>> TP.HCM cấm văn phòng thừa phát lại lập vi bằng mua bán đất
Mất tiền, mất nhà vì mua qua vi bằng
“Việc lập vi bằng mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức ghi nhận việc giao nhận nền đất; lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền là để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.” Thông báo của UBND quận 12 (TP.HCM) |
Anh Tuấn Minh là nhân viên kỹ thuật của một công ty trong KCN Tân Thới Hiệp (quận 12, TP.HCM) vẫn còn chưa hết đau đớn khi kể lại câu chuyện mua nhà thông qua vi bằng của mình.
Cụ thể, thời điểm cuối năm 2015, anh Minh bỏ ra 570 triệu đồng mua một căn nhà diện tích 3,2 x 10 m, kết cấu 2,5 tầng tại huyện Hóc Môn (TP.HCM). Căn nhà này có diện tích không đủ tách thửa, ra sổ đỏ riêng mà đứng chung với 3 căn nhà khác có cùng diện tích. Do đó, việc mua bán căn nhà phải thực hiện qua hình thức lập vi bằng, giao dịch tại văn phòng thừa phát lại theo đề xuất của chủ nhà.
“Chúng tôi viết giấy tay mua bán nhà. Khi tôi giao tiền thì có văn phòng thừa phát lại lập vi bằng làm chứng. Tại đây, chủ nhà cũng viết giấy giao nhà cho tôi và cam kết sẽ đưa tên tôi vào sổ đỏ để thành người đồng sở hữu với chủ các căn nhà khác khi đã bán hết 4 căn nhà trên. Yên tâm có bản vi bằng của thừa phát lại nên tôi cũng không quá sát sao việc đưa tên mình vào sổ đỏ chung”, anh Minh nhớ lại.
Đến tháng 2/2017, sau mấy ngày nghỉ tết từ quê trở lại Sài Gòn, anh Minh cùng với chủ nhân 3 căn nhà còn lại hoảng hốt trước thông báo của ngân hàng về việc siết nợ cả 4 căn nhà do chủ nhà đã đem thế chấp ngân hàng và mất khả năng trả nợ. Sau đó, cả 4 hộ dân đều phải rời khỏi chỗ ở của mình. Vụ việc ập đến, anh Minh mới tìm hiểu kỹ về vi bằng và khi đó mới biết loại giấy tờ này chỉ ghi nhận vụ giao dịch và chỉ có giá trị làm chứng cứ để tố cáo chủ nhà có hành vi lừa đảo. Nhưng lúc này nó cũng không có giá trị vì chủ nhà không còn khả năng trả nợ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với 6 hộ dân mua nhà trên khu đất thuộc phần thửa 352, tờ bản đồ số 1, thuộc hẻm 56, đường 42, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM). Cả 6 hộ đều mất nhà vì mua nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng. Bà Hạnh, 1 trong 6 “nạn nhân” cho biết, bà mua căn nhà 60 m2 với giá hơn 900 triệu đồng. Tháng 4/2018, bà cùng chủ căn nhà lập vi bằng mua bán tại Văn phòng thừa phát lại quận 8. Sau đó 4 tháng, căn nhà này bị cưỡng chế, tháo dỡ buộc cả gia đình bà Hạnh phải dọn đồ đạc ra ngoài.
Trả lời báo Thanh Niên về vụ việc trên, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức xác nhận, theo giấy phép xây dựng, chủ khu đất xây dựng số căn nhà trên xin làm sân cầu lông. Vậy nhưng chủ đất lại chia lô đất thành 12 thửa, xây 9 căn nhà và rao bán bằng hình thức giấy tay lập vi bằng cho nhiều người. Đáng nói là bà Hạnh cùng nhiều người khác ký hợp đồng mua bán giấy tay bằng hình thức lập vi bằng dù khi đó Thanh tra Sở Xây dựng đã có quyết định cưỡng chế, tháo dỡ phần công trình xây dựng sai phép này. Hiện tại, 6 căn nhà trên đã được chính quyền địa phương cưỡng chế tháo dỡ, còn lại 3 căn do có vướng mắc nên chưa cưỡng chế.
Nhiều người dân mất tiền, mất nhà do tin tưởng chủ nhà, mua bán nhà
đất bằng hình thức lập vi bằng. Ảnh minh họa
Trong vai người đi mua nhà đất giá rẻ, ngày 27/5 chúng tôi gặp Tài, một cò đất chuyên hoạt động tại huyện Nhà Bè. Chúng tôi bày tỏ nguyện vọng muốn mua một căn nhà phố có giá khoảng 1 tỉ đồng, thì Tài cho biết không thể mua được nhà phố có sổ đỏ riêng với số tiền này, mà chỉ mua được nhà dạng 3 chung. Chúng tôi ra hiệu đồng ý, lập tức Tài đưa chúng tôi đến xem khu phân lô trong một con hẻm ở xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè). Tại đây, Tài giới thiệu căn nhà nhỏ chưa đến 30 m2, kết cấu 1 trệt, 2 lầu với giá 1,4 tỉ đồng. Tài cho biết, do căn nhà chung sổ với 5 căn khác nên hình thức mua bán là lập vi bằng.
“Vi bằng do thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, tòa án, viện KSND có thể triệu tập thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Theo quy định của pháp luật, vi bằng do thừa phát lại lập không phải văn bản công chứng, chứng thực và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực; vi bằng chỉ ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật, diễn ra mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Luật sư Hoàng Thu (Giám đốc Công ty luật Hoàng Thu) |
Nhiều người sập bẫy lừa đảo bán “nhà 3 chung”
Theo thông tin do một lãnh đạo UBND quận 12 cung cấp, thời gian qua trên địa bàn quận có nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại.
Hình thức này thường được áp dụng để mua bán các căn nhà 3 chung (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà). “Việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, qua nhiều người dù nhà đất chưa làm đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý”, vị lãnh đạo quận 12 cho biết.
Giới cò, đầu nậu muốn tạo sự tin tưởng cho người mua nên dùng cách đến các văn phòng thừa phát lại nhờ lập vi bằng. Ngay cả những căn nhà chung một sổ đỏ cũng được nhóm đối tượng này bán cho khách bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng. Chiêu thức này không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, đẩy họ thành nạn nhân của các vụ tranh chấp, bị cầm cố ngân hàng hoặc xây dựng trái phép khiến cuộc sống đảo lộn.
Thực trạng trên khiến UBND quận 12 phải ra thông báo cảnh báo người dân tránh bị đối tượng xấu lừa đảo. “Vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực theo quy định; vi bằng không chứng nhận, xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch về nhà đất. Ngoài ra, việc lập vi bằng mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức ghi nhận việc giao nhận nền đất; lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền là để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật”, thông báo nêu.
Huyện Hóc Môn cũng là một “điểm nóng” của tình trạng phân lô bán nền trái phép, thậm chí lừa đảo trong mua bán nhà đất. UBND huyện Hóc Môn, cho biết đã phát hiện một số trường hợp chủ đất lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất mặc dù tài sản đang được thế chấp ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy tay). Hành vi này gây phát sinh tranh chấp, khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình xử lý, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.
Đặc biệt, có một số cò đất còn liều lĩnh sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” tư vấn lập lờ cho người dân, để người dân nhầm tưởng đây là một thuật ngữ pháp lý và tin tưởng rằng giao dịch đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý và “cứ yên tâm mua”. Nhiều người dân không hiểu rõ đã sập bẫy này của cò đất.
Ông Thái Bỉnh Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hóc Môn cảnh báo, điều đáng báo động hiện nay là các giao dịch mua bán nhà đất do thực hiện bằng vi bằng nên không thông qua chính quyền địa phương. Thường chỉ khi xảy ra hậu quả người dân mới đến trình báo thì sự việc đã muộn.