Quản chặt để hạn chế sai sót, hệ lụy trong hoạt động lập vi bằng

Quản chặt để hạn chế sai sót, hệ lụy trong hoạt động lập vi bằng
Hôm qua (5/4), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp liên ngành liên quan tới một số nội dung về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (TPL).
Quản chặt để hạn chế sai sót, hệ lụy trong hoạt động lập vi bằng

Ảnh minh họa

Về việc lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở không có Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng, hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng TPL không được lập vì đó là những giao dịch trái pháp luật. Việc lập vi bằng đồng nghĩa với việc hợp thức hóa giao dịch trái pháp luật.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trên thực tế, hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà, đất không có Giấy chứng nhận đang rất phổ biến dưới hình thức hợp đồng viết tay, nếu không thông qua vi bằng thì hoạt động trên vẫn diễn ra. Do vậy, việc  lập vi bằng trong trường hợp này là để bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch. Việc lập vi bằng của TPL đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu chính đáng của người dân.

Đối với việc lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở có nguồn gốc rõ ràng, các ý kiến đều thống nhất TPL được lập vi bằng. Bởi theo quy định của Luật Công chứng thì công chứng viên chứng nhận hợp đồng, giao dịch tại thời điểm công chứng. Việc các bên trao đổi, thỏa thuận các nội dung, điều khoản trước khi yêu cầu công chứng do các bên tự thực hiện. Vì thế, đối với thỏa thuận của các bên trước khi công chứng thì TPL có quyền lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi này làm cơ sở thực hiện hợp đồng, giao dịch cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Là địa phương có số lượng lớn Văn phòng TPL hoạt động, đại diện Sở Tư pháp TP HCM cho biết số lượng vi bằng do TPL ngày càng tăng nhanh chóng. Chỉ riêng năm 2017, số lượng vi bằng mà TPL đã lập lên tới con số 55.000. Điều này đòi hỏi Sở Tư pháp phải tăng cường công tác quản lý đối với việc lập vi bằng, đồng thời đề xuất thu phí khi thực hiện đăng ký vi bằng tại Sở.

Còn đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội tỏ ra băn khoăn trước thực tế hiện nay, nhiều TPL không giải thích rõ về nội dung, giá trị pháp lý của vi bằng cho người dân nên dễ phát sinh các hệ lụy. Khi đó, Sở Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này phải đứng ra giải quyết nên cần siết chặt hoạt động lập vi bằng của TPL.

Chung quan điểm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh phải chấn chỉnh triệt để, siết chặt quản lý, chỉ đạo điều hành để hạn chế tối đa các sai sót, hệ lụy trong hoạt động lập vi bằng. Ông Sơn đề xuất rà soát, lập danh mục các lĩnh vực mà TPL được lập vi bằng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận định, muốn hạn chế tối đa các phát sinh trong hoạt động lập vi bằng thì cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành. Thứ trưởng cũng đồng tình với các ý kiến là TPL không được lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở không có Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng. Việc lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở có nguồn gốc rõ ràng thì trước khi công chứng, TPL có quyền lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi này.

Liên quan tới nội dung đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp, Thứ trưởng cho rằng có thể nghiên cứu theo hai phương án là vẫn đăng ký như quy định hiện hành nhưng phải thu phí hoặc không cần đăng ký nhưng phải có các mẫu mã vi bằng cụ thể để các bên ký vào từng trang, tránh tình trạng tiêu cực, sửa đổi vi bằng. Song song với đó, các Sở Tư pháp cần tăng cường quản lý nhà nước và phổ biến giáo dục tuyên truyền pháp luật cho người dân để họ hiểu đúng và đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng.

admin