(VH)- Lúc còn sống, Hoàng Hoa Thám từng nói rằng, cái chết của ông chỉ có trời đất, quỷ thần và quạ biết mà thôi. Phải chăng, chính vì lời nguyền bất hủ ấy mà cho đến nay chưa một ai có may mắn trong suốt hành trình tìm kiếm nơi yên nghỉ cuối cùng của người thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đi được tới đích.
Bài 2: Là Hố Lẩy hay không phải là Hố Lẩy ?
1. Năm 1913, Bang tá Lạng Sơn Vi Văn Định 35 tuổi, được nhà cầm quyền Pháp thông báo về việc đã sát hại được Hoàng Hoa Thám, đầu đem bêu ở Yên Thế nhờ đó đã xua tan được mối nghi ngờ trong đám quan lại người Việt và dân chúng. Sau này, ở Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Vi Văn Định có kể cho Tôn Quang Phiệt, tác giả cuối Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám (Sở Văn hóa- Thông tin Hà Bắc xuất bản năm 1984) rằng, ngay thời đó ông và nhiều quan lại người Việt khác đều cho rằng đấy là một cái đầu của ai đó, còn Hoàng Hoa Thám thì đã qua đời từ trước rồi. Giới cầm quyền Pháp lúc đầu cũng tin chiếc đầu đem nộp là đầu của Hoàng Hoa Thám nên đã cử người của Sở Căn cước tên là Latalette và Brault lên Nhã Nam chụp hình để lập hồ sơ và công bố trên báo chí như vụ Hà Thành đầu độc diễn ra năm 1908. Khi phát hiện bị đánh lừa, việc trưng bày thủ cấp từ 3 ngày đã rút xuống còn 2 ngày, các gương ảnh bị thu hồi, cấm phổ biến. Vì đã trót làm rùm beng sự việc nên Thống sứ Bắc Kỳ đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vẫn đưa các nhân chứng về Hà Nội lập khẩu cung, phát tiền thưởng và thăng cho Lương Văn Phúc từ Hậu bổ lên thẳng Tri phủ phủ Quảng Oai.
Đồng hành với ức đoán kể trên, có người cho rằng sau trận Ngàn Ván xảy ra đêm 21.11.1911, tuy Hoàng Hoa Thám và 2 cận vệ thoát ra ngoài nhờ trận mưa đột ngột nhưng cả ba thầy trò đều bị thương, bị bỏng rất nặng rồi qua đời khoảng đầu mùa đông năm 1911.
Theo dõi các tài liệu do Bouchet, Paul Charle hoặc được ghi lại trong Lịch sử quân sự Đông Dương ta thấy vẫn còn đây đó các hoạt động của Hoàng Hoa Thám tại Bằng Cục (1.1912), Ngọc Cục, Ngọc Châu, Thúy Cầu, Dĩnh Thép, Lèo (tháng 2 và 3.1912) mà nổi bật là việc trừng trị Phó đội Liên ở Dĩnh Thép (19.11.1912) và Đồng Cửu ở Lục Giới (24.12.1912).
Như vậy, điều mà Vi Văn Định ức đoán chỉ trở thành hoặc gần với sự thực khi ta chứng minh được các hoạt động diễn ra sau trận Ngàn Ván là do người khác chứ không phải là Hoàng Hoa Thám thực hiện. Và tất nhiên còn phải tìm được ngày tháng, địa điểm Hoàng Hoa Thám qua đời, yên nghỉ, một việc làm khó như mò kim đáy biển.
2. Khác với hướng tiếp cận trên, nhiều người dân ở Yên Thế cho rằng, khi Sự kiện Hố Lẩy xảy ra, Hoàng Hoa Thám vẫn bình yên vô sự, sau đó người ta thấy ông đóng giả làm người cầy thuê cuốc mướn hoặc người lỡ độ đường đến nhà Thống Luận ở ngay làng Chũng (nay thuộc xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để nương nhờ.
Thời điểm Hoàng Hoa Thám tới nhà Thống Luận chưa được xác định. Có người kể rằng lúc bà Ba Cẩn chưa bị Pháp bắt, bà đã có ý định đưa ông trốn lên vùng Thác Thần thuộc địa bàn Yên Thế Thượng nhưng ông bảo: “Tôi còn có bạn ở Chũng, cho tôi về đấy”. Người bạn mà ông nhắc tới chính là Thống Luận, người sau này gả con gái cho Hoàng Bùi Phồn, con út của Hoàng Hoa Thám và bà Ba Cẩn.
Những lời kể khác thì nói, sau Sự kiện Hố Lẩy một vài năm gì đó Hoàng Hoa Thám mới đến nhà Thống Luận. Trước khi dừng lại ở Chũng, Hoàng Hoa Thám còn nương nhờ nhà ông Ngũ Dương ở Hoàng Mai hoặc Già Hạnh ở Vân Cốc, tất cả đều nằm trên đất Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và nhà ông Đông Giản ở Lữu Vân (nay thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).
Thống Luận đã nuôi Hoàng Hoa Thám ở căn hầm dưới nền nhà (có người nói là ở cái thuyền thúng úp ở bức tường sau nhà hoặc trong tủ, điều này chỉ xảy ra trong trường hợp Hoàng Hoa Thám nương nhờ tạm thời vài ngày). Cứ thế, Hoàng Hoa Thám sống thêm hàng chục năm, cho đến khi trên dưới 70 tuổi, đi lại khó khăn, hơi thở yếu ớt, răng rụng và tóc bạc như cước mới qua đời, tức là vào khoảng mùa hè những năm 30 của thế kỷ XX. Tiếp liền sự kiện trên, Thống Luận tìm mọi cách xin với nhà cầm quyền cho tổ chức khánh thành đình làng Chũng, nghe nói được khởi công ngay khi Hoàng Hoa Thám đến nương nhờ; nhân tiện xin mở chợ Chũng, lập đàn Bồng Sơn cúng suốt 7 ngày 7 đêm. Trong thời gian mở hội, Thống Luận bí mật làm ma, tổ chức chôn cất cho Hoàng Hoa Thám. Thân thể của người thủ lĩnh được đưa vào da ngựa chôn xuống gian giữa đình làng (các dị bản khác thì nói là ở nền đền, dưới gốc đa chùa hoặc đưa đi chôn bằng – tức là không có nấm mộ ở khu đồi ba cây thông gần chợ Gió bên huyện Hiệp Hòa; năm 1941, Thống Luận chết cũng chôn bằng ở đó).
3. Gần đây, có nhà nghiên cứu còn công bố và xác nhận thông tin Hoàng Hoa Thám mất vào ngày 9.5.1913, được gia đình cụ Lý Loan ở Mai Trung – Hiệp Hòa chôn cất. Lại có người nói khi Hoàng Hoa Thám qua đời được nghĩa quân đưa đi chôn ở Dốc Cun (Hòa Bình), Tam Điệp (Thanh Hóa) nhưng không chỉ ra thời điểm cụ thể, chỉ biết là sau Sự kiện Hố Lẩy.
Căn cứ vào các lời kể, hậu duệ của Hoàng Hoa Thám đã kết hợp với sự chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm cất công đi tìm trong khu vực làng Chũng nhiều lần nhưng chưa đem lại một kết quả khả quan. Có nhà báo đã lặn lội tới Tam Điệp, Dốc Cun nhưng không tìm được một dữ liệu nào có phần khả dĩ. Còn ở Mai Trung – Hiệp Hòa, mặc dù thông tin trên được sự trợ giúp về mặt tâm linh khẳng định đó chính là nơi yên nghỉ cuối cùng của Hoàng Hoa Thám, lại có văn bản chôn theo xác nhận, nhân dân đã xây đền thờ nhưng nhiều nhà sử học vẫn ngờ ngợ về tính chân xác của vấn đề (xin xem thêm Báo Văn Hóa từ số 1581 đến số 1585 tháng 9.2008). Nghe nói, gần đây đã có người xác nhận ngôi mộ được coi là nơi yên nghỉ cuối cùng của Hoàng Hoa Thám ở Mai Trung – Hiệp Hòa là nơi chôn cất một người trong dòng tộc họ Cao của mình bên Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang bị chết vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX.
Do thời gian và không gian có độ mở lớn, độ vênh của các ức đoán cao và đã được thực tiễn cọ xát qua các cuộc thăm dò tìm kiếm, vì thế chúng ta có thể thấy hướng tiếp cận dễ bị rối và nhầm lẫn. Với những gì đã thu nhận được, tưởng cũng nên ngồi lại để sàng lọc để tìm ra những lời chỉ dẫn cốt lõi và khả dĩ nhất cho hành trình tìm kiếm tiếp theo, nếu chún
g ta vẫn còn niềm tin vào một ức đoán nào đó.
(Còn tiếp)
TS Khổng Đức Thi