Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế! (5)

(VH)- Trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số ra tháng 2-1983, giáo sư Đinh Xuân Lâm và Nguyễn Phan Quang cho công bố bài viết Xung quanh cái chết của Đề Thám khẳng định, chúng ta đã có thể đi tới những kết luận chính xác về cái chết của Đề Thám: ngày, tháng Đề Thám bị sát hại, lý lịch bọn tay sai sát hại Đề Thám, vai trò của Pháp và Lương Tam Kỳ trong việc giết hại Đề Thám, kế hoạch hành động của chúng…

Kỳ cuối: Trong cái giả có cái thật, trong cái thật có cái giả!

1. Các tác giả cho biết, trước đây vì chưa có tư liệu gốc đủ tin cậy; mà chủ yếu lại dựa trên sách báo của Pháp đương thời thường đưa tin sai lạc với dụng ý xấu, hoặc dựa trên các câu chuyện kể, lời đồn đại trong nhân dân nên các tác giả chưa thể đi tới một sự khẳng định dứt khoát. Gần đây, các tác giả có may mắn sưu tầm được tại kho lưu trữ quốc gia của Pháp (bộ phận Hải ngoại) ba bản khẩu cung của ba tên tay sai Pháp trực tiếp sát hại Đề Thám, mang ký hiệu IND.A5.NF.592 ghi lại cuộc khẩu cung diễn ra hồi 2 giờ rưỡi chiều ngày 15.2.1913 do Chưởng lý bên cạnh Tòa án Thượng thẩm Đông Dương lúc ấy là G.Michel chủ tọa. Vì bị cáo là người Trung Quốc, nên phiên dịch buổi hỏi cung là một người Trung Quốc.

Khẩu cung của Trần Đắc Kỷ (Tsan Tac Ky) kể lại rằng:

“Buổi sáng ngày 10.2 (1913), lợi dụng cơ hội hai tên đầy tớ vẫn có súng trong tay mà lại nằm ngủ thiếp đi hai bên căn lều của Đề Thám, ba chúng tôi lẻn vào trong lều và thấy ông ta đang còn ngủ say. Khi tôi bước lại gần thì ông ta tỉnh giấc và lấy bàn tay phải dụi hai mắt; và vì tôi tiến sát lại nên ông ta thụi cho tôi một quả, rồi vẫn nằm ngửa trên giường, ông ta dùng chân đá mạnh vào phía phải tôi và giơ tay với lấy một trong ba khẩu súng đặt trên tấm phản bên cạnh.

Vào đúng lúc ấy, tôi đấm cho ông ta hai quả, một vào bên hông trái, một vào hông bên phải làm cho ông ta bất tỉnh; rồi cầm lấy một trong hai chiếc cuốc cũng đặt bên cạnh Đề Thám, tôi dùng cuốc đánh mạnh cú đầu tiên vào hông trái. Ông ta không kêu lên được nhưng cố ngồi dậy và vớ lấy một khẩu súng. Đúng lúc ấy tôi lại đánh cú thứ hai gần mắt trái và giết chết ông ta.

Trong thời gian đó, hai người cùng đi với tôi có nhiệm vụ cản hai tên đày tớ của Đề Thám khi tôi tìm cách trói ông ta, đã bước vào trong lều và đứng cảnh giới trong khi tôi tiến lại gần ông ta. Bị đánh thức bởi tiếng động của cuộc xung đột, hai tên đày tớ của Đề Thám đã tìm cách đột nhập vào trong lều và giơ súng ngắm bắn hai người đi với tôi. Chính vào lúc đó thì hai người này, mỗi người được vũ trang một khẩu súng lục, đã bắn vào chúng và hạ sát chúng”.

Tôi cho rằng tình huống trên là chính xác, chỉ có điều những gì xảy ra tiếp theo (trừ việc cắt thủ cấp) đã không được Trần Đắc Kỷ kể lại và nhân vật thứ tư, được ghi nhận trong sách của Bouchet và Paul Charle bị cố tình bỏ quên: đó là Lý Bắc, tức Lý Ón, lý trưởng làng Dĩnh Thép.

2.  Như chúng ta đã biết, Bonnafont trên tờ Tương lai xứ Bắc Kỳ số ra ngày 12.2.1913 cho biết: “Cái ngày mà Đề Thám bị giết là thời gian cuối cùng định cho các chỉ điểm phải về Hà Nội”. Chính vì cái hạn định trong bản giao kèo được ký giữa hai bên nên ba tên tay chân của Lương Tam Kỳ đã bất ngờ ra tay.

Nhận được tin này, Lý Bắc và toàn bộ gia nhân đã có mặt ở Hố Lẩy, buộc các tay chân của Lương Tam Kỳ phải giao lại  thi thể và đầu của Hoàng Hoa Thám, đổi lại, chúng sẽ có ba người khác chết thế. (một trong ba người có một người cao lớn có nhiều nét giống Đề Thám, có người bảo là sư ông chùa Lèo, xã Hữu Xương hoặc sư ông chùa Chay thuộc Canh Nậu), nhưng chúng chỉ được mang ra Nhã Nam ba thủ cấp còn thi thể phải để lại (có lẽ để tạo ra các đặc điểm trên thân thể để đề phòng sự nhận dạng của viên Đại lý Nhã Nam vốn khá quen thuộc những đặc điểm riêng của Đề Thám).

Ông Hoàng Văn Thuận, con trai bà Thân Thị Quynh (em gái Cả Dinh, vợ thứ tư của Hoàng Hoa Thám) cho rằng đúng là Hoàng Hoa Thám mất vào ngày 10.2.1913 nhưng do đau ốm tại nhà Lý Bắc. Lý Bắc đã thay thế ba người khác, trong đó có sư ông chùa Lèo để bọn tay chân Lương Tam Kỳ giết, cắt thủ cấp đem ra Nhã Nam lĩnh thưởng.

Bà Hoàng Thị Thế, con gái của bà Ba Cẩn và Hoàng Hoa Thám kể lại, được Tôn Quang Phiệt ghi trong cuốn Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám, rằng: “Cái đầu bêu ở Nhã Nam không phải đầu Đề Thám mà là đầu của sư ông chùa Lèo. Lương Tam Kỳ có cho ba thủ hạ đi theo Đề Thám thật. Lương lại đã liên lạc với Lý Bắc, một thủ hạ cũ của Đề Thám nhưng xưa nay vẫn là người hai mặt: có đi lại với Đề Thám và giúp đỡ ông, nhưng cũng có chỉ điểm cho thực dân. Hôm đó, Lý Bắc đã cho thuốc mê vào canh, Đề Thám ăn phải và bất tỉnh nhân sự. Nhân lúc đó (3 thủ hạ của) Lương Tam Kỳ và Lý Bắc giết sư ông chùa Lèo để lấy đầu đem nộp cho Pháp, đồng thời cũng là làm cho nhân dân Yên Thế biết đó không phải là đầu Đề Thám để tránh trả thù về sau vì nhân dân Yên Thế rất yêu quý Đề Thám. Còn Đề Thám thì mấy hôm sau mới chết, đã được chôn cất kín đáo”.

3. Trở lại những vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra ở đầu bài báo này, rõ ràng nhiều người có cảm giác việc sát hại Hoàng Hoa Thám hình như được đạo diễn theo một kịch bản, có sự xếp đặt khá công phu và khá sớm với chủ đích là: dù Hoàng Hoa Thám có tái xuất hay không, ông ta vẫn phải chết vì, không chỉ như Lịch sử quân sự Đông Dương cho rằng “cái chết của Đề Thám đưa lại sự an ninh trong một vùng mà đến nay dân chúng vẫn lo sợ không được yên ổn cày cấy ruộng đất” mà nó còn đem lại cho người Pháp sự thôi thúc và niềm hăng say tiến tới hoàn thành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương. Do đó, nhà cầm quyền Pháp cần phải có cái chết của Đề Thám bằng mọi giá, mọi hình thức, kể cả một sự sắp đặt hợp lý theo hướng một việc đã rồi, đường đi vòng vo quanh quất như Lịch sử quân sự Đông Dương đã chốt lại “uy tín của Đề Thám đã bị lu mờ, nhưng mặc dù Chính phủ đã treo giải thưởng cho ai lấy được đầu Đề Thám từ đầu năm 1909, cũng chỉ đến tháng 2-1913 cái đầu Đề Thám mới được bêu ở Nhã Nam”.

Cái đầu bêu ở Nhã Nam dù nhà cầm quyền Pháp đã biết không phải là của Hoàng Hoa Thám nhưng vẫn rêu rao như Tương lai xứ Bắc Kỳ ghi lại, ở đó ông Bouchet và chánh vệ Richy và nhiều quan lại Nam triều công nhận rõ ràng
hoặc quan Tuần vũ và nhiều nhà chức trách khác (của tỉnh Bắc Giang) đã công nhận đầu của Đề Thám.

4. Nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Việc nhà cầm quyền Pháp rút ngắn thời gian bêu đầu, vội vã cho thiêu hủy, thu hồi các gương chụp ảnh thủ cấp và cấm công bố ảnh trên báo chí đã xác nhận sự ngụy tạo kể trên. Và, chính viên Đại lý Nhã Nam là Bouchet, cũng đã hốt hoảng khi phát hiện ra điều này. Trong tác phẩm Le De Tham, xuất bản tại Paris năm 2007, ông Claude Gendre tác giả cuốn sách, là cháu nội một lính Pháp đã từng bị thương trong trận Đồng Đảng ở Yên Thế ngày 12.2.1909, vạch rõ, Bouchet ghi lại sự hốt hoảng đó trong cuốn Ở Bắc Kỳ – Cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám rằng, trong khi ông ta còn đang tìm dấu vết vết mổ trên lưng của cái xác được cho là của Hoàng Hoa Thám thì bỗng phát hiện ra đây là một cái xác của người khác, trẻ hơn nhiều so với cái xác của một người ở độ tuổi 55 như Hoàng Hoa Thám. Vậy cái giả, sự sắp đặt đã hiện hình, chỉ còn chưa rõ do ai sắp đặt việc này. Theo tôi, có lẽ Lý Bắc là tổng đạo diễn cho màn kịch khá hoàn tất kể trên.

Cuối cùng, để xác tín cho hướng tiếp cận này là việc thừa nhận của thân nhân Hoàng Hoa Thám về ngày mất của ông. Theo bà Hoàng Thị Điệp, con gái của Hoàng Bùi Phồn và con cháu của bà, sau những cuộc kiếm tìm chưa kết quả gần đây, mọi người mới chợt nghĩ ra: khi còn sống, ông Thống Luận vẫn căn dặn và đều cho tổ chức giỗ Hoàng Hoa Thám vào ngày mồng 5 tháng giêng. Vậy thì, nếu có việc làm ma cho Hoàng Hoa Thám vào mùa hè những năm 30 của thế kỷ XX mà Thống Luận tiến hành, thì sao ông lại không cho cúng giỗ vào ngày tháng đó?

5. Rõ ràng là hướng tiếp cận về thời gian, không gian xoay quanh cái chết của Hoàng Hoa Thám đã có sự thống nhất nhất định giữa các nguồn tư liệu chính thống của nhà cầm quyền Pháp và dân gian. Cái mới ở đây là từ một thời điểm rất cũ đó, đã có sự lý giải mới tuy còn khác nhau trong hướng tiếp cận nhưng đã vạch ra được trong cái giả có cái thật và trong cái thật có cái giả – một cách làm thường tình mà người dân đem ra ứng xử một cách mềm dẻo trước một kẻ thù hùng mạnh.

Vấn đề còn lại là chúng ta cùng nhau bắt tay vào việc đi tìm kiếm nơi an nghỉ cuối cùng của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Biết đâu đấy, như thông tin mà một tờ báo đưa ra cách đây vài tháng, một nhà nghiên cứu ngoại cảm cho rằng người thủ lĩnh đã nằm lại ở đâu đó trong rặng Cai Kinh, xưa thuộc Bắc Giang nay là miền Hữu Lũng – Lạng Sơn. Hy vọng đó sẽ là một hướng tìm kiếm chứa nhiều may mắn.

Hà Nội, đầu tháng 4.2009

TS. Khổng Đức Thiêm

admin