Giá trị pháp lý của văn bản công chứng theo quy định của pháp luật

Giá trị pháp lý của văn bản công chứng theo quy định của pháp luật

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG  Kiến thức của bạn:      Giá trị pháp lý của văn bản công chứng được ghi nhận như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành? Kiến thức của luật sư: Căn cứ pháp lý: Luật Công chứng 2014 Nội dung tư vấn: 

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG 

Kiến thức của bạn:

     Giá trị pháp lý của văn bản công chứng được ghi nhận như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?

Kiến thức của luật sư:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Công chứng 2014

Nội dung tư vấn: Giá trị pháp lý của văn bản công chứng 

1. Nội dung giá trị pháp lý của văn bản công chứng theo luật công chứng 2014

     Để phản ánh rõ bản chất của việc công chứng là nhằm đảm bảo nội dung của hợp đồng, giao dịch từ đó giảm thiểu những rủi ro cho các bên tham gia vào hợp đồng thì văn bản công chứng phải có giá trị pháp lý nhất định, phải được điều chỉnh bởi các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật… Giá trị pháp lý được hiểu đó là việc pháp luật quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, ghi nhận giá trị cụ thể trong các điều luật, từ đó làm nền tảng pháp lý cho các bên dựa vào đó để thực hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh theo đúng tinh thần của pháp luật quy định.

     Điều 5, Luật công chứng năm 2014 đã quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau:

“1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.”

2. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng.

2.1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

     Như chúng ta đã biết, hoạt động công chứng là việc cơ quan, tổ chức hoạt động công chứng xác nhận tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của người yêu cầu công chứng. Công chứng viên phải kiểm tra các thông tin mà mình thực hiện việc công chứng, sau khi đã đối chiếu các thông tin với bản chính công chứng viên phải ghi lời làm chứng của mình; ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng lên văn bản công chứng. Thể hiện việc ghi nhận và bảo đảm nội dung, hình thức cũng như tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Lúc này, văn bản công chứng có giá trị, hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2.2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

     Việc công chứng các bản hợp đồng, giao dịch là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, phòng ngừa rủi ro và tranh chấp, tạo ra sự ổn định của quan hệ giữa các bên trong giao dịch dân sự, tài sản, bảo đảm trật tự, kỷ cương, là cơ sở thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên. Do đó, khi phát sinh mâu thuẫn giữa các bên mà không giải quyết được dựa trên các thỏa thuận của hợp đồng, giao dịch công chứng; bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.

2.3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố vô hiệu.

     Việc quy định hợp đồng, các văn bản được công chứng có giá trị chứng cứ là một chế định đặc biệt đối với hoạt động công chứng. Với việc quy định như vậy đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của các công chứng viên trong quá trình thực hiện hoạt động công chứng của mình. Bởi lẽ, qua việc công chứng nếu công chứng viên phát hiện ra các sai phạm cũng như dấu hiệu tội phạm có thể báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, đồng thời việc công chứng các văn bản giấy tờ sẽ được văn phòng công chứng lưu lại một bản trong kho dữ liệu, từ đó các văn bản công chứng trở thành nguồn chứng cứ quan trọng nếu có các tranh chấp xảy ra. Và những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh bởi lẽ khi hoạt động công chứng, công chứng viên đã kiểm tra tính xác thực của các thông tin của văn bản công chứng với bản chính và ghi lời làm chứng, ký tên đóng dấu nhằm khẳng định điều đó.

2.4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

     Việc quy định như trên là hoàn toàn hợp lý, khi mà văn bản công chứng đã được công chứng viên kiểm tra, đối chiếu tính xác thực với bản chính một cách đầy đủ, chính xác; đã ghi lời làm chứng của mình, ký tên, đóng dấu để khẳng định điều đó thì bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu công chứng có thể đạt được kết quả mà họ mong muốn.

admin