Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai
Hỏi: Xin chào Luật sư ạ! Hiện tại tôi đang có một vấn đề cần sự tư vấn giúp đỡ của Luật sư ạ. Gia đình tôi đang làm thủ tục nhận uỷ quyền thừa kế của bà Nguyễn Thị A nhưng bà A với gia đình tôi không có quan hệ họ hàng, bà A không có con cháu, là người sống cô đơn tại địa phương vì thời điểm trước bà bị thất lạc họ hàng và không liên hệ, tìm lại được, bà có nhận bố tôi làm anh nhưng không có giấy tờ gì xác nhận mà chỉ nhận nhau qua miệng. Chúng tôi coi bà A như bà của mình và có trách nhiệm chăm lo cho bà khi tuổi cao sức yếu. Sau khi lâm trung bà A có để lại một thửa đất ở diện tích 162 m2 và bà muốn để lại thừa kế cho tôi, có giấy uỷ quyền thừa kế và đầy đủ chữ ký các bên, đồng thời có xác nhận của UBND xã. Vậy luật sư cho tôi hỏi bây giờ tôi muốn làm thủ tục nhận thừa kế của bà A có đúng quy định của pháp luật không? Và thủ tục để đăng ký tại cơ quan chuyên môn về đất đai cần những giấy tờ gì ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào anh/chị, cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật sư Nguyễn Hào Hiệp và Cộng sự. Sau khi xem xét vấn đề anh/chị đưa ra, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, chúng tôi xin giải đáp như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 24/11/2015;
– Luật Công chứng số 53/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/06/2014.
2. Luật sư tư vấn
Theo thông tin anh/chị cung cấp, bà Nguyễn Thị A trước khi mất đã tạo lập tài sản là quyền sử dụng đất đối với thửa đất ở có diện tích 162m2. Căn cứ quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 thì bà A có quyền lập di chúc để định đoạt lại tài sản của mình là quyền sử dụng đất cho người khác. Do đó, nếu giấy ủy quyền thừa kế mà anh/chị nhắc đến được hiểu là nội dung của một văn bản di chúc, trong đó thể hiện ý chí của bà A là để lại thửa đất ở cho anh/chị được toàn quyền quản lý, sử dụng thì anh/chị được xác định người được thừa kế hợp pháp của bà A. Để thực hiện thủ tục nhận thừa kế đối với tài sản do bà A để lại, trước tiên anh/chị cần phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế và có thể yêu cầu công chứng văn bản này theo quy định tại Điều 58 Luật công chứng năm 2014. Cụ thể:
“Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản
1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”
Hồ sơ thực hiện công chứng bao gồm:
– Giấy chứng tử của bà Nguyễn Thị A;
– Di chúc của bà A;
– Giấy tờ về quyền sử dụng đất;
– Giấy tờ tùy thân: CMTND, sổ hộ khẩu của bạn…
Việc thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế của bạn sẽ được niêm yết công khai tại Uỷ ban nhân dân xã nơi bà A thường trú cuối cùng. Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có ai tranh chấp thì sẽ được công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế này. Văn bản khai nhận di sản thừa kế là căn cứ để anh/chị được nhận thừa kế quyền sử dụng đất do bà A để lại.
Tiếp theo anh/chị cần đến chi cục thuế tại địa phương để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhân cá nhân cho việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất.
Cuối cùng, anh/chị đến Phòng tài nguyên – môi trường của Uỷ ban nhân dân quận (huyện) để đăng ký việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đăng ký biến động ( theo mẫu)
– Giấy tờ về quyền sử dụng đất;
– Văn bản khai nhận di sản thừa kế;
– Giấy tờ chứng minh hoàn thành nghĩa vụ tài chính;
– Giấy tờ tùy thân.
Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký của anh/chị, nếu hồ sơ hợp lệ thì sẽ tiến hành việc đăng ký nhận thừa kế cho anh/chị trong thời hạn do pháp luật quy định.