Tuy pháp luật không còn bắt buộc nhưng thực tế cho thấy việc công chứng hợp đồng thuê nhà sẽ đảm bảo giá trị pháp lý tốt hơn cho các bên.
Theo Bộ luật dân sự 2005 thì hợp đồng thuê nhà với thời hạn sáu tháng trở lên phải công chứng, chứng thực. Trong khi đó, điều 122 Luật nhà ở 2014 không quy định hợp đồng thuê nhà phải công chứng, chứng thực.
Vậy Bộ luật dân sự 2015 quy định sao về việc này và người dân cần phải làm như thế nào để phòng tránh rủi ro trong giao dịch?
Theo điều 492 Bộ luật dân sự 2005, hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, trưởng Phòng công chứng số 7 TP.HCM, phân tích: “Quy định khác ở đây chính là Luật nhà ở.
Với Luật nhà ở cũ thì hợp đồng thuê nhà trên sáu tháng cũng phải được công chứng tương tự như quy định của Bộ luật dân sự 2005. Ngược lại, với Luật nhà ở mới thì loại hợp đồng này không bị buộc phải công chứng.
Sự khác nhau này không hề gây khó cho việc thực hiện bởi lẽ điều 492 nêu trên đã kịp dự liệu để cho phép không tiếp tục áp dụng theo Bộ luật dân sự mà sẽ áp dụng theo Luật nhà ở mới.
Đây là lý do mà các cơ quan chức năng đã ban hành văn bản hướng dẫn đối với các hợp đồng thuê nhà được ký kết sau khi Luật nhà ở 2014 có hiệu lực không bắt buộc phải công chứng, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng có nhu cầu, đơn cử là công văn 4528/TCT-PC ngày 2-11-2015 của Tổng cục Thuế”.
Bổ sung thông tin về hình thức hợp đồng thuê nhà theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), ông Thắng lưu ý:
“Theo điều 472 của bộ luật mới thì hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện theo quy định của bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy định này đồng nghĩa với việc hợp đồng thuê nhà trên sáu tháng cũng không bị buộc phải công chứng”.
“Tuy pháp luật không còn bắt buộc nhưng thực tế cho thấy việc công chứng hợp đồng thuê nhà sẽ đảm bảo giá trị pháp lý tốt hơn cho các bên nên người dân cần thực hiện để hạn chế tranh chấp xảy ra” – luật sư Trần Thị Miền tư vấn.
THÀNH NGUYÊN