Không sửa đổi về tiêu chí thành lập văn phòng công chứng

(PLO) – Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, hôm qua (16/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến Luật Quy hoạch, trong đó có dự thảo Luật Công chứng.

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Công chứng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Công chứng đã có các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với công chứng viên (CCV) được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm CCV khi đáp ứng điều kiện; có quy định về điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động, các quyền, nghĩa vụ pháp lý của tổ chức hành nghề công chứng. CCV và tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thực hiện thống nhất các quy định về điều kiện đối với CCV, điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong hoạt động hành nghề.

Do đó, để phù hợp với Luật Quy hoạch, Điều 7 của dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 24, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 69, điểm b khoản 1 Điều 70 Luật Công chứng theo hướng bỏ quy định về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, bổ sung quy định Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng; sửa đổi các quy định về thành lập, quản lý hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và quản lý nhà nước về công chứng liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng để vừa đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch, vừa không có khoảng trống pháp lý trong quản lý nhà nước.

Ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế tán thành việc bỏ quy định về lập quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng để phù hợp với Luật Quy hoạch; bảo đảm tính xã hội hóa, do thị trường quyết định dựa trên cơ sở cung – cầu. Tuy nhiên, về đề nghị bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng (khoản 2 Điều 7), theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật Công chứng đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề của CCV; điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng.

Luật có tới 8 nội dung giao Chính phủ quy định, trong đó có cả điều kiện về trụ sở của văn phòng công chứng (khoản 4 Điều 22). “Do đó, không giao Chính phủ quy định thêm các điều kiện khi chưa có đánh giá tác động về nội dung này”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

“Việc bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11-NQ/TW lần thứ 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặt khác, việc bổ sung quy định này làm thay đổi nội dung của Luật, chưa đúng tinh thần là chỉ sửa đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, dự án Luật không sửa đổi các nội dung khác không liên quan đến quy hoạch, nhất là vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách. Do đó, việc sửa đổi Luật Công chứng chỉ sửa đổi các điều kiện thành lập văn phòng công chứng liên quan đến Luật Quy hoạch, chứ không sửa đổi về tiêu chí thành lập văn phòng công chứng.