Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế! (2)

Dù chính sử ghi rõ về nguyên nhân cái chết của Đề Thám, nhưng sự thật về cái chết của ông vẫn là một ẩn số lớn đối với giới sử học, đặc biệt khi những người trong gia tộc ông phủ nhận những thông tin này. Trong dân gian tồn tại nhiều giả thuyết về địa điểm phần mộ của ông. Dưới đây là những đoạn trích từ phóng sự nhiều kì của Nguyễn Hoà đăng trên Vanhoa Online, trong đó có hai giả thuyết đáng chú ý nhất:

1. Giả thuyết mộ Đề Thám ở Tân Lập

Cụ Đề thám giả dạng “hành khất” và mất tại Tân Lập?

Vào những ngày đầu tháng bảy chúng tôi tìm về xóm Tân Lập trong tiết trời se lạnh mưa phùn. Ngay từ đầu xóm hỏi thăm đường đến mộ, đền cụ Hoàng Hoa Thám thì người già, con trẻ ai nấy đều biết và chỉ dẫn rất tận tình. Men theo con đường bê tông,  qua mấy lối nhà chúng tôi tìm đến được khu đất được coi là mộ. Bên cạnh đó là ngôi đền cụ Đề Thám.
Đó là một ngôi đền có diện tích khá nhỏ, được dựng thêm từ năm 2004, với lối kiến trúc cổ truyền nằm sát ven đường làng. Phía trong gian hậu cung có bàn thờ và di ảnh của cụ Đề Thám. Cạnh đền là một khu đất khá rộng được cho là ngôi mộ, nằm trong khuôn viên của nhà dân. Xung quanh khu đất này chưa được xây cất gì nhiều, ở trên chính giữa có bát hương nhỏ. Người dân cho biết, cứ ngày tuần và đặc biệt là ngày 9.5 Âm lịch hằng năm dân trong làng ngoài xã làm giỗ cúng cụ.
Một người dân ở gần đó cho hay, ngôi mộ này đã có từ lâu lắm rồi và trước đây dân làng thường gọi là mộ của một ông ăn mày, nhưng khoảng mười năm trở lại đây dân làng mới biết đấy chính là mộ cụ Đề Thám. Điều mà ai cũng quan tâm là có những tài liệu gì để chứng minh đấy là mộ cụ Đề Thám?
Theo lời ông Nguyễn Văn Sử (60 tuổi, người xóm Tân Lập), chắt của cụ Nguyễn Văn Uyển, thường gọi là Lý Loan (xưa ông Nguyễn Văn Uyển làm lý trưởng vùng này) thì cụ Lý Loan có mối quan hệ thâm tình với cụ Đề Thám. Thâm tình đến mức có lần cụ Đề Thám đã ở nhà cụ Lý Loan hoặc chọn nơi đây làm nơi tạm trú, đặt căn cứ đi đánh phủ Vĩnh Yên.
Ông Sử kể lại rằng, theo các cụ lưu truyền trong gia đình, năm 1911 trong một lần phá vây, cụ Đề Thám cùng hơn chục người rút sang Vĩnh Yên, nhưng khi đến bến đò Cẩm Xuyên thì gặp toán lính thực dân canh phòng cẩn mật nên đã quay lại và có người dẫn đến nhà cụ Lý Loan.
Nhưng nhà cụ Lý Loan được cụ Thống Luận báo trước đã bị lộ nên cụ Lý Loan bí mật đưa cụ Đề Thám đến ở nhà cầu Thày Mai (nhà do cụ Lý Loan dựng ở cạnh xóm, sát rìa đồng Yên Thế để dân đi làm đồng về nghỉ ngơi và cánh trương tuần canh gác dùng nơi nghỉ chân).
Vào lúc này đoàn người cùng theo cụ Đề Thám đã phân tán làm nhiều tốp đi về các nơi, riêng cụ Đề Thám (khi đó đã bị thương) và hai thuộc hạ ở lại và giả dạng làm “hành khất” nhưng không đi ra ngoài, ít người biết.
Cụ Đề Thám đã cải trang, thường xuyên ăn ở nhà cụ Lý Loan và cùng đứa con trai mới lớn ra rừng thông và tắm rửa ở cái chuôm gần đấy. Ông Sử cho biết thêm, các cụ có truyền lại một chi tiết rằng, khi biết mình bị thương, lại tuổi cao, biết không thể qua được nên cụ Đề Thám có nói với cụ Lý Loan với đại ý, đây là quê hương của ta. Ta sẽ chết ở đất này (?).
Và năm 1913, cụ Đề Thám đã mất tại nhà cầu Thày Mai. Những người thân cận đưa xác cụ chôn ở cạnh một cây thông cổ thụ, thân cong, cách nhà cầu Thày Mai độ 50m, bên cạnh lối mòn, và mai táng như thể người “hành khất”, không ván, không liệm, không lễ nghi để giữ bí mật.
Sau khi cụ Đề Thám mất được vài năm thì cụ Lý Loan cho đổi cái chuôm mà cụ Đề Thám thường ra tắm rửa thành chuôm Yên Thế, cánh đồng có cái chuôm này cũng được đổi thành cánh đồng Yên Thế, gò giữa đồng là cây Chanh.
Con cá gỗ làm mõ ở nhà cầu Thày Mai được thay bằng mõ gỗ hình quả cầu. Hiện nay qua khảo sát của chúng tôi thì nền nhà cầu Thày Mai vẫn còn và không ai dựng gì lên đó. Vị trí nền nhà cầu Thày Mai cũng cách khu đất được cho là ngôi mộ khoảng 50m, và phía ngoài cánh đồng hiện vẫn có một giếng lớn, hay còn gọi là cái chuôm.
Đã tìm thấy giếng cổ, nơi cụ Đề Thám thường đến tắm giặt?

Trở lại khu vực có nấm mộ ở xóm Tân Lập (xã Mai Trung, Hiệp Hoà), nơi người dân cho rằng là mộ cụ Đề Thám, một lần nữa chúng tôi được nghe lãnh đạo xã, xóm kể cho nghe những thông tin có liên quan đến việc những nhà ngoại cảm đi tìm mộ cụ Đề Thám tại đây. Ngồi tại nhà ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng xóm, tổ trưởng tổ Đảng xóm Tân Lập, ông Nguyễn Văn Tiền, Phó chủ tịch UBND xã Mai Trung, cho biết: Khi hay tin ở xóm Tân Lập phát hiện mộ cụ Đề Thám, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tiềm năng con người đã đến tìm hiểu. Nghe người dân nơi đây kể lại quá trình phát hiện ngôi mộ, những tương truyền về cái chết và cách thức chôn cất cụ Đề Thám, bằng khả năng của mình, nhiều người của Trung tâm đã khẳng định, ngôi mộ kia là của cụ Đề Thám. Ông Tiền và ông Bình còn kể, có một người phụ nữ đã xuống tận nơi, đến tận ngôi mộ và nền nhà cầu Thầy Mai, nơi tương truyền cụ Đề Thám mất tại đó. “Đứng tại nền nhà cầu Thầy Mai, cô ấy thắp nén hương miệng khấn lẩm nhẩm rồi bảo chúng tôi rằng, gần đây có giếng cổ. Chúng tôi ở đây có biết giếng cổ gì đâu nhưng cô ấy khẳng định là có. Rồi cô ấy đi ra ngoài đồng Yên Thế, đến chỗ có vũng nước tựa hình chiếc nón để ngửa và nói, đây là giếng nước, xưa kia cụ Đề Thám thường ra đây tắm giặt”(?), ông Bình nhớ lại. Còn ông Tiền thì cho biết, không những ở tuổi chúng tôi mà các ông, bà năm nay ngoài sáu, bảy mươi cũng không biết ở ngoài cánh đồng có giếng cổ, mà chỉ thấy nó như một vũng nước. Người dân đi làm đồng kể, có điều lạ là tại vũng nước này trâu bò chỉ đến uống nước chứ không trầm mình xuống như nhiều vũng nước khác.
“Chúng tôi cũng nghe nói ở ngoài đồng Yên Thế có giếng nước, còn ở đâu thì chịu, nhưng khi nghe cô ấy khẳng định đây là giếng nước cổ thì chúng tôi đành phải tin thôi. Cô ấy còn bảo cứ đào xuống thì sẽ biết. Quả thật, khi đào sâu xuống, chúng tôi gặp một tảng đá xanh nằm chẹn ngang, hình như nó bị sụt đất mới như vậy. Đào sâu hơn nữa thì phát hiện đây đúng là giếng cổ. Xung quanh được kè bằng đá, lên chút nữa là xếp gạch ong. Giếng có độ sâu 3,5m, đường kính 6m. Hiện chúng tôi đã phục dựng xong giếng bằng tiền ủng hộ”, ông Bình nói. Còn theo ông Tiền thì người phụ nữ này có đề nghị với xã là sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ đồng. Một nửa dùng để mua lại ngôi nhà có nền nhà cầu Thầy Mai, một nửa để xây dựng lại cho khang trang. Xây dựng xong sẽ bàn giao lại cho xã quản lý. Nhưng, vì người dân còn có những ý kiến khác nhau nên việc này chưa thực hiện được.
2. Giả thuyết mộ Đề Thám ở làng Trủng

“Tôi được ăn oản khi cụ Thống Luận làm ma cụ Đề Thám”
Trong cuốn “Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám”, tác giả Tôn Quang Phiệt có viết: “Một truyền thuyết nữa cho là Đề Thám đã chết ở nhà Thống Luận (Thống Luận người xã Ngọc Châu, Phủ Yên Thế, đã đầu hàng về nhà làm ăn).
Một ngày, tháng, năm nào đó, sau khi Đề Thám mất tích ít lâu thì Thống Luận có tổ chức trong nhà mấy ngày luôn làm lễ cúng tế ma chay gì đó. Người ta cho rằng đó là một cách che mắt thiên hạ: Thực ra Thống Luận đã nuôi Đề Thám trong khi Đề Thám bị bệnh, đã chôn Đề Thám khi Đề Thám chết giả bầy ra cúng tế ma quỷ tổ tiên để cúng tế Thám, vì Thống Luận vẫn phục Đề Thám.
Về sau Thống Luận đã gả con gái cho Phồn là con út Đề Thám, em Hoàng Thị Thế”. Không chỉ riêng nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt đề cập đến “truyền thuyết” đó mà tại thời điểm này trong giới khoa học lịch sử và cả trong người dân sở tại cũng kể về “giả thiết” tại làng Trủng có mộ phần cụ Đề Thám.
Không biết tính chân thực của “giả thiết” trên đúng được bao nhiêu phần trăm vì đến nay chúng ta không có đủ cơ sở để kiểm chứng hoặc khảo cứu cho rõ ngọn ngành, nhưng ở một vế khác các cụ ta vẫn thường nói “không có lửa thì làm sao có khói” nên chúng tôi đã “tận mục sở thị”.
Ngay ở đầu làng Trủng, có khu đất khá cao và đẹp, nơi đó toạ lạc ngôi đền Hoàng Hoa Thám, chùa, nền đình làng Trủng và khu lăng mộ vợ, con, cháu cụ. Cũng ở khu vực này có một cây đa cổ thụ độ vài trăm tuổi. Đi vào trong làng hơn chút nữa, có khoảng đất nhỏ nơi đó dựng tấm bia ghi rõ “Nơi đây Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ phong trào khởi nghĩa Yên Thế đã sống thời niên thiếu”.
Cứ theo thuyết điền dã dân tộc học thì với những di tích như vậy sẽ mang lại hy vọng phần nào về mộ phần cụ Đề Thám ở nơi đây. Song “ở nơi đây” là chỗ nào thì quả thực rất khó, thậm chí đối với giới ngoại cảm tìm mộ.
Khi được hỏi về mộ phần cụ Đề Thám ở đâu, mấy đứa trẻ đang nô đùa dưới gốc cây đa cứ nhìn nhau mà không thấy ai trả lời. Đám trẻ ấy cũng chỉ biết đến đền Hoàng Hoa Thám, lăng mộ vợ, con, cháu cụ và tấm bia dựng ở trong làng, còn nữa là lắc đầu.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng gần giờ đồng hồ, ông Thân Đức Xuân, Trưởng thôn làng Trủng cho biết, với sự lưu truyền trong dân gian về việc mộ cụ Đề Thám ở khu vực làng Trủng nên mấy năm trước các cháu cụ đã dành hẳn ba tháng trời cùng nhà ngoại cảm về tìm kiếm. Khắp các quả đồi hay chỗ nào đó được xem là có mộ phần cụ Đề Thám là họ tìm đến nhưng kết quả vẫn không khả quan.Nào là đào một phần ở gốc đa đầu làng, ở các ngọn đồi hay trong vườn… vẫn không thấy mộ cụ đâu.
Theo ông Xuân, hiện ở làng có nhiều thuyết về việc chôn cất cụ Đề Thám. Một là, khi phong trào khởi nghĩa rơi vào thất thế, lúc đó cụ Đề Thám lại bị bệnh nên tìm về làng Trủng bây giờ và đến ở nhà cụ Thống Luận, một vị tướng của cụ Đề Thám đã ra hàng Pháp và được phong chức (cái sự hàng thực dân Pháp vào thời điểm lúc đó theo người dân là để che mắt, nhằm làm căn cứ bảo vệ cụ Đề Thám).
Vì sợ bị lộ nên cụ Thống Luận đưa cụ Đề Thám nằm trên thuyền thúng ở sau bếp, hằng ngày cho người mang thức ăn, đồ uống. Được một thời gian thì cụ Đề Thám mất. Nhằm che mắt thực dân và bọn quan lại phong kiến lúc bấy giờ, cụ Thống Luận cho dỡ ngôi chùa ở cuối làng đưa về dựng lại đầu làng rồi mở hội để chôn cất và làm ma cụ Đề Thám. Cụ Đề Thám được chôn dưới nền chùa từ ngày đó.
Cũng có thuyết nữa là, cụ Thống Luận chôn cụ Đề Thám ở gốc cây Xanh, gần ao và sát nhà mình. Cạnh đó còn có lưu truyền khác, khi cụ Đề Thám mất, cụ Thống Luận nghĩ ra cách mổ ngựa mời quan lại, bọn thực dân nhưng thực ra lấy da ngựa bọc xác cụ Đề Thám và chôn ở đâu trong làng không ai biết.
Còn ông Thân Văn Thức (năm nay 82 tuổi, sinh ra, lớn lên và hiện nay đang ở làng Trủng), mẹ ông là con gái Cả Trọng (Cả Trọng là con trai đầu của cụ Đề Thám), cho biết một lưu truyền khác: Khi cụ Đề Thám về ở nhà cụ Thống Luận thì cụ Thống Luận sai ba thanh niên khoẻ mạnh chăm sóc cụ Đề Thám. Lúc mất cũng chính ba thanh niên này đưa đi chôn. Chôn xong, cụ Thống Luận cho giết ba thanh niên này để không ai biết mộ cụ Đề Thám ở đâu (?).
Mãi đến những năm 30 thế kỷ trước, cụ Thống Luận mới cho lập đàn, mở chợ Trủng mời quan khách đến rất đông, nhưng kỳ thực là để làm ma cho cụ Đề Thám. “Khi lập đàn, mở chợ tôi còn nhỏ. Lúc ấy quan lại, bọn thực dân đến đông lắm. Tôi và mấy đứa trẻ trong làng còn đi trộm oản để ăn. Mãi đến sau này tôi mới biết cụ Thống Luận tổ chức như vậy là để làm ma cho cụ Đề Thám”, ông Thức nhớ lại.

Vợ thứ mười một của Thống Luận cho biết mộ cụ Đề Thám ở dưới gốc cây đa

“Từ lâu, dân làng chúng tôi rất mong muốn tìm được mộ cụ Đề Thám ở đây, nhưng qua điều tra cũng không thấy. Các cụ cao niên trong làng vẫn cứ truyền nhau về những câu chuyện như trên, nhưng kỳ thực thì không biết rõ vị trí. Vào những năm sáu mươi hay bảy mươi của thế kỷ trước, dân làng có tát cạn ao cá đầu làng thì phát hiện một sọ người. Có người bảo là của cụ Đề Thám, có người nói là không phải.
Chúng tôi thế hệ sau cũng chỉ biết vậy. Cách đây mấy năm, các cháu cụ Đề cùng nhà ngoại cảm có đào nhiều chỗ, trong đó có đào ở một phần gốc cây đa, nhưng cũng không thấy”, ông Xuân cho biết. Về chi tiết chôn cụ Đề Thám ở dưới nền chùa ở đầu làng, ông Xuân cho hay, “Bây giờ xác định lại là dưới nền đình chứ không phải là chùa.
Cái việc chuyển chùa chỉ là cớ, còn theo các cụ nhớ, truyền lại là chôn ở dưới nền đình. Cách đây mấy chục năm, đình bị xuống cấp nên các cụ cho dỡ. Hiện chỉ còn nền đình. Theo tôi quan sát, ở phần cuối hậu cung đình có khoảng đất màu đất lạ. Có khả năng mộ cụ Đề Thám ở đó (?). Nhưng chưa ai dám đào”.
Ông Thân Văn Thức cũng cho chúng tôi biết, “Có lẽ bây giờ không ai xác định được mộ cụ Đề Thám ở đâu. Nhưng có một chi tiết này cũng đáng phải lưu tâm. Cụ Thống Luận có mười một vợ. Vợ thứ mười một là bà Khương. Vì nghĩ rằng, vợ chồng ăn ở với nhau nên sẽ nói điều gì đó về mộ cụ Đề Thám nên trong một lần tôi ướm hỏi bà Khương chuyện này. Khi đó, bà nói rằng cụ Đề Thám chôn ở gốc cây đa đầu làng. Khoảng thời gian lâu lâu sau, tôi hỏi lại bà Khương thì bà nói không biết. Gặng hỏi mãi bà cũng cứ nói không biết”.
Giới sử học bình luận như thế nào về những thông tin này? Bài phỏng vấn nhà sử họ Dương Trung Quốc do Nguyễn Hoà thực hiệ trên Vanhoa Online

(VH)- Trao đổi với chúng tôi về những thông tin mộ phần cụ Đề Thám, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng “Đây là câu chuyện rất ly kỳ, chứa đựng nhiều ẩn khuất, do vậy giới chuyên môn và hậu duệ của cụ cần ngồi lại, áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để tiếp cận được cái khả năng cao nhất”. Ông cho biết:
– Về phong trào khởi nghĩa Yên Thế cũng như thân thế sự nghiệp anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám thì đã được giới sử học đề cập khá rõ, nhưng riêng cái chết của ông hiện vẫn đang là một ẩn số lớn, cho dù trong hồ sơ của mật thám Pháp lúc bấy giờ hoặc trong một số bộ sử cho biết rằng, cụ Đề Thám bị một số người giết chết theo lệnh của thực dân. Cũng ngay thời điểm đó đã có nhiều dấu hỏi đặt ra về cái chết của ông, rằng phải chăng có những ẩn khuất gì ở đằng sau đó? Có người đã đưa ra giả thiết, cái chết của cụ Đề Thám được phía thực dân Pháp công bố như là một sự thoả thuận ngầm? Nghĩa là dựa trên sự tương quan lực lượng giữa hai bên trong cuộc đối đầu vào thời điểm đó, người Pháp thì rất cần khẳng định Bắc Kỳ đã được bình định để thu hút đầu tư nhằm mở rộng khai thác thuộc địa; ngược lại, sau một thời gian chiến đấu hết sức dũng mãnh nhưng cuối cùng rơi vào sức tàn lực kiệt, hơn nữa cũng muốn tìm cách chuyển hướng nên phải chăng cụ Đề Thám đã có sự thoả thuận ngầm với thực dân?

Trong chính sử vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm về cái chết của cụ Đề Thám
Thưa ông, ông có suy nghĩ gì khi thời gian gần đây trên dư luận báo chí và trong nhân dân ở một số địa phương đề cập đến mộ phần cụ Đề Thám?
– Câu hỏi này không phải không có lý do nếu chúng ta dựa vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ để phân tích. Có lẽ chính vì những giả thiết hoặc thông tin ấy vẫn còn tồn tại, vẫn tiếp tục được đặt ra nên việc tìm kiếm phần mộ cụ Đề Thám như một bằng chứng vật thể để làm rõ về cái chết của ông, rằng có đúng như trong tài liệu ghi bị giặc sát hại, bêu đầu ở Nhã Nam hay còn bởi một lý do nào khác? Tuy nhiên, giờ đây chúng ta cũng nên nhìn nhận một cách biện chứng và thực tiễn hơn về vấn đề này. Tôi được biết, trong nhiều năm qua có những nhóm nghiên cứu đã quan tâm vào cuộc tìm hiểu về cái chết của cụ để từ đó làm cơ sở đi tìm mộ phần cụ Đề Thám. Và hậu duệ của cụ Đề Thám cũng đã, đang thực hiện công việc này. Tuy nhiên, ẩn số mộ cụ Đề Thám vẫn chưa được giải mã một cách có cơ sở.
Với độ lùi thời gian gần một thế kỷ kể từ khi cụ Đề Thám mất, đến nay giới chuyên môn, đặc biệt là giới sử học, đã đưa ra được nhận định có cơ sở khoa học nào về cái chết của cụ Hoàng Hoa Thám, thưa ông?
– Có lẽ trong nhiều người, kể cả những nhà nghiên cứu đang nghiêng về “giả thiết” cái chết của cụ Đề Thám là do sự phản bội, và như thế đôi khi dễ hiểu hơn. Bởi sau đó dường như giới chuyên môn nhận thấy cụ không còn hoạt động nào nữa trên vũ đài chính trường. Song cũng phải khẳng định hiện vấn đề nêu trên vẫn chưa được lý giải một cách thuyết phục nên trong chính sử vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm nào, và chúng ta tạm thời chấp nhận những giả thiết như đã từng được biết đến. Điều đó không hề hạn chế đến công việc tìm hiểu mộ phần cụ Đề Thám của giới sử học, đặc biệt của những người quan tâm đến phần mộ của cụ.
Vẫn biết, trong nhiều tài liệu có đề cập đến cái chết của cụ Đề Thám, tuy nhiên hiện nay tại nhiều địa phương ở Bắc Giang người dân vẫn đang lưu truyền có mộ phần của cụ ở đó với những “câu chuyện” khác nhau về cái chết của cụ. Vậy, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
– Cái chết của cụ Đề Thám rơi vào hoàn cảnh lịch sử như thế nên đã tạo ra nhiều yếu tố bí ẩn là lẽ đương nhiên. Thứ nữa, việc mong muốn tìm thấy mộ cụ cũng đã tạo nên tâm lý ở nhiều địa phương khác nhau “cảm thấy” mộ cụ đang ở đây. Điều đó cũng là bình thường. Còn thực ra, nếu có phát hiện thêm những tài liệu mới nhưng chừng nào chưa có kết luận cuối cùng thì điều đó không ảnh hưởng và hạn chế sự kích thích việc tiếp tục tìm kiếm mộ cụ Đề Thám. Hiện việc tìm kiếm mộ cụ Đề Thám đã trở thành vấn đề và được nhiều người quan tâm như thế thì tôi nghĩ không có gì khác là các nhà nghiên cứu cần ngồi lại với nhau để xem xét tất cả các giả thiết, đồng thời kết hợp nhiều phương pháp với nhau để chúng ta có thể tiếp cận được khả năng cao nhất.
“Hội KHLSVN sẽ đứng ra tổ chức những cuộc trao đổi để giải mã…”
Là nhà nghiên cứu sử giai đoạn cận – hiện đại, ông có thể đưa ra được sự đoán định của mình về khả năng mộ cụ nằm ở đâu?
– Tôi chỉ có thể nói rằng, tìm mộ cụ Đề Thám là việc không đơn giản, bởi trong quan niệm của các cụ ngày xưa giấu kín phần xác là rất quan trọng. Hơn nữa, trong hoàn cảnh lịch sử rối ren như vậy nên việc chôn cất, giấu kín phần xác mà rất ít người biết được là chuyện đương nhiên. Thậm chí để đánh lạc hướng, người ta có thể đã dựng lên nhiều câu chuyện khác nhau để không còn ai biết đích xác về mộ phần. Nhưng đây là câu chuyện rất ly kỳ, đòi hỏi các nhà chuyên môn phải ngồi lại với nhau, và trong việc này nếu hậu duệ của cụ Đề Thám tham dự vào là điều quan trọng, vì trong việc đi tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm thì niềm tin của người thân giữ vai trò rất quan trọng.
Thưa ông, việc tìm kiếm mộ cụ Đề Thám cần được ứng xử như thế nào?
– Việc tìm mộ cụ Đề Thám không chỉ là mong muốn và thuộc trách nhiệm giới chuyên môn mà còn là nghĩa vụ của xã hội. Nếu quả thực chúng ta có nhiều khả năng tìm kiếm thì Nhà nước cũng nên có trách nhiệm đối với việc này. Trong bối cảnh thông tin về giả thiết về mộ phần của cụ được dư luận báo chí và người dân quan tâm như thế thì không có gì bằng là chúng ta ngồi lại với nhau. Và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp sẽ đứng ra phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức những cuộc trao đổi với quy mô khác nhau đặng mong muốn giải mã được phần nào đó về vấn đề này.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hoà (thực hiện)

admin