THẨM QUYỀN CÔNG CHỨNG THEO ĐỊA HẠT

THẨM QUYỀN CÔNG CHỨNG THEO ĐỊA HẠT

“Thẩm quyền công chứng theo địa hạt có thể hiểu là phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản của tổ chức hành nghề công chứng”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Công chứng 2014

II. NỘI DUNG TƯ VẤN

Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 quy định phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản:

        “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”

Theo quy định này, tất cả các giao dịch về bất động sản đều đặt ra vấn đề thẩm quyền địa hạt, “về bất động sản” khó có thể được hiểu là giao dịch có đối tượng là bất động sản, sử dụng cụm từ “về bất động sản” có khả năng cao trong tư duy của các nhà làm luật được hiểu là: tất cả những giao dịch liên quan đến bất động sản. Thật không khó để chứng minh nhận định này, các nhà làm luật đã loại trừ ngay lập tức ba loại giao dịch không cần quan tâm đến thẩm quyền địa hạt đó là:

         – Di chúc

         – Văn bản từ chối nhận di sản

         – Văn bản ủy quyền.

         Ta có thể thấy văn bản ủy quyền có đối tượng không phải là tài sản, mà là công việc cụ thể nên cho dù nó có liên quan đến bất động sản hay không cũng nằm ngoài quy định về thẩm quyền địa hạt. Nếu văn bản uỷ quyền phụ thuộc vào địa hạt thì ý nghĩa của văn bản ủy quyền không đạt được. Mục đích các bên trong văn bản uỷ quyền hướng tới không đồng thời là các mục đích mà bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hướng tới.

       Nếu các biện pháp bảo đảm có bất động sản là đối tượng, thẩm quyền địa hạt được đặt ra khi công chứng hợp đồng bảo đảm. Tuy nhiên, nếu như Hợp đồng đặt cọc được công chứng nhằm để giao kết Hợp đồng mua bán nhà thì quy định trên có áp dụng được hay không?

Ví dụ: Hai bên A và B thỏa thuận mua bán nhà (ngôi nhà nằm trên địa bàn tại tỉnh X), bên B đặt cọc trước cho bên A số tiền 10 triệu đồng và muốn ra kí kết Hợp đồng đặt cọc tại một tổ chức hành nghề công chứng. Vậy họ có thể kí kết tại tổ chức hành nghề công chứng tỉnh Y để thuận tiện cho việc đi lại giữa hai bên được hay không hay bắt buộc phải ra tổ chức hành nghề công chứng tỉnh X? Về vấn đề này có nhiều quan điểm đưa ra. Một số cho rằng, trường hợp trên đối tượng của Hợp đồng đặt cọc không phải là bất động sản mà là số tiền 10 triệu kia, mọi vấn đề pháp lý đều xoay quanh số tiền đó, ví dụ như bên B không mua nữa thì bên B sẽ phải mất số tiền cọc hay bên A không bán nữa thì phải trả lại số tiền đã đặt cọc và phải chịu phạt cọc một số tiền mà hai bên đã thỏa thuận, như vậy hai bên A và B có thể ra tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Y để kí kết Hợp đồng đặt cọc. Một quan điểm khác cho rằng: theo quy định tại Điều 42 nêu trên thì ngoại trừ ba giao dịch là di chúc, văn bản ủy quyền, văn bản từ chối nhận di sản thì tất cả các giao dịch khác có liên quan đến bất động sản đều phải xác định thẩm quyền của công chứng viên theo địa hạt.

admin