Công chứng viên: Nghề dễ… ra tòa

Công chứng viên: Nghề dễ… ra tòa
(PL)- Nếu hợp đồng công chứng bị tòa tuyên vô hiệu do sự non kém nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm, lỗi chủ quan nghiêm trọng của công chứng viên… thì tùy trường hợp sẽ xử lý hành chính, thậm chí truy tố.

“Cách đây ba năm gần như chưa có trường hợp nào công chứng viên (CCV) bị xác định là bị đơn khi có yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Thế nhưng sau này rất nhiều CCV bị xem là bị đơn trong những vụ kiện, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, công việc” – ông Nguyễn Trí Hòa, Phó Chủ tịch Hội CCV TP, góp ý tại buổi tọa đàm do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức về tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng và văn bản công chứng.

Chứng nhận đúng pháp luật cũng thành bị đơn

Tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Bình Thuận cho hay: Do quan điểm khác nhau nên tư cách pháp lý của CCV, tổ chức hành nghề công chứng trong các vụ yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu chưa được xác định rõ ràng. “Lúc thì bị đơn, khi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vừa rồi Sở Tư pháp cũng nhận được thư triệu tập của một tòa án gửi đến với tư cách Sở là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một vụ tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu. Sở thấy cũng khó hiểu” – bà Thuận kể.

Ông Bùi Văn Trí, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM, cho biết theo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì “bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện”. Do đó, nếu người yêu cầu công chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đơn khởi kiện đối với cơ quan công chứng đã chứng thực giao dịch, hợp đồng về việc yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu thì lúc này “cơ quan công chứng là bị đơn”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hòa cho rằng không phải cứ nguyên đơn kiện thì CCV đương nhiên là bị đơn mà phải gắn thêm điều kiện khi người này xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. “Có vụ ở Thủ Đức, CCV chứng nhận một vụ bán nhà, thủ tục đúng pháp luật. Sau đó người hàng xóm kiện cho rằng người bán còn nợ tiền nên yêu cầu hủy hợp đồng đã bán. CCV không liên quan đến vụ tranh chấp, căn nhà không phải là tài sản bảo đảm trong vụ mượn tiền thế nhưng vẫn bị xác định là bị đơn” – ông kể.

Làm thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 4, TP.HCM. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung trong bài) Ảnh: HTD

Theo luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật, trong vụ án dân sự tranh chấp liên quan đến văn bản công chứng vô hiệu thì CCV, tổ chức hành nghề công chứng có thể tham gia với nhiều tư cách. Có khi là nguyên đơn, có thể là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tùy theo tình huống.

Về văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu, luật sư Bảo Trâm cho rằng đó là khi có căn cứ xác định việc công chứng có vi phạm pháp luật, tức là văn bản công chứng không đảm bảo được tính xác thực, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội kể cả trường hợp có lỗi hay không có lỗi của CCV và tổ chức hành nghề công chứng.

“Theo luật định, văn bản công chứng phải bảo đảm được các yếu tố này. CCV có chức năng bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên. Tổ chức hành nghề công chứng phải quản lý CCV tuân thủ pháp luật và đạo đức hành nghề” – bà Trâm giải thích.

Rủi ro cao, thường trực mối lo bồi thường

TS Lê Minh Hùng, Trưởng bộ môn Luật dân sự (Trường ĐH Luật TP.HCM), đặt vấn đề về trách nhiệm của CCV khi hợp đồng công chứng bị tuyên vô hiệu. Theo ông, Luật Công chứng 2014 đã nói rõ tổ chức hành nghề công chứng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường do CCV, người làm việc, kể cả cộng tác viên của nơi này gây ra. Cá nhân này sẽ hoàn trả lại cho tổ chức hành nghề công chứng.

Theo ông, nếu hợp đồng công chứng bị vô hiệu mà tổ chức hành nghề công chứng chỉ là một bên tham gia vào quá trình thiệt hại thì chịu trách nhiệm liên đới. Ví dụ do sai sót trong nghiệp vụ, CCV chỉ chịu trách nhiệm bồi thường liên quan trực tiếp tới việc đã công chứng không đúng quy định dẫn đến thiệt hại về chi phí công chứng, mất thu nhập, phí thuê luật sư, chi phí tố tụng…

“Tổ chức hành nghề công chứng có thể không phải chịu trách nhiệm nếu CCV chứng minh mình không có lỗi trong việc hợp đồng công chứng bị tuyên vô hiệu. Ví dụ do hai bên mua bán thông đồng ký hợp đồng giả tạo mà CCV không thể biết dẫn đến người mua sau này bị thiệt hại. Hai hợp đồng mua bán bị tuyên vô hiệu và bên mua ngay tình kiện đòi bồi thường. Trường hợp này khó có cơ sở chứng minh CCV có lỗi do đó có thể không phải chịu trách nhiệm” – ông nêu ví dụ.

Luật sư Bảo Trâm cũng cho rằng nếu không có lỗi thì CCV không phải bồi thường khi văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu.

Tuy nhiên, TS Hùng lưu ý nếu hợp đồng công chứng bị tòa tuyên vô hiệu do sự non kém nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm, lỗi chủ quan nghiêm trọng của CCV hay cố tình thông đồng với đương sự thì tùy trường hợp mà bị xử lý hành chính, thậm chí bị xử hình sự. “Đây là rủi ro, thách thức hết sức nặng nề của nghề công chứng, đòi hỏi người làm công chứng không chỉ tận tụy mà còn phải luôn cảnh giác và cẩn trọng tối đa” – ông nhắc nhở.

Vi phạm pháp luật là khi CCV không tuân thủ quy định pháp luật như chứng nhận cho người yêu cầu công chứng không có năng lực hành vi dân sự. Còn nếu do người yêu cầu công chứng không trung thực như giả mạo giấy tờ thì phải xem là thiếu căn cứ hợp pháp. Không nên quy tất cả trách nhiệm cho CCV.

Đại diện Phòng Công chứng số 6, TP.HCM

CẨM TÚ

admin