Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần IV

Nguyễn Đức Hiệp
Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu… cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.
Fernand Nadal
Ông Nadal là người Ả Rập, sinh ở Algérie (Hussein-Dey năm 1898 ? hay El Affroun năm 1902?). Ông Nadal đến Đông Dương trong năm đầu của thập niên 1920. Năm 1921, thì ông trú ngụ ở số 150 đường Catinat, Saigon. Có thể ông là người Algérie đầu tiên đến và lập nghiệp ở Saigon.
Một vài ảnh của ông được đăng trong báo “Le Monde colonial illustré” giữa các năm 1929 và 1931, và chính phủ toàn quyền ở Đông Dương cũng dùng ảnh của ông. Ông thực hiện nhiều phóng sự ảnh chính thức cho chính quyền Pháp ở Nam Kỳ như ảnh của trung đoàn 11 bộ binh thuộc địa, các tòa nhà công sở, tượng đài ở Saigon.
Trong các địa chỉ thương mại ở Saigon năm 1922, cơ sở của ông là nơi chụp hình, bán các dụng cụ và phụ tùng nhiếp ảnh. Ông Nadal mướn một người Âu và 6 người Việt cho công ty ông. Ông làm việc nhiếp ảnh có lúc cho chính quyền, còn lúc khác thì chụp hình cho các chủ những biệt thự, cho các khách sạn ở các nơi du lịch như Angkor, chụp những loạt hình quảng cáo cho các thương gia ở Saigon. Ngoài ra ông còn in các album ảnh, các cartes postales, và là chủ một cơ sở nhiếp ảnh ở Phnom Penh tương tự như ở Saigon. 
Hình 45: Fernand Nadal, trong “album Nadal” năm 1926 – Rue de Canton. Đường Canton (nay là Triệu Quang Phục), hình này cũng có in lại trên carte postale. Có lẽ đây là ngày lễ quốc khánh của Cộng hòa Trung quốc (10 tháng 10). Ở đầu đường và cuối đường có cổng chào mừng, trên cổng có đề hàng chữ “cung chúc dân quốc vạn tuế” (*). Bên phía trái cổng, có treo cờ “tam tài” của Pháp.
Ông có chụp ảnh những cơ sở kỹ nghệ thương mại lớn ở Saigon và vùng phụ cận, và trong năm 1923-1924 các ảnh “La Bien-Hoa Industrielle” của công ty gỗ “La Société forestiere”, lúc đó có độc quyền xuất khẩu gỗ ở Đông Dương. Năm 1930, ông làm phóng sự ảnh cuộc viếng thăm chính thức của thống đốc Philippines (lúc này vẫn còn là thuộc địa của Mỹ), ông Dwight Davis, ở Hà Nội.
Năm 1935, các ảnh cartes postales của ông đề địa chỉ là số 120 đường Catinat. Trong những năm của thập niên 1950, ông vẫn còn sản xuất in các cartes postales.
Võ An Ninh (1907-2009)
Võ An Ninh, tên thật là Vũ An Tuyết, sinh ngày 16 tháng 6 năm 1907 tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Ngay từ hồi còn trẻ, Võ An Ninh đã mê chụp ảnh. Đạp xe đạp khắp Hà Nội chụp ảnh. Dưới thời Pháp thuộc, ông làm phóng viên nhiếp ảnh của Sở Kiểm Lâm. Năm 1935, bức ảnh “Buổi sáng trên đê sông Hồng” đoạt Giải ngoại hạng trong cuộc thi do Hội khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ Việt Nam SADAEI (Société Annamite d’encouregement à l’Art et l‘Industrie) tổ chức. Năm 1938, ảnh “Đẩy thuyền ra khơi” được giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris – Pháp.
Võ An Ninh đi khắp mọi miền đất nước Bắc-Trung-Nam để chụp ảnh với cái camera của Đức hiệu Zeiss Ikon (1928) và ngay mãi tới gần cuối đời (2000) ông vẫn dùng độc chiếc máy này trong tay với phim đen trắng.
Ở Hà Nội, ông có nhiều ảnh nổi tiếng về Hồ Gươm như Hồ Gươm buổi sương mai (1935), Hồ Gươm trong bốn ảnh “Hà Nội bốn mùa”. Ngoài ra ông có những bức ảnh gợi nhớ về Hà Nội của những ngày thanh lịch xa xưa: Trong vườn si đền Voi Phục (1942), Gió nồm (Đê sông Hồng, 1948), Nhớ xưa (1944), Cúc Nghi Tàm (1956), Thiếu nữ Hà Nội (1960), Bậc đá đền Voi Phục (1956), Chùa Láng (1941), Cụ đồ viết câu đối Tết (1940), Tranh Tết làng Hồ (1941), Phố Hàng Buồm (1940), Mái nhà cổ phố Hàng bạc (1956), Cửa Ô Quang Chưởng (1940), Gò Đống Đa (1942), Lầu Khuê Văn và bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (1945), Bình Minh trên bãi Phúc Xá (1944), Xe tay ngoại thành (1935), Thu hoạch vụ chiêm (1935), Đông về (Từ Liêm, 1935), Bến thuyền cầu đất (1935), Chợ bán nồi đất (Bưởi, 1935), Chợ Đồng Xuân (1956), Sen Tây Hồ (1941),
Hình 46: Võ An Ninh – Chiều hè ở Hồ Tây, Hà Nội (1954). Lúc này khu vực Hồ Tây vẫn còn hoang vắng. Các thiếu nữ mặc áo dài đi hóng mát vào buổi chiều hè. Một nét thanh lịch của Hà Nội đầu thập niên 1950.
Một số những bức ảnh nghệ thuật ở Saigon có giá trị về nghệ thuật và tư liệu xã hội như “Chợ bến thành và bến xe thổ mộ” (1949), “Cụ đồ viết câu đối Tết” (Saigon, 1950), “Lăng ông ngày tết” (1952), “Nhà thờ Hồi giáo” (1950), “Khói hương chùa Bà, Chợ Lớn” (1953), “Thiếu nữ Saigon” (1951), “Qua Cầu” (Thủ Đức, 1953), “Lẻ loi” (1941), “Sóng đôi” (1942), “Vườn Tầm Vông ngoại thành” (1950), “Ngày xá lợi” (1951), “Đêm phục sinh” (1950), “Bình minh trên sông” (1952).
Một bộ tư liệu quí giá khác trong bộ sưu tập ảnh của cụ là những cảnh trong nạn đói năm Ất Dậu 1945 mà cụ ghi lại như một chứng nhân những gì mà thực dân Nhật-Pháp đã gây nên ở miền bắc nước ta. Cảnh người chết đói ở đường phố Hà Nội, trên đường từ các tỉnh (mà nặng nhất là Thái Bình) vào thủ đô, xác người đầy hốt trên xe đẩy. Đây là bộ sưu tập duy nhất và đầy đủ ở Việt Nam về nạn đói năm 1945.
Pierre Verger (1902-1996)
Người gốc Bỉ-Hòa Lan, Pierre Verger, sinh năm 1902 ở Paris, và mất năm 1996 ở Salvador (Ba Tây), nơi ông định cư và được ông xem như là quê hương thứ hai của mình. Ông là nhà nhiếp ảnh và dân tộc học nổi tiếng và là một trong những người sáng lập ra “Alliance Photo” năm 1935 ở Pháp, một tổ chức của các nhà nhiếp ảnh tự do, trong đó có những nhà nhiếp ảnh huyền thoại sau này như Henri Cartier-Bresson, Pierre Boucher và Robert Capa.
Bị đuổi học lúc 17 tuổi vì thiếu kỷ luật, ông làm việc trong cơ sở thương mại in ấn của gia đình, nhưng lúc nào ông cũng cảm thấy nhàm chán. Sau khi ông được Pierre Boucher giới thiệu về nghệ thuật nhiếp ảnh vào năm 1932, ở tuổi 30, ông cho rằng mình chỉ sống đến tuổi 40 nên ông quyết định sống một cuộc đời đầy hứng khởi, tận hưởng mỗi phút giây trong cuộc sống. Cũng năm này, mẹ ông mất, ông và nhà nhiếp ảnh Pierre Boucher đã đi bộ toàn bộ chu vi đảo Corse dài 1500 km để chụp ảnh và suy nghĩ về cuộc sống.
Sau đó, ông rời Pháp đi khắp thế giới chụp ảnh với chỉ rất ít đồ trong va ly và máy ảnh Rolleiflex. Ở Nhật (1934) và kế đó Trung Hoa, ông chụp nhiều hình ảnh ở Kyoto, Nara, Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải, Sán Đầu, Hồng Kông, Nam Kinh,… Ông đạp xe đạp khắp các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý và vượt sa mạc Sahara bằng lạc đà đến vùng mà ngày nay là các nước Mali, Burkana Faso, Niger, Benin. Ở đây ông chụp ảnh và có liên hệ sâu đậm với sắc dân Yoruba, đây là khởi đầu của sự đam mê của ông về văn hóa Phi châu da đen.
Ông viếng Mỹ, Mexico và các đảo ở Trung Mỹ. Và trong dịp thứ hai băng qua Liên Xô đến Trung Hoa, ông đã chứng kiến và chụp hình ảnh cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1937). Sau đó ông đến Đại Hàn, Phi Luật Tân và đến Đông Dương (1938). Ông chụp nhiều hình về con người cảnh sinh hoạt ở Saigon, Hà Nôi, Ban Mê Thuột, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Kontum, Pleiku, Mỹ Sơn, Nha Trang, Qui Nhơn, Lai Châu, Mộc Châu, Hòa Bình… nhiều hình ảnh ở Cam Bốt như Angkor, Phnom Penh, Battambang, ở Thái Lan, và ở Lào (Vietiane, Luang Prabang, Savanakhet).
Trong lúc ở Đông Dương năm 1938, vẫn còn lo nghĩ là mình chỉ sống đến 40 tuổi và tính lại là chỉ còn 1500 ngày nữa để sống. Ông vội đi mua ngay một dây thước dài đúng 1.5 mét. Quyết định là mỗi ngày ông sẽ cắt đi 1 mm để nhắc nhở là khi dây thước hết cũng là lúc mình không còn trên cõi đời này nữa. Và khi dây thước càng gần hết thì phải quyết sống cho mỗi ngày thật trọn, kích thích mình phải làm gì hay nhất, đam mê, sáng tạo và hữu ích nhất trong mỗi giây phút còn lại (23). Ông là người tự học, đọc nhiều và ham muốn học hỏi chìm sâu vào nhiều vấn đề và trở thành chuyên gia về phim, ảnh, âm nhạc, lịch sử, nghệ thuật, dân tộc học… Sau này các nhà nghiên cứu xem ông là ‘”l’homme de Renaissance” (người của thời Phục Sinh, biết và tìm hiểu mọi vấn đề tri thức).
Các hình ảnh của ông không những có giá trị nghệ thuật mà còn mang nhiều thông tin về con người, phong tục ở các xứ sở ông đến. Ông có những triển lãm và hợp tác nhiều lần với Viện bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) ở Paris từ những năm của thập niên 1930 đến thập niên 1980.
Hình 47: Saigon (1938) – Nguồn Pierre Verger Foundation 
Hình 48: Saigon (1938) – Nguồn Pierre Verger Foundation
Hình 49: Ban Mê Thuột (1938) – Người Rhadé – Nguồn Pierre Verger Foundation
Sau Đông Dương, năm 1939 ông đến Trung Mỹ (Mexico, Guatemala) và khi chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, ông trở lại Dakar (Phi châu) qua các nước Nam Mỹ (Peru, Brazil, Argentina, Bolivia) nhập ngũ vào quân đội trong đội nhiếp ảnh. Tại đây ông gặp Théodore Monod, giám đốc Viện nghiên cứu Phi Châu da đen của Pháp (Institute Francais de l’Afrique Noir, IFAN) và từ đó say mê nghiên cứu một tôn giáo Phi châu – Ba Tây đặc biệt của người da đen thuộc sắc dân Yoruba ở Tây Phi và Ba Tây (Bahia, Salvador, Sao Paulo) gọi là Condomblé khi họ di dân qua Nam Mỹ.
Giải ngũ, ông trở lại Nam Mỹ và làm nhiếp ảnh (1942-1946) cho Viện bảo tàng quốc gia ở Lima (Peru). Ở Peru, cũng chính là lúc đoạn milimét cuối cùng của thuớc dây “đời sống” của ông hết, lúc ấy ông đọc quyển “The Importance of Living” (Sự quan trọng của cuộc sống) của nhà văn và triết gia Lâm Ngữ Đường (Lin Yu Tang). Lâm Ngữ Đường đã thay đổi tư duy của ông về tiếp tục cuộc sống. Ông trở thành chuyên viên về văn hóa Phi Châu – Ba Tây và định cư ở Salvador. Ông dạy ở các đại học Ba Tây và năm 1971 là Giám đốc nghiên cứu Phi châu ở Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS) (24). Mặc dầu không được biết tiếng nhiều ở Pháp, nhưng ông là người trở thành huyền thoại trong giới nghiên cứu và người dân ở Salvador, Bahia và Tây Phi, nhất là từ khi ông mất. Vào đạo của người Yoruba, ông có tên là “Fatumbi”, và trong đạo Ifa, ông có chức vụ cao “Babalawo” (“cha của bí mật”) mang trọng trách không bao giờ tiết lộ bí mật của đạo cho người ngoại đạo.
Pierre Fatumbi Verger cũng là một nhà nhiếp ảnh huyền thoại với hơn 65,000 tấm ảnh quí giá chụp ở khắp nơi trên thế giới vào thế kỷ 20.
Tổng Luận
Bài này chỉ nêu lên sơ lược về lịch sử nhiếp ảnh và sự cống hiến về tư liệu của các nhà nhiếp ảnh ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Họ là các nhà nhiếp ảnh Pháp, Hoa, Việt và các nước khác; chỉ với mục đích ban đầu là say mê nhiếp ảnh và sống với nghề chụp ảnh nhưng những gì họ để lại là những tư liệu không những có giá trị nghệ thuật, như đa số họ ước muốn, mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội mà hiện nay chúng ta chưa khai thác hết.
Tác giả bài biên khảo này cho rằng còn có rất nhiều tư liệu ảnh rải rác ở các sưu tập tư nhân nhiều nơi trên thế giới cũng như các kho ảnh như kho ảnh của Pháp ở “Archives nationales d’outre mer” (ANOM) hay ở Việt Nam hiện nay chưa được để ý đến đúng mức. Một viện bảo tàng nhiếp ảnh nếu được thành lập ở Việt Nam sẽ là nơi hội tụ các tư liệu ảnh mà các nhà sưu tập tư nhân có thể đóng góp sẽ rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về những vấn đề và đề tài lịch sử, văn hóa và xã hội ở Việt Nam vào thế kỷ 19 và 20.
Chú thích:
(*) Lúc này trong Chợ Lớn người Hoa (trừ người Minh Hương) được coi là ngoại kiều và có các chi nhánh của Quốc Dân đảng hoạt động công khai. Thời này, đường Triệu Quang Phục là một trong những trung tâm thương mại ở Chợ Lớn, người Hoa ở đây đa số là gốc Quảng Đông. Góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi (rue de Cay-mai) có chùa Bà Thiên Hậu, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Chợ Lớn, và cũng là Hội quán của bang Quảng Đông (Tuệ Thành Hội quán).

 

Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần I
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần II.1
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần II.2
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần II.3 
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần III
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần IV