Nguyễn Đức Hiệp
Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu… cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.
Nguyễn Đình Khánh (tự Khánh Ký) (1884-1946)
Ông Nguyễn Đình Khánh, tên thật là Nguyễn Văn Xuân tự Khánh Ký, sinh năm 1884 ở làng Lai Xá, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Sau tiệm ảnh đầu tiên của người Việt Nam “Cảm Hiếu Đường” ở phố Thanh Hà, Hà Nội năm 1869, do ông Đặng Huy Trứ làm chủ thì tiệm ảnh Khánh Ký khai trương năm 1892 ở Phố Hàng Da, Hà Nội là tiệm ảnh thứ hai. Nhưng khác với tiệm ảnh trước, ông Khánh Ký ngoài chuyên về chụp hình chân dung, ông còn mướn và huấn luyện cho nhiều người mà đa số là từ làng Lai Xá nghề chụp ảnh và mở nhiều tiệm nhiếp ảnh ở Nam Định (1905), Saigon (1907) sau này ở Toulouse (1910 khi ông mới sang Pháp) và ở Paris. Khi trở về Việt Nam năm 1924 ông mở tiệm ảnh ở Hà Nội, Quảng Châu, Hải Phòng, Nam Định, Saigon. Làng Lai Xá ngày nay có truyền thống nghề nhiếp ảnh là nhờ ông Khánh Ký.
Ông hoạt động nhiếp ảnh ở Saigon nhiều nhất trong các năm 1924 đến năm 1933. Văn phòng Saigon của ông ở số 54 Boulevard Bonard (Lê Lợi). Cơ sở của ông Khánh Ký ở Saigon năm 1934 mướn 27 nhân viên kể cả những người trong phòng chụp ảnh, phòng rửa hình, chỉnh hình và bán hàng. Từ năm 1917, ông là người chụp ảnh chân dung cho tất cả các viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương, cũng như hoàng đế Việt Nam, vua Cam Bốt và Lào.
Các hình của cơ sở ảnh của ông có mang dấu ấn “Khanh Ky photo, Hanoi”, “Photo Khanh Ky Saigon”. Ông cũng chụp ảnh cho Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des études indochinoises). Một số ảnh của ông cũng có đăng trên báo “Monde colonial illustré (1931)” trong số đặc biệt nhân dịp Hội chợ triển lãm thuộc địa (Exposition coloniale, 1931) và số năm 1932 sau khi Bộ trưởng thuộc địa, Paul Reynaud, đến viếng Đông Dương.
Hình 28: Khánh Ký (Saigon) – Chân dung một người Pháp, Portrait d’homme – vers 1920 – Épreuve gélatino-argentique d’époque montée sur support cartonné. Nom du photographe imprimé sur le montage. Ảnh bán đấu giá năm 2009.
Ông cũng chụp một bức ảnh chân dung toàn quyền Đông Dương, Pierre Pasquier, người bảo trợ hoàng đế Bảo Đại và nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Trên báo “L’Illustration” số 4740, năm 1933 “Le voyage de l’empereur d’annam du Tonkin”, ông có các ảnh phóng sự của ông về chuyến viếng thăm của hoàng đế Bảo Đại ở Bắc Kỳ.
Hình 29: Khánh Ký (trước cổng ở giữa mặc tây phục áo đen) và các thợ ảnh làng Lai Xá
Hình 30: Khánh Ký – Đám tang Phan Châu Trinh, Saigon 1926.
Ông có trong Ủy ban tổ chức lể an táng Phan Châu Trinh (*) ở Saigon năm 1926. Bộ ảnh tang lễ cùng quang cảnh Saigon lúc đám tang là do Khánh Ký thực hiện. Năm 1932, ông sang Nhật có tiếp xúc với những người trong phong trào Đông Du lúc trước, khi về nước ông cổ xúy cho phong trào và bị Pháp bắt với tội liên hệ với Cường Để và các thế lực thân và phục vụ Nhật.
Hình 31: Quảng cáo cơ sở nhiếp ảnh của ông Khánh Ký ở Saigon vào thập niên 1930
Hình 32: Những người múa, danseuses – Góc ảnh có ghi hàng chữ nổi “Khanh Ky et Cie, 54 Bd Bonnard Telephone No. 410”.
Cơ sở thương mại của ông sau đó bị phá sản. Ông Khánh Ký trở lại Pháp vào năm 1934, tiếp tục kinh doanh trong nghề ảnh và mất ở Pháp năm 1946. Ông Hồ Chí Minh khi qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau vào năm 1946 đã có đến viếng thăm mộ Khánh Ký, người đã giúp đỡ Hồ Chí Minh trong những ngày khó khăn tìm việc ở Paris khi mới đến Pháp.
Gabriel Auguste Paullussen
Bộ hình dưới đây (trong đó có chụp hình Thống tướng Joffre đi đến Chợ Lớn trước trạm điện tín nối Đông Dương với Marseille) là do nhà nhiếp ảnh Auguste Gabriel Paullussen chụp năm 1921. Trong hình là văn phòng studio “Saigon-photo” của ông ở số 10 Boulevard Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Ông Paullussen mướn 1 người Hoa và 5 người Việt làm việc cho studio của ông
Ông nối nghiệp nhà nhiếp ảnh George Victor Planté mà văn phòng ở cùng địa chỉ như trên. Ông Planté đã có nhiều bộ ảnh “carte postale” Saigon nổi tiếng trước đó. Sau khi ông Planté mất vào năm 1921, ông Paullussen nối nghiệp.
Năm sinh và ngày mất của Paullusen cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Pallussen không được biết rõ so với các nhà nhiếp ảnh khác. Trong bộ sưu tập nhiếp ảnh và lịch sử ảnh của nhà nhiếp ảnh và nhà sáng chế nghệ thật ảnh Gabriel Cromer, hội viên của hội đồng quản trị “Société Française de la Photographie” có còn giữ bức thư của Paullussen gởi Cromer khen một sáng chế của Cromer (bộ sưu tập này hiện nay thuộc bảo tàng nhiếp ảnh của công ty Kodak, George Eastman House).
Hình 33: Gabriel Paullussen – “Saigon-photo”, số 10 Boulevard Charner
Hình 34: Gabriel Paullussen – Thống tướng Joffre; Chợ Lớn, trước trạm điện tín nối Đông Dương qua Marseille tới Tour Eiffel.
Martin Hürlimann (1897-1984)
Hürlimann là nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Thụy Sĩ. Ông đi nhiều vùng trên thế giới trong những thập niên 1920, 1930, 1940 và chụp những bức ảnh đền đài, cung điện, cảnh vật, tác phẩm văn hóa tại nhiều thành phố, di tích ở Âu châu, hay ở Tích Lan, Miến Điện, Siam (Thái Lan), Cam Bốt, Trung Kỳ, Bắc Kỳ… Ông dùng máy ảnh hiệu Sinclair và phim của hãng Kodak. Những bức ảnh của ông sau đó thường được chuyển sang bảng đồng theo phương pháp “photogravure” dùng để in ra thành các bộ sách nhiếp ảnh rõ, đẹp và nghệ thuật. Ngày nay những bức ảnh của ông chụp vào đầu thế kỷ 20 rất có giá trị nghệ thuật được ưa chuộng ở nhiều nước Âu châu.
Cũng như các bộ ảnh về các nước Âu châu, bộ ảnh album của ông về Á châu và Đông Dương có tựa đề “Ceylan et l’Indochine: Architecture, paysages, scenes populaires” (Paris, 1930). Các ảnh chụp đa số về các tháp, tượng, cảnh ở Angkor, Chieng Mai, Lamphun, Bangkok, Phnom Penh, Champa (Trung kỳ) và Bắc Kỳ. Nhiều nhất ở Việt Nam, là ảnh các tháp, tượng cảnh trí của vương quốc xưa Champa.
Hình 35: Martin Hürlimann – 1926, Annam Tháp đồng (tức tháp Cánh Tiên) ở giữa di tích thành Trà Bàn (Đồ Bàn) – Photogravure,ảnh từ bảng khắc đồng được chế từ ảnh âm hay dương của phim chụp.
Hình 36: Martin Hürlimann, 1926, Annam Champa Cha Ban – Tượng voi đá ở di tích thành Trà Bàn
Chú thích: (*) Cụ Phan Châu Trinh cũng có lúc làm nghề rửa ảnh ở cơ sở nhiếp ảnh của ông Khánh Ký trong thời gian ở Pháp khi cụ vừa ra tù ở ngục Santé (1915). Chính Phan Châu Trinh cũng dẫn Nguyễn Ái Quốc đến tiệm ảnh Khánh Ký để học nghề kiếm sống lúc còn khó khăn ở Paris.