Công chứng viên nhiệt tình, cởi mở nhưng đừng ký… ‘vô tư’

Công chứng viên nhiệt tình, cởi mở nhưng đừng ký… ‘vô tư’

Công chứng viên nhiệt tình, cởi mở nhưng đừng ký... 'vô tư'

(PLO)- Nhiều bạn đọc đặc biệt quan tâm, bày tỏ quan điểm về loạt bài liên quan đến việc giả mạo giấy tờ, giả mạo người để công chứng được đăng tải trên PLO thời gian qua.

Sau bài viết Công chứng “cô đơn” chống giấy tờ giả đăng ngày 9-11, PLO nhận được nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về nạn giả người, giả giấy tờ công chứng ngày càng nhiều và tinh vi nhưng công an bị vướng trong xử lý vì luật chưa được giải thích rõ. 

Công chứng viên xác minh theo “cảm tính”?

Thời gian qua, tôi theo dõi rất sát loạt bài của PLO liên quan đến chủ đề giả mạo người; giả mạo, tráo giấy tờ nhà, đất để công chứng gây hoang mang trong xã hội và người dân, làm cho các công chứng viên nhức đầu, lo lắng, bất an.
Tôi cho rằng vấn đề này không hề nhỏ vì tài sản bị lừa đảo, chiếm đoạt lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng… ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại và các giao dịch khác… Tòa án cũng từng đưa ra xét xử và kết quả là công chứng viên phải liên đới bồi thường trách nhiệm vật chất (tức bồi thường bằng tiền).
Với góc độ là người dân, trước hết, tôi chia sẻ những trăn trở, khó khăn của công chứng viên trong giai đoạn hiện nay khi phải đơn độc đương đầu với vấn nạn này. Tuy nhiên, tôi cũng có một số suy nghĩ muốn nêu lên ở đây để mọi người, trong đó có cả các công chứng viên, hội nghề nghiệp của công chứng viên nên suy nghĩ thêm.
Thứ nhất, tôi đã từng đi công chứng ở nhiều phòng, văn phòng công chứng tại TP.HCM để mua bán nhà, đất và một số giao dịch khác. Tôi nhận thấy điểm chung nhất là hầu hết những nơi này, từ thư ký nghiệp vụ đến công chứng viên đều rất nhiệt tình, cởi mở, làm việc rất chăm chỉ và… ký rất vô tư.
Thông thường, công chứng viên chỉ xem xét giấy tờ tài sản, nhân thân của hai bên mua bán rất sơ sài, qua loa, hầu như chỉ dựa vào cảm tính và kinh nghiệm chứ không có máy móc, phương tiện soi chiếu.
Thứ hai, một khi công chứng viên phát hiện hoặc nghi ngờ bị giả mạo giấy tờ, giả mạo người thì cũng chỉ biết… lắc đầu từ chối tiếp nhận và từ chối công chứng chứ chẳng có quyền hay phương tiện gì gì để tịch thu, bắt giữ giấy tờ hoặc người giả mạo.
Thứ ba, khi tác nghiệp, công chứng viên hầu như chỉ biết dựa vào hai hệ thống mạng liên kết nội bộ của ngành tư pháp, công chứng đó là “mạng ngăn chặn” và “mạng liên kết chia sẻ thông tin giao dịch công chứng” mà tôi thường nghe họ gọi là CMC… 
Họ chỉ dựa vào hai hệ thống mạng này mà không hề có sự phối hợp, liên kết với các cơ quan khác như Sở Tài nguyên và Môi trường (là nơi cấp giấy chủ quyền nhà, đất – gọi tắt là giấy hồng, giấy đỏ cho người dân) để xác minh xem giấy hồng, giấy đỏ là thật hay giả.
Ngoài ra, họ cũng có thể liên hệ UBND phường, xã, thị trấn nơi có bất động sản và nơi thường trú của người chủ tài sản để kiểm tra xem căn nhà đó có thật hay không, hiện trạng có thay đổi giữa thực tế và pháp lý hay không, chủ tài sản có phải là người thật hay không. Họ chỉ dựa vào lời cam kết của các bên được nêu trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng là đủ.
Với cách tiếp cận và từ thực tế này, tôi nhận thấy phải chăng trong hoạt động hiện nay của toàn hệ thống công chứng tại TP.HCM hình như đang có vấn đề. Tại sao các phòng, văn phòng công chứng không mạnh tay trang bị cho mình các công cụ, phương tiện hiện đại như máy soi, máy quét, máy chụp… để hỗ trợ trong công tác chuyên môn mà chỉ dựa vào kinh nghiệm? 
Tại sao khi công chứng mua bán, chuyển dịch tài sản nhà, đất có giá trị lớn, công chứng viên không thực hiện việc xác minh tài sản, xác minh nhân thân người giao dịch (chủ yếu là bên bán) để xác định tài sản là có thật (tức giấy hồng, giấy đỏ là thật) và người bán đúng là người chủ tài sản thật?
Phải chăng các công chứng viên chỉ nghĩ đơn thuần rằng do là giao dịch dân sự nên việc cốt yếu là ở “hai bên” và chỉ cần cho họ cam kết là đủ? Tôi được biết khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 cho công chứng viên được quyền xác minh hoặc yêu cầu giám định khi có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể.
Như vậy, Luật Công chứng đã quy định rõ như vậy tại sao công chứng viên không vận dụng? Bởi lẽ khi mua bán căn nhà, thửa đất có giá trị rất lớn thì đương nhiên trình tự, thủ tục sẽ phải khác khi chúng ta đi ra chợ mua cân rau, trái cà. Nếu phải chậm hơn một hoặc vài ngày để xác minh cho kỹ thì đó cũng là việc phải làm, không thể viện lý do chậm cho các bên đi giao dịch, ảnh hưởng quyền lợi các bên trong làm ăn kinh tế được.
Tôi được biết ở Cộng hòa Pháp, một đất nước rất văn minh, việc mua bán một căn nhà được tiến hành và diễn ra khoảng sáu tháng kể từ khi việc mua bán đầu vào diễn ra tại văn phòng công chứng đến khi đăng bộ sang tên cho bên mua đầu ra tại cơ quan cấp giấy chủ quyền. Đó có phải là việc chúng ta cần suy nghĩ thêm?
Tóm lại, qua sự việc trên, tôi thiết nghĩ đã đến lúc các tổ chức hành nghề công chứng và cả hội nghề nghiệp của công chứng viên phải nhìn lại, củng cố lại mình trước vấn nạn giả mạo giấy tờ và giả mạo người đang đe dọa, rình rập chúng ta hiện nay. 
Đồng thời, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng nên vào cuộc rốt ráo để ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp đã, đang và sẽ phát sinh nhằm bảo vệ sự bình yên cho mọi người dân trong một đất nước hòa bình! Trân trọng! 
Bạn đọc SỸ HOÀNG 
Khống chế thời gian giao dịch kế tiếp
Tôi nghĩ ngoài việc liên thông dữ liệu nhà, đất, văn phòng công chứng nên xem việc công chứng nơi có đất ở thật sự là nơi giao dịch để ổn định. Bởi vì không nơi đâu công chứng liên thông dữ liệu tốt bằng địa phương nơi có đất khi người dân tứ xứ muốn giao dịch chuyển nhượng. Khi đã công chứng chuyển nhượng, tặng cho cũng nên khống chế thời hạn giao dịch qua công chứng bằng thời gian khi muốn giao dịch lần kế tiếp.
Điều kiện này cũng khống chế được hình thức sang tay qua cò, lái và kẻ gian khi họ được bảo đảm quyền lợi bằng công chứng như thời gian vừa qua. Làm được điều này, giá đất cũng sẽ không bị thao túng nhờ chuyền tay từ đầu nậu sang đầu cơ. 
Nhà nước không bị thất thu vì chuyển nhượng bắt buộc phải thông qua cấp hành chính và được thu thuế không bị lách luật vì họ vẫn cứ nghĩ đã công chứng là hợp pháp nhưng vẫn được hủy khi có giao dịch mua bán lần tiếp theo. Cạnh đó, người dân cũng sẽ được mua đất giá chính thức. Và nhất là tệ nạn đẩy giá từ lái sang lái, vì thật ra người mua thực sự là không có thật.
Bạn đọc TL
Công chứng viên, văn phòng công chứng có liên đới
Tôi chính là một nạn nhân của việc bị làm giấy tờ giả chiếm đoạt nhà, đất ở TP.HCM. Do có việc gấp, tôi đi vay tạm tiền bên ngoài do các đối tượng đó cam kết ký một chữ ký được vay (vợ tôi lúc đó chưa đồng ý) và thế chấp giấy hồng nhà chúng tôi.
Sau này lên phòng công chứng kiểm tra giao dịch, tôi tá hỏa phát hiện ra nhà bị các đối tượng lừa đảo sang tên cho một người khác (là người của họ, chưa bao giờ tới xem nhà, kể cả sau này tòa triệu tập cũng chưa bao giờ có mặt). 
Thủ đoạn của các đối tượng là đánh tráo nội dung vay tiền (tôi ký hợp đồng vay tiền tại phòng công chứng V) thành nội dung ủy quyền toàn bộ mua bán, tặng cho. Dựa trên hợp đồng ủy quyền giả này, các đối tượng sang tên sở hữu cho người của họ.
Việc làm hợp đồng ủy quyền là vô cùng nghiêm trọng vì nó làm thay đổi hoàn toàn bản chất sự việc và dĩ nhiên công chứng viên và văn phòng công chứng đó có liên quan tới việc làm giấy tờ giả trên. 
Trong quá trình giải quyết vụ việc, tôi gặp rất nhiều trường hợp vay tiền, thế chấp giấy rồi bị các đối tượng làm giấy tờ giả, hợp đồng ủy quyền giả chiếm đoạt tài sản. Tất cả giao dịch đó, những vụ tôi biết đều được thực hiện tại các văn phòng công chứng (không phải phòng công chứng nhà nước).
Bạn đọc HIẾU

admin