Lời cậu dặn

Lời cậu dặn
Năm 18 tuổi, Tony có đi gặp 1 cậu Hai, tạm biệt trước khi lên đường vô Sài Gòn học. Ổng dặn, vô đó nếu ở nhà trọ hay ký túc xá, phải tuyệt đối không được ở chung với mấy đứa không biết làm việc nhà, con cưng này nọ là tránh xa nghẹ mậy. Vì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Tony hẻm tin, nói gì ghê vậy cậu.
Vô SG, lên sinh hoạt NVH thanh niên, quen với nhiều bạn sinh viên đến từ các tỉnh. Tony qua ở chung với họ thay vì trọ chung với đồng hương, chỉ vì muốn khám phá các văn hóa các vùng miền khác nhau. Có lần cùng nhau thuê nguyên căn nhà ở đường Trần Văn Đang, trong đó có K, dân Đà Nẵng, học ĐH Bách Khoa. K là cậu ấm chính hiệu vì lúc ở quê, bố mẹ cậu ấy chưa cho K rờ vô cái gì trong nhà, cứ ngồi trong phòng học toán lý hoá trên lầu, tới giờ ăn thì xuống. Mục đích chính của việc học chính là thi, nên cả nhà dồn sức cho cậu, K thi được hai mấy điểm.
K làm biếng kinh khủng, 1 cái áo đi về mồ hôi ướt đẫm chứ cũng treo cho khô, rồi mai mặc tiếp. Quần lót quần đùi thì góc nào cũng có, nhà tắm cũng có, bếp cũng có. Mền mùng chiếu gối thì chưa thấy giặt bao giờ, ai thấy hôi quá thì giặt giùm. Ăn thì toàn cơm bụi, anh em hùn tiền nấu thì K nói không, vì phải bị phân công nấu 1 bữa. Nên tới giờ ăn cơm, mọi người quây quần lại là K xách xe chạy đi ăn bụi bên ngoài.
Ba mẹ K viết thư gửi vô thôi là gửi. K chẳng trả lời bao giờ, nói làm biếng viết lại. Tắm cũng làm biếng. Đánh răng cũng làm biếng. Người hôi rình và răng đầy bựa mảng bám thức ăn. Cứ ôm cái truyện tranh ngồi miết, tóc dài rũ rượi, vừa đọc vừa nặn mụn, máu me đầy tay, rồi bôi lên tường, bôi vào quần áo. Sau đó thì bố mẹ nó mua cái máy tính gửi vô nên chơi game suốt. K nói ở ngoài quê tau chưa biết nồi cơm điện dùng thế nào hay trong tủ lạnh có cái gì trong đó. Cứ ai dọn ra thì ăn. 100% việc nhà, ba mẹ tau giành làm hết. Mỗi lần trong nhà trọ có tiệc tùng, kêu rửa rau là K không phân biệt được rau thơm và rau muống cái nào ăn sống cái nào phải luộc. Nhờ nấu canh thì nó đổ 1 nồi nước ngập tràn, nấu sôi cũng mất cả tiếng, xong phải đổ bỏ bớt hết 2/3. Làm cái gì cũng vụng về lúng túng, mê chơi game quên uống nước, có lần bị sạn thận vì làm biếng đi tiểu. Bóng đèn hư không biết sửa mặc dù học kỹ sư. Vì không mó tay vào chuyện gì nên làm chút là mỏi, lơ lơ, lén lén bỏ đi nếu phải làm chung cái gì. Bạn học cũng ngại rủ K vô học nhóm hay làm đề tài chung, vì K không có làm hoặc làm qua loa, ảnh hưởng thành tích nên ai cũng sợ, không cho vô nhóm.
Hậu quả của thói cậu ấm này là tính ngáo ngơ bất cẩn. Đi ra khỏi phòng là chưa bao giờ tắt điện tắt quạt hay đóng cửa. Mấy anh lớn tuổi trong phòng có la, nói phải tắt các thiết bị khi ra khỏi nhà chứ, một là tốn tiền điện, hai là cháy nổ bất cứ lúc nào xảy ra. K dạ rồi quên, cứ như tính bất cẩn có trong máu. Tony nhớ lời ông cậu dặn, sợ hãi, nên dọn đi chỗ khác. Đâu 1 tuần sau thì nhà trọ của nó cháy. K ủi đồ đi ăn tiệc với bạn gái. Ủi trên cái mền ( chăn), đang ủi nửa chừng thì điện cúp. K quên rút dây điện ra khỏi ổ cắm, để luôn trên cái mền rồi vọt đi cho kịp. Đâu tiếng sau, có điện lại. Nhà lúc đó khóa cửa đi vắng hết nên cháy bùng lên, rồi lan sang nhà bên cạnh. Nhà bên có 1 bà già chạy không kịp nên chết.
Ba mẹ K nghe tin, bay vô. Trách gia đình bà già quá trời. Nói có cháy thì phải chạy đi chứ ngồi trong đó chi cho chết. Rồi gia đình bà già có bãi nại sao đó, nên K mới thoát tội. Rùi ba mẹ nó vay mượn tùm lum mua cho cái nhà ở riêng để tránh phiền người khác. K tán tỉnh 1 cô bạn cùng trường, xấu hơn Thị Nở, nói chẳng thương yêu gì cái con này nhưng được cái biết hầu hạ tau nên tau giả bộ lúc nào cũng “rằng anh yêu em- ố ồ ồ ố ô”. Thế là con bé đó điên cuồng phục vụ, qua ở chung luôn, giặt đồ cơm bưng nước rót, hầu hạ tắm rửa K như nô lệ nô tì I-sâu-ra. Vừa ra trường thì K đuổi ra con bé này ra khỏi nhà luôn, kiếm con khác. K nói sao tau chả yêu ai mày ạ, coi phim buồn hay kịch buồn không bao giờ khóc. Không có lòng nhân ái, không biết vì sao phải thương người thương động vật yêu thiên nhiên cây cỏ
K mất 6 năm mới xong cái bằng kỹ sư, xin việc miết hẻm được. Ba mẹ K lúc đó về hưu nên hết tiền gửi vô. K đi làm bảo vệ cho một công ty, nhưng ngáp lên ngáp xuống. Rùi một bữa nói nhục, đòi nghỉ, vì thằng bạn cùng lớp giờ làm trưởng phòng, tao làm bảo vệ, không chịu được. Tony nói tại mày cả, lúc người ta học ngoại ngữ như điên, đọc sách như điên, giao lưu câu lạc bộ này câu lạc bộ kia, làm dự án khoa hạc này công trình nghiên cứu kia, tham dự hội thảo này hội thảo kia, chơi đá bóng bơi lội này nọ…thì mày lang thang quán cà phê, đánh bi-da, ôm truyện tranh hay chơi game. Ra trường, người ta tham dự phỏng vấn tập đoàn này tập đoàn nọ, tham gia hạc bổng này hạc bổng kia còn mày thì cứ chờ ba mẹ coi xin việc gửi gắm. Giờ trách gì ai. Cái nó nói mệt, kêu mẹ vô bán nhà về quê. Có cha mẹ hầu hạ cho sướng cho nhàn chứ ở đây mệt quá.
Rồi mấy năm sau, 1 lần đi Đà Nẵng, Tony ghé thăm. Ba mẹ K lúc đó già yếu nhưng vẫn đi xin việc cho nó. Cứ dắt đến chỗ này chỗ kia, K đứng ngoài, ông hoặc bà sẽ đi vô thương lượng về lương bổng, điều kiện làm việc. K lẽo đẽo theo như các bé mầm non. Mẹ K nói bác phải vào hỏi cho ra lẽ, chứ lỡ môi trường đó không phù hợp. Bác cũng không muốn ai nói nặng con bác. Nên tối về là ông bà vặn vẹo chuyện cơ quan, bắt nó kể lại hết chuyện gì xảy ra trong ngày. K kể lại rồi hôm sau ông bà sẽ đến nói chuyện phải quấy. Bác ghét cái kiểu đối xử với người làm như thế, không làm được thì bác lấy lương hưu nuôi nó, rau cháo qua ngày.
Bữa ghé thăm, mới hay nó còn 2 đứa em gái nữa, đều là tiểu thư lá ngọc cành vàng, trạc trạc 30 tuổi. Lúc Tony sang thì thấy ông cha đang dọn dẹp lau nhà, rửa xe máy, bà mẹ nấu ăn, còn 3 anh em nó thì đứa ngồi coi laptop, đưa chơi game trên di động, đứa đang dũa móng tay, chân gác lên tường. Rồi ông than bà thở, đấm lưng nói mỏi, cả ngày từ mờ mờ sáng đã phải giặt giũ quần áo, nấu cơm, rồi lau chùi dọn dẹp 3 cái phòng ngủ, 2 bác kiệt sức con ạ. Rút kinh nghiệm, em nó, bác không cho vô Sài Gòn, hạc ngoài ni cũng được. Hạc cho lắm rồi cũng thất nghiệp ngồi đó. Tại nền giáo dục nước mình nó kém quá. Cái mình nói cũng tuỳ thôi bác, cũng lò đào tạo như nó mà con xin việc dễ dàng khi mới ra trường, sau này mở doanh nghiệp nhà máy nè bác. Ông bà không chịu, vẫn đổ là mấy thầy cô dạy dở quá nên cháu K không giỏi được.
Sau đó, K có vợ. Lấy 1 cô kia lớn hơn K mấy tuổi, buôn bán bất động sản rất là giàu có. Cô này cả tuổi trẻ lo làm quá nên cứng tuổi quá rồi mới nhớ phải lấy chồng, bèn kiếm đại 1 XY về cho có người coi nhà coi cửa, có đàn ông trong nhà đêm hôm đỡ sợ. Hàng tháng, cô vợ đưa tiền cà phê nhậu nhẹt, hết tiền thì K ngửa tay xin. K đi làm hành chính văn thư ở công ty thủy sản quen biết với cô vợ, sáng vác ô đi tối vác về, lương không đủ tiền xăng. Vì không độc lập tài chính nên không độc lập được suy nghĩ, cô vợ bắt làm cái gì thì làm theo cái đó, cấm cãi, cãi thì cắt tiền. Nên K sống thân dây leo tầm gửi, còn cô vợ thành cây tùng cây bách. Ra đường gặp kẻ xấu đòi quánh thì nó chạy về méc vợ liền, cô vợ lao ra, gồng đôi tay lực sĩ đập phát bọn xấu chết tươi.
K là hậu quả 1 lối giáo dục không cho lao động chân tay, đặc biệt là các quý tử. Ở Việt Nam, tuyển lao động nữ dễ hơn lao động nam, từ lao động phổ thông đến lao động trí óc. Tony phỏng vấn 10 bạn nữ có thể nhận được 9 bạn vô làm, còn nam thì ngược lại, 10 đứa hết 5-6 đứa ngáo ngơ do cha mẹ không cho làm việc nhà, hình thành thói quen lười biếng và thụ động. Mọi thứ đều có người cung cấp sẵn nên hẻm phải suy nghĩ lo toan gì, vì ít động nên bề mặt não phẳng lì, không có nếp gấp, nói 3 câu thì hết 2 câu vô nghĩa. Toàn hỏi bây chừ em phải làm sao, làm sao và làm sao…
Tạm biệt K. và Đà Nẵng, trên máy bay bay về Sài Gòn, bèn cám cảnh mà làm thơ
“Em hãy là bờ vai vững chãi,
để anh nương tựa vào.
Em hãy là cây tùng cây bách,
để anh bò anh leo,
Anh như dây ti-gôn.
Cứ sáng sáng anh sẽ nở hoa cho em coi,
Nhưng xin đừng ngắt,
Tan nát đời hoa
Vì anh mỏng manh,
Vì anh yếu đuối….”

admin