Thừa kế quyền sử dụng đất khi di chúc miệng không có hiệu lực

Câu hỏi: Xin chào Luật sư.

Tôi và chồng kết hôn năm 2014. Bố chồng tôi mất sớm, mẹ chồng tôi có một căn nhà đất đứng tên bà. Tháng 1/2017, mẹ chồng tôi bệnh nặng, trước lúc mất có nói với vợ chồng tôi là căn nhà đất đó để lại cho vợ chồng tôi nhưng không có ai khác làm chứng. Nay anh chồng tôi cùng vợ từ nước ngoài về, muốn chồng tôi để anh cùng đứng tên trên giấy chứng nhận với lý do mẹ không để lại di chúc. Chồng tôi vì không muốn tranh chấp giữa anh em nên đã đồng ý. Nhưng tôi có một số thắc mắc muốn hỏi Luật sư:

  • Mẹ chồng tôi trước lúc mất có nói về việc cho vợ chồng tôi tài sản, có được pháp luật thừa nhận la di chúc miệng không?
  • Trường hợp không được thừa nhận mà sang tên cho anh trai và chồng tôi thì phải thực hiện như thế nào ?

Tôi mong câu trả lời từ luật sư. Xin chân thành cảm ơn.

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw)

Thừa kế quyền sử dụng đất khi di chúc miệng không có hiệu lực

Trả lời:(Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phamlaw.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, di chúc có thể được thể hiện dưới hình thức di chúc miệng hoặc bằng văn bản. Dù được thực hiện dưới hình thức nào thì di chúc đó cũng phải đáp ứng đủ điều kiện do Luật định mới có hiệu lực. Dưới đây Phamlaw xin đưa ra quan điểm tư vấn đối với trường hợp của gia đình bạn như sau:

Thứ nhất, quy định của pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng

Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di chúc miệng như sau:

“1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”

Di chúc miệng hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;
  • Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày làm việc, tính từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Từ thông tin bạn cung cấp, mẹ chồng bạn di chúc miệng mà không có người làm chứng. Do đó, căn cứ vào những quy định trên, thì di chúc mà mẹ chồng bạn để lại không có hiệu lực.

Thứ hai, quy định của pháp luật về khai nhận di sản thừa kế

Dựa trênTHÔNG TIN CỦA BẠN, hai anh em chồng bạn đã thỏa thuận và đồng ý với nhau về việc cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, việc tiến hành thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận được tiến hành thông qua các bước sau:

  • Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng nơi có bất động sản;
  • Bước 2: Thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện trong trường hợp người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó. Cụ thể:

  • Người duy nhất được hưởng di sản hoặc những người được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đến Văn phòng công chứng nơi có bất động sản để thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế;
  • Công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra để xác định người để lại di sản có đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và người yêu cầu việc khai nhận di sản có được hưởng thửa kế hay không. Nếu được thì tiến hành việc khai nhận di sản;
  • Tổ chức hành nghề công chứng tiến hành việc niêm yết văn bản khai nhận di sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết, tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó;
  • Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

Sau khi có kết quả của việc khai nhận di sản thừa kế, những người được hưởng di sản có thể tiến hành việc sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.