Luật Công chứng sửa đổi sẽ có nhiều quy định tạo thuận lợi cho người dân

Luật Công chứng sửa đổi sẽ có nhiều quy định tạo thuận lợi cho người dân
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng chiều qua được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiều điểm mới quan trọng, nhằm “bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp”.

Giao lại công chứng bản dịch cho công chứng
Theo quy định của dự thảo Luật, nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao lại cho công chứng viên thực hiện thay vì để các Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực chữ ký người dịch như trong 6 năm qua để bảo đảm tính chính xác của bản dịch, quản lý tốt hơn thị trường dịch vụ dịch thuật, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu dịch.
Luật Công chứng sửa đổi sẽ có nhiều quy định tạo thuận lợi cho người dân
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: việc giao lại cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch và chịu trách nhiệm hoàn toàn hoặc liên đới cùng với người dịch như quy định dự thảo Luật sẽ nâng cao chất lượng bản dịch; thông qua hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, hoạt động dịch vụ dịch thuật sẽ được quản lý tốt hơn.
Việc trả lại cho công chứng viên công chứng bản dịch sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. Đồng thời, sẽ giảm tải công việc cho các Phòng Tư pháp vốn đang thiếu biên chế, công việc được giao ngày một nhiều; việc công chứng bản dịch do tổ chức bổ trợ tư pháp thực hiện sẽ mang tính chuyên nghiệp hơn. Nếu như thời gian vừa qua triển khai thực hiện Luật công chứng mới chỉ xã hội hoá công chứng về mặt tổ chức, thì việc giao lại nhiệm vụ công chứng bản dịch cho công chứng viên cũng là bước tiếp theo xã hội hoá hoạt động chuyên môn công chứng. 
Về ý kiến cho rằng việc giao cho công chứng viên công chứng bản dịch sẽ không tạo thuận lợi cho người dân so với việc Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực chữ ký người dịch, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: hiện nay trên cả nước có 701 đơn vị cấp huyện, tương đương với 701 Phòng Tư pháp cấp huyện. Số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước tính đến trước 31/7/2013 là 704 và sẽ tiếp tục tăng lên.
Không chỉ tăng lên về số lượng, các tổ chức hành nghề công chứng còn sẽ được phân bố hợp lý theo địa bàn cấp huyện, do thực hiện chủ trương xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động công chứng và phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, đến năm 2020, trên cả nước sẽ phát triển khoảng 1.700 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó đến năm 2015 là 1.000 tổ chức, phân bố rộng khắp các địa bàn cấp huyện, kể cả hải đảo và đến năm 2020 phát triển thêm là 700 tổ chức, cơ bản đáp ứng đầy đủ và thuận tiện nhu cầu của người dân
Đề xuất thi hành án có quyền thi hành hợp đồng
Để khắc phục tình trạng phải đưa vụ việc ra Tòa ngay cả khi đã có văn bản công chứng (do một bên không thực hiện nghĩa vụ) gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí, đồng thời bảo đảm phù hợp với nguyên tắc theo quy định của điều 4 BLDS, dự thảo sửa đổi Luật công chứng quy định trường hợp các bên ký kết hợp đồng có thỏa thuận về quyền yêu cầu thi hành hợp đồng mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành hợp đồng đó, trừ trường hợp có tranh chấp liên quan đến hợp đồng và Tòa án đã tiến hành việc thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường quy định này là cần thiết và phù hợp với thông lệ nghề công chứng của các nước theo truyền thống pháp luật thành văn.
Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của đội ngũ công chứng viên ở nước ta hiện nay, dự thảo Luật quy định “trường hợp các bên ký kết có thỏa thuận về quyền yêu cầu thi hành hợp đồng mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành hợp đồng đó, trừ trường hợp có tranh chấp liên quan đến hợp đồng và Tòa án đã tiến hành việc thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật”; đồng thời dự thảo Luật cũng quy định “đối với hợp đồng mà các bên ký kết có thỏa thuận về quyền yêu cầu thi hành hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật này thì công chứng viên phải thực hiện việc xác minh nội dung hợp đồng trước khi công chứng hợp đồng đó.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường quy định như dự thảo là “thêm cho người dân một sự lựa chọn mà không chỉ là kiện ra Tòa án”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quy định này phải cân nhắc thêm. Chủ tịch cũng lưu ý những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì cần lập luận thuyết phục trước khi dự thảo được trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.
Nguồn: Pháp luật Việt Nam

admin