Dại dại khôn khôn

Dại dại khôn khôn

1. Bậc đại trí, giỏi giang thông tuệ và được yêu mến nhất trong lịch sử của tộc người Việt từ cổ chí kim, trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
Trong khi dòng người vẫn ùn ùn đổ về chốn lao xao, thì vẫn có những con người đi ngược lại.
Trong khi 12/13 quán quân “đường lên đỉnh Olympia” chọn cách ở lại nước ngoài sau khi học xong, lại có một bạn trở về. Cá tính hơn, bạn không học ở ngôi trường cho học bổng mà tự tìm học bổng sang học ở một ngôi trường khác. Không rõ có gì liên quan không (về mặt tư tưởng) nhưng ngôi trường bạn học cấp ba là ngôi trường mang tên cụ Trạng Trình. Giống như bạn vô địch cuộc thi này năm nay, bạn nói rõ dự định tìm đường du học ở Mỹ thay vì đi Úc như học bổng. Nhưng cũng đừng vội trách các bạn ở lại, khi chính bản thân bạn lên thành phố học và bạn cũng đã chẳng về quê.
2. Giỏi, đẳng cấp, bản lĩnh luôn làm khác. Tinh hoa phải là vậy. Không đi theo lối trải hoa hồng mà tự mở đường đi.
3. Trong giới doanh nhân Việt Nam hiện nay, chú Nguyễn Thanh Mỹ là một bậc thầy được giới trẻ yêu mến nhất. Đơn giản là những gì chú đã làm được khi từ bỏ cuộc sống triệu đô ở Canada, trở về quê cũ xứ Trà Vinh xa xôi, tạo dựng một cơ ngơi đổi đời cho bao bạn trẻ. “Đại trí” là biến chốn nghèo khổ hoang vu thành nơi phồn vinh trù phú. “Đại dũng” là dám từ bỏ cái sướng của riêng bản thân mình mà lo cho bao người khác tốt đẹp hơn.
4. Hàng ngày vẫn các đô thị lớn, ta có thể thấy nhiều “cao nhân” với những phát ngôn có vẻ rất hay, rất trải đời, thực tế ở những nơi vắng vẻ mới có cao nhân thật sự. Có khi họ đang làm những việc không ai ngờ tới. Ad từng biết một bác lái xe taxi ở Đà Lạt từng học Harvard trong những năm 60, thành đạt giàu có ở Mỹ, giờ 80 tuổi nhưng vẫn dành 6 tháng về nước chạy lái xe taxi chỉ để trò chuyện với du khách cho vui.
5. Từ thời xưa, nhiều đại nhân như cụ Trạng Trình lên kinh đô vùng vẫy cho hết tài năng, được bao nhiêu là vinh hoa phú quý, nhưng sau khi về hưu, họ dám từ bỏ cái tiện lợi nơi phố thị, từ bỏ những biệt thự, biệt phủ, dinh thự chốn kinh kỳ,….để trở về ẩn dật thanh tịnh nơi núi cao hoặc trở về làng quê cũ, cuộc sống như lúc bắt đầu. Đó mới chính là bậc đại nhân đại trí đại dũng, người có trí tuệ tầm tầm khó mà đạt tới mức cảnh giới ấy. Theo cụ Trạng Trình, còn đeo bám ở “chốn lao xao”, là vẫn còn “khôn”.
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào,
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
Các bạn thử “dại” một lần với các chốn vắng vẻ như thế này nhé.

admin