, sách nhiễu”, bà Yến phát biểu.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương Ngô Quang Giáp cũng kiến nghị, cần xác định lại xem liệu công chứng có phải là một TTHC hay không. Ông Giáp phân tích: TTHC được đặt trong quan hệ giữa người dân, tổ chức với cơ quan hành chính Nhà nước, trong khi với chủ trương xã hội hóa, các văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì không thể là cơ quan hành chính Nhà nước. “Nên chăng, chúng ta cần tập trung rà soát để bãi bỏ những hồ sơ, giấy tờ không cần thiết trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ và đổi mới quy trình cấp giấy”, ông Giáp nói.
Nhà nước sẽ phải tăng biên chế
Công chứng viên Trần Ngọc Nga – Trưởng Phòng Công chứng số 1, TP. Hà Nội – khẳng định, mặc dù báo cáo của Cục Kiểm soát TTHC nêu rằng “bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng không có nghĩa là… chuyển trách nhiệm làm công chứng sang cho cơ quan đăng ký nhà ở và quyền sử dụng đất” nhưng rõ ràng nếu không bắt buộc công chứng thì phần việc này sẽ chuyển sang các cơ quan đăng ký.
Như vậy, Nhà nước sẽ phải tăng biên chế, tăng chi ngân sách. “Ở đây mới tính toán lợi ích khi bỏ công chứng, nhưng chưa thấy tính toán khi dồn việc sang cho cơ quan đăng ký thì chi phí tăng giảm như thế nào, chưa khảo sát người dân sẽ đỡ vất vả hay không…”, ông Nga thẳng thắn bày tỏ.
Đại diện Ngân hàng Công thương nhấn mạnh, việc hướng dẫn, tư vấn của công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng là một lợi ích mà người dân có được trong giao kết hợp đồng khi nhận thức của họ còn hạn chế. “Với điều kiện nước ta hiện nay, cần thận trọng và cân nhắc thời điểm bãi bỏ yêu cầu công chứng bắt buộc đã thực sự thích hợp chưa”, vị đại diện này đề xuất.
Nguồn Báo Pháp luật Việt Nam điện tử