Táo tợn lập văn phòng công chứng giả

Táo tợn lập văn phòng công chứng giả
Táo tợn lập văn phòng công chứng giả
(PL)- Tuần qua, rất nhiều bạn đọc quan tâm đến việc TP.HCM vừa phát hiện một văn phòng công chứng giả vì những hệ lụy khó lường của nó.

Các bài viết “Báo động: Một văn phòng công chứng giả tại TP.HCM”,“Sớm khởi tố vụ văn phòng công chứng giả”… đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Kinh thật!

Vừa qua, Sở Tư pháp TP.HCM phát hiện Văn phòng Công chứng (VPCC) Sao Bắc Đẩu tại địa chỉ 229 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM hoạt động hành nghề công chứng trái phép. Sở Tư pháp TP đã bàn giao hồ sơ cho Công an quận 9 để điều tra, xác minh về hành vi làm giả và sử dụng con dấu giả.

Bạn đọc Tuấn Huy thảng thốt: “Kinh thật! Không thể tưởng tượng được họ dám làm vậy… Vụ này bà con chịu thiệt thòi lắm đây!”.

Nhiều bạn đọc lo lắng việc văn phòng trên làm giả con dấu và sử dụng con dấu giả (VPCC quận 12) để đóng vào tài liệu của khoảng 600 vụ việc, nếu sau đó những tài liệu trên được đem đi giao dịch thì sẽ phát sinh hậu quả khó lường.

 “Thật hết chỗ nói. Đề nghị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để làm gương” – là quan điểm của bạn đọc Hai Lúa.

Táo tợn lập văn phòng công chứng giả - ảnh 1
Những hình ảnh trong các bài báo thu hút sự quan tâm, bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Coi chừng lộ thông tin cá nhân khi vay tiền online

Các thông tin từ bài viết “Cho vay lãi 700%/năm rồi dùng robot đòi nợ”, “Đừng để lãi vay 700% ngoài vùng pháp luật” cũng gây nhiều chú ý cho bạn đọc.

Từng đi vay tiền ở các ngân hàng, bạn TranNghia cho biết ai đi vay tiền ở ngân hàng rồi mới biết thủ tục rắc rối, khắt khe thế nào. Thủ tục đòi hỏi rất nhiều giấy tờ, công chứng, xác nhận, chữ ký…, còn vay online thì thủ tục dễ hơn nhiều nên nhiều người mới vay. Cần quá mới vay, đến khi trả lãi mới té ngửa, chịu không thấu với mức lãi suất trên trời.

Bạn PhuongLien cũng chỉ ra chiêu trò, tác hại của việc vay tiền online. Nhiều người cần một số tiền nhỏ từ vài triệu đến khoảng hơn chục triệu đồng thì rất khó để vay ngân hàng, vay xã hội đen thì sợ. Thế là vay online, nhanh chóng có tiền, tiền lãi thì được quy ngay ra tiền nên nhiều người không để ý nhưng nếu tính ra lãi suất thì rất khủng.

Các thông tin cá nhân quan trọng như số CMND, tài khoản ngân hàng, điện thoại người thân… cung cấp cho bên cho vay nếu lộ ra ngoài hay bị bán cho bên thứ ba thì rất nguy hiểm. Bạn đọc PhuongLien và nhiều bạn đọc khác khuyên người có nhu cầu vay online phải cân nhắc thật kỹ trước khi vay.

Chỉ thị chữa cháy mà như đổ dầu vào lửa

“Không cho viết vào SGK: Chỉ thị trật chìa” cũng là bài viết nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Chỉ thị của Bộ GD&ĐT yêu cầu NXB Giáo dục chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK) để hạn chế học sinh viết vào sách là đúng nhưng phần yêu cầu học sinh không viết vào là phi lý.

Bạn ThanhTrung nêu ý kiến: Ra chỉ thị chữa cháy mà như đổ thêm dầu vào lửa.

Đồng ý kiến, bạn Trần Quang Dinh cũng cho rằng SGK được học sinh bỏ tiền ra mua thì là sở hữu của người mua, không thể ra chỉ thị không cho ghi vào SGK như vậy được. Bạn đọc này thắc mắc: “Mà cũng lạ, bao nhiêu năm nay sao Bộ GD&ĐT không ra chỉ thị, giờ bỗng nhiên có vụ lùm xùm về SGK thì lại có quy định như thế?”.

Bộ GD&ĐT nên nhìn nhận và xử lý thực trạng lợi ích nhóm trong việc in SGK và giải quyết vấn đề tại sao SGK năm nào cũng phải mua mới chứ không sử dụng lại được là ý kiến của bạn KGB.

Lộ thông tin cá nhân nên mới bị lừa như vậy

“Nghe một cú điện thoại, mất đứt 3 tỉ đồng”; “Nạn nhân nghe điện thoại “hù”, mất 2 tỉ nói gì?”; ““Tử huyệt” chung của các nạn nhân mất tiền qua điện thoại”; “Công an không làm việc qua điện thoại”… là tuyến bài viết được rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến phản hồi. Chỉ với vài cuộc điện thoại giả cơ quan công an, tòa án… là các đối tượng này đã lừa đảo người dân hàng tỉ đồng.

– “Mình chỉ thắc mắc tại sao bọn chúng lại có thể có số điện thoại của người dân một cách dễ dàng như vậy, không lẽ có điều gì khuất tất của các nhà mạng, ngân hàng, siêu thị… Độ tin cậy an toàn thông tin của các nhà mạng quá kém” – BaoMinh.

– “Mấy cái chiêu cũ rích này mà sao nhiều người vẫn cứ tin là sao không biết, thật là khó hiểu. Sao lại có người nhẹ dạ, cả tin vậy trời. Mình không làm, không dính gì đến những chuyện đó thì mắc gì phải sợ, phải chuyển tiền” – DucTuan.

– “Tại sao chỉ những người có tiền mới bị lừa, người nghèo, công nhân lao động có bao giờ bị gọi điện thoại kiểu này đâu? Chỉ có bị lộ thông tin cá nhân nên mới bị gạt như vậy” – ThanhTung.

LÊ HUY tổng hợp

admin