Trăng sáng vườn chè ( bài 18+)
Làm thơ nói chung khá khó, theo quan điểm của Tony là khó hơn viết văn. Viết văn thì chỉ nắm được ngữ pháp và diễn đạt, sau đó cứ để mạnh cảm xúc trôi theo dòng chữ. Còn làm thơ phải có vần, có điệu, nói ít nghĩa nhiều. Nên thường nhà văn không có khả năng làm thơ và ngược lại. Tuy nhiên nhiều người có khả năng vừa viết thơ, vừa làm văn và cả hai đều giỏi (ví dụ Tony, ói tập 1).
Làm thơ đòi hỏi tư duy logic nên con của các nhà thơ được cho là thông minh hơn con của nhà văn ( không có kiểm chứng, Tony tự nghĩ). Một người chỉ huy ngoài IQ, chỉ số EQ cao giúp họ thành công trong đối nhân xử thế. Bạn hãy yêu thơ để có EQ cao.
Thơ Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng của thơ Trung Quốc, đặc biệt là thể loại 7 chữ 8 câu ( thất ngôn bát cú), hay 5 chữ.v.v..Có loại thuần Việt như song thất lục bát hay lục bát tức câu 6 câu 8 mà truyện Kiều là một kiệt tác. Luật thơ lục bát không khó, chỉ việc chữ thứ 6 của câu 8 phía dưới phải trùng vần với chữ thứ 6 của câu trên. Và chữ thứ 6 của câu tiếp theo phải vần với chữ thứ 8 của câu trước. Ví dụ dăm câu lục bát hồi Tony mới học làm thơ nhé ( lúc học lớp 6)
Lao xao em nhé lao xao
Lao xao mực tím với bao nụ cười
Lao xao trang sách mở rồi
Lao xao đồng lúa bầu trời mênh mông
Lao xao 1 chút nắng hồng….
Các vần phải gieo chính xác như ao, ông…và cũng có những vần đặc cách như cười, rồi, trời…cũng được xem là hợp lệ vì có thanh bằng ( bằng là dấu huyền và không dấu, các dấu khác là trắc). Ví dụ ” Cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa” thì chữ “trời” và chữ “vài” ở đây cũng được xem là hợp lệ, còn nếu chuẩn thì phải ” một vời bông hoa”.
Sau này thơ Pháp và thơ các nước khác du nhập vào, xuất hiện thơ tự do. Bằng trắc khá phóng khoáng, vần điệu nghe nó trơn tru là được.Tuy nhiên, dân mình vẫn thích thơ cổ điển hơn.
Gần đây, phong trào làm thơ diễn ra nô nức. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ. Dư ăn dư uống rồi. Thơ là thú vui tao nhã, sang trọng. Doanh nhân sau khi có chút tiền, kẻ ra tự truyện, kẻ viết sách, kẻ làm ca sĩ, kẻ làm thơ. Thơ của họ đọc lên nghe nhức nhối chuyện thu chi nợ nần mua bán sáp nhập. Rồi các bác hưu trí cũng bị lừa vào câu lạc bộ yêu thơ, phải đóng mấy chục triệu một bác để cùng nhau xuất bản, mà đọc lên na ná thơ của cụ Trãi cụ Du, nhưng xuyên suốt cuốn sách là chuyện đánh cờ, nuôi chim. Tội nghiệp các cụ, tiền hưu trí không dám ăn dám mặc, lâu lâu có 1 cậu ở Hà Nội xuống khua môi múa mép là các cụ móc ra hết để xuất bản. Mình thấy ngoài bìa ghi là “Tuyển tập thơ tổ hưu”, mình tưởng lỗi đánh máy rồi. Các cụ nói không, thơ của “tổ hưu trí” đấy.
Có lần Tony được tặng 1 tập thơ là sáng tác của các chị trong câu lạc bộ múa quạt dưỡng sinh huyện X. “Em đọc xem thử bọn chị viết có thua kém chị Hương, chị Quan không- (Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan-NV)”-chị hội trưởng bảo. Tony đọc thấy buồn cười, nhưng không dám nói, chỉ giả lả chắc tầm em chưa lĩnh hội được hết, để về em đọc kỹ lại. Mấy chị nói em không hiểu thì ai hiểu, bèn hùn tiền ép Tony vào nhà hàng ăn uống, nói sẽ phân tích để em thấy chất văn học trong đó. Ví dụ bài “Trăng sáng vườn chè”:
“Đêm nay trăng sáng vườn chè
Gặp thằng mất dạy nó đè chụy ra
Ban đầu chụy tưởng nó tha
Ai ngờ nó đút mả cha nó vào…”
Tony nghe xong thì lạnh sống lưng, mồ hôi tuôn ra như thác. Mấy chị nói, đó là tiếng kêu phản kháng của phụ nữ vùng trung du trước vấn nạn “5 dấu sắc”, mà dấu sắc “hiếp” là nhức nhối nhất. Hóa ra thơ thời đại nào cũng mang hơi thở của xã hội thời đại đó. Dù ý chưa thanh thoát lắm nhưng Tony khen các chị gieo vần thế là chuẩn, mấy chị sướng tê tái. Thế là nòng nợn được các chị gắp nia nịa vào bát của Tony.
À. Nói mới nhớ có lão bạn mình, làm doanh nhân doanh nhéo gì đó, có tiền nên suốt ngày chỉ quánh golf và làm thơ thôi. Nhưng khổ nỗi thơ của anh ấy gieo vần cứ tréo ngoe cẳng ngỗng, đọc lên nghe tức anh ách. Bạn nghe thử nhé, thơ lục bát miêu tả một người chị yêu dấu nào đó của lão:
” Chị ngồi dáng vẻ bồn chồn
Hỏi ra mới biết cái lưng chị đau”
Đưa cho anh nhà thơ Y gốc Quảng Nam để góp ý trước khi xuất bản, ổng nói “gieo vần chi mà lọa rứa bai. “Bồn chồn” mà lại vần với “cái lưng” được à?”
Lẽ nào không được?