Tiến tới mô hình thống nhất hoạt động công chứng

Tiến tới mô hình thống nhất hoạt động công chứng

 Chiều 28-5, thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, văn phòng công chứng được đầu tư bằng tiền túi của cá nhân, thực chất cũng là một loại doanh nghiệp, do đó dù quy định hay không thì hoạt động của văn phòng công chứng vẫn phải có lợi nhuận. Quy định “không vì mục đích lơi nhuận” trong luật là không khả thi. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Huỳnh Sang (Bình Phước) và một số đại biểu khác.

Ông Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị một mặt trao cho công chứng viên các văn phòng công chứng được chứng thực các loại giấy tờ; mặt khác vẫn để chính quyền cấp xã chứng thực như hiện nay để người dân có lựa chọn thuận tiện nhất. Về trách nhiệm khi công chứng bản dịch, quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch là không phù hợp với thực tế, không phù hợp với khả năng, trình độ của công chứng viên. “Thay vào đó, Luật nên quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm của người dịch”, ông Nghĩa nói.

Đồng tình với nôi dung cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng, song đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị, để ngăn ngừa lập văn phòng công chứng chỉ để bán như một kiểu “bán bằng”, dự Luật nên quy định sau khi thành lập ít nhất 2 năm mới được chuyển nhượng văn phòng công chứng. Về tuổi hành nghề tối đa của công chứng viên, đại biểu Tô Văn Tám nhất trí nên quy định là 65 tuổi như dự thảo.

Nhấn mạnh yêu cầu tiến tới một mô hình thống nhất trong hoạt động công chứng, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) phát biểu: Cần đưa vào Luật lộ trình chuyển đổi, thời hạn bắt buộc chuyển các phòng công chứng (của nhà nước) sang mô hình văn phòng công chứng; đồng thời quy định chế độ tài chính thống nhất cho phòng và văn phòng công chứng.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng quan tâm đến quy định về trách nhiệm bồi thường nhà nước của công chứng viên phòng công chứng với trách nhiệm bồi thường dân sự của công chứng viên văn phòng công chứng; gắn liền với đó là trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp của công chứng viên. Thay vì bắt buộc mua bảo hiểm thường xuyên (mà theo đại biểu là không cần thiết trong nhiều trường hợp), dự thảo nên quy định mua bảo hiểm cho từng vụ việc, tính theo% giá trị hợp đồng, cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng…

Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

ANH THƯ

Thành lập doanh nghiệp: Thông thoáng nhưng không dễ dãi

Sáng 28-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Đồng ý với tờ trình của Chính phủ là việc sửa đổi luật nhằm mục đích tháo gỡ tất cả rào cản, tạo mội trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp và theo Hiến pháp 2013 là người dân được thực hiện quyền kinh doanh pháp luật không cấm, tuy nhiên, để thực hiện theo đúng chủ trường này, theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), Chính phủ cần phải làm rõ danh mục cấm và danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đưa ra Quốc hội quyết định. Ngoài danh mục đó là các doanh nghiệp có quyền kinh doanh.

ĐB Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ sáng nay

Tuy nhiên, một điểm gây nhiều tranh cãi trong phiên thảo luận tại tổ TPHCM chính là các quy định xung quanh việc thành lập doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh. Theo dự thảo, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp cá thể bao gồm: giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp cá thể. Các ĐB Trần Du Lịch, Nguyễn Ngọc Hòa đồng tình với quy định này vì thể hiện tinh thần thông thoáng trong cho phép người dân được kinh doanh. Bên cạnh đó, các ĐB này cũng ủng hộ quy định là không đưa ngành nghề kinh doanh vào giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, ĐB Hòa băn khoăn là cần có tính toán để có thể thuận tiện hơn trong công tác thống kê doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực sau này.

Với quan điểm ngược lại, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu quy định chỉ cần chứng minh thư nhân dân là quá đơn giản để lập doanh nghiệp và do vậy cần bổ sung thêm lý lịch tư pháp của người lập doanh nghiệp để chặt chẽ hơn trong hoạt động quản lý. ĐB Võ Thị Dung cũng cho rằng, việc quá dễ dãi trong thành lập doanh nghiệp không phải hoàn toàn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc mở nhà hàng thì phải có chỗ gửi xe nhưng nếu cứ cho mở nhưng nhà hàng không có địa điểm gửi xe, bị phạt thì lại là gây khó khăn. Do đó, ĐB này đề nghị cần chặt chẽ trong việc cho phép thành lập doanh nghiệp, ví dụ như cần phải tìm hiểu, thẩm định một số bước trước khi doanh nghiệp được thẩm định để góp phần tránh rủi ro về sau.

ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) băn khoăn, doanh nghiệp lập dễ nhưng chưa giải quyết được tồn tại hiện nay là không ai quản lý được. Chia sẻ điều này, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đồng quan điểm và cho rằng, điều doanh nghiệp cần là một môi trường kinh doanh nghiêm túc, chặt chẽ chứ không phải là việc dễ dãi trong thành lập bởi hiện nay luật hiện hành cũng đã thông thoáng trong việc lập doanh nghiệp.

Dù có quan điểm khác nhau nhưng đa số ĐB đều cho rằng cần tăng cường công tác hậu kiểm để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm của doanh nghiệp và ngăn ngừa. Cùng với đó là đặt mạnh vấn đề hậu kiểm và xử lý mạnh cơ quan hậu kiểm nếu không làm tròn trách nhiệm.

NGỌC QUANG

admin