Vi bằng là chứng cứ khi xảy ra tranh chấp, chứ không có giá trị như văn bằng công chứng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không hiểu đúng về giá trị vi bằng.
Tháng 12-2017, Sở Tư pháp TP.HCM công bố quyết định tạm đình chỉ 3 tháng đối với Văn phòng thừa phát lại Q.Gò Vấp do vi phạm trình tự thủ tục, gây ngộ nhận cho khách hàng về vi bằng. Trước đó, sở đã đề xuất Bộ Tư pháp miễn nhiệm chức danh thừa phát lại với ông Nguyễn Đức Thịnh – trưởng văn phòng này.
Chuyển nhượng nhà, đất qua vi bằng
Tư vấn cho khách hàng mua đất nông nghiệp phân lô ở Hóc Môn, ông N.H.L. – người môi giới nhà, đất – rỉ tai: “Mua đất nông nghiệp bằng giấy tay để chắc ăn thêm cứ đến thừa phát lại lập vi bằng, rồi từ từ hợp thức hóa sau…”.
Theo ông L., nhiều người mua bán đất nông nghiệp phân lô vẫn thường được môi giới chỉ dẫn lập vi bằng để bảo đảm nghĩa vụ các bên. “Mua đất kiểu này không thể công chứng được, lập vi bằng thì nắm được bằng chứng giống như công chứng. Có văn phòng thừa phát lại mỗi ngày lập 150-200 vi bằng loại này…” – ông L. hướng dẫn.
Bà N.T.G. có khu đất ở P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM. Đất chưa có giấy tờ chủ quyền hợp lệ và đang có tranh chấp nên không đủ điều kiện để chuyển nhượng, tặng cho. Dù vậy, bà G. vẫn phân chia, lập thỏa thuận hứa tặng, cho đất cho rất nhiều người. Bà nhờ Văn phòng thừa phát lại Q.Gò Vấp lập vi bằng cho giao dịch. Tổng cộng có đến 85 vi bằng hứa tặng, cho đất được lập giữa bà G. với những người được hứa tặng, cho. Khi biết khu đất của bà G. có chồng lấn với đất quốc phòng, nhiều người mua đất theo kiểu “tặng, cho” mới vỡ lẽ.
Theo ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, có hai trường hợp phổ biến nhờ đến lập vi bằng. Thứ nhất là nhà, đất chuyển nhượng chưa đủ điều kiện hợp lệ hoặc để giảm thiểu nghĩa vụ tài chính. Thứ hai là lợi dụng việc lập vi bằng để phân lô bán đất nông nghiệp trái phép.
“Giải thích không chỉ là nghĩa vụ theo quy định, mà là đạo đức của thừa phát lại. Có không ít trường hợp chuyển nhượng nhà, đất chưa hợp lệ, khi đương sự nghe tôi giải thích xong thì không lập vi bằng nữa…
Thừa phát lại Lê Mạnh Hùng
Phải giải thích
Thừa phát lại Lê Mạnh Hùng – trưởng Văn phòng thừa phát lại Bình Thạnh – cho biết ngoại trừ trường hợp cố ý vi phạm, thông thường khi làm vi bằng, thừa phát lại phải giải thích rõ cho người dân hiểu giá trị của loại giấy tờ này. Cụ thể, thừa phát lại phải giải thích rõ vi bằng chỉ là văn bản được lập nhằm ghi nhận khách quan một sự kiện, hành vi có thực xảy ra. Vi bằng không xác thực nội dung thỏa thuận, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên và không có giá trị như văn bằng công chứng. Vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ để các bên bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp, hoặc là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác. Thừa phát lại cũng có thể giải thích thêm hệ quả pháp lý bất lợi (nếu có).
Việc giải thích này phải trực tiếp nói cho đương sự, đồng thời được ghi nhận vào vi bằng. Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp, Văn phòng thừa phát lại Q.Thủ Đức, cho biết trong thành phần vi bằng còn kèm theo một bản cam kết có nội dung giải thích giá trị vi bằng để đương sự đọc và ký xác nhận về việc giải thích.
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
Bà Phan Thị Bình Thuận – phó giám đốc Sở Tư pháp – cho hay thừa phát lại được thực hiện bốn công việc gồm: lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Trong bốn hoạt động trên, lập vi bằng là hoạt động được nhiều người dân, tổ chức sử dụng nhất. Tính đến nay, các văn phòng ở TP lập hàng trăm nghìn vi bằng ghi nhận rất nhiều sự kiện, hành vi gắn liền với các giao dịch hằng ngày. Thừa phát lại cũng tống đạt gần 900.000 văn bản các loại của tòa án và cơ quan thi hành án, giúp giảm tải cho các cơ quan này.
TP.HCM là địa phương đi đầu thí điểm chế định thừa phát lại từ năm 2009. Thực tiễn tổng kết chế định này chứng minh tính hữu ích, thiết thực trong thực tiễn theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Ghi nhận kết quả thí điểm, từ ngày 1-1-2016, chế định thừa phát lại được Quốc hội cho phép thực hiện trên cả nước theo nghị quyết 107.
Theo bà Thuận, bên cạnh mặt đạt được, hoạt động thừa phát lại cũng gặp một số khó khăn, nhất là về thể chế. Dù chính thức thực hiện nhưng chế định này vẫn đang hoạt động bởi các quy định có từ khi thí điểm, nên có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Quan trọng nhất, Nhà nước cần sớm có Luật về thừa phát lại để hoàn thiện cơ sở pháp lý.
Bà Thuận cho rằng Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của văn phòng thừa phát lại. Quan điểm của sở là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để chấn chỉnh, bảo đảm hoạt động thừa phát lại được phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Không có giá trị thay thế văn bản công chứng
Điều 2 nghị định 61/2009/NĐ-CP định nghĩa “Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”.
Trên thực tế, vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo… Trong tài liệu đó, thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân thừa phát lại chứng kiến trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
Vi bằng có giá trị chứng cứ cao hơn vai trò “người làm chứng”. Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng.