Cô láng giềng ơi

Cô láng giềng ơi
1. Có một bạn trẻ nọ, tên A, năm ngoái làm hồ sơ đi du học Anh. Chưa làm xong mà đã kể khắp, ai ai cũng biết. Thế rồi bạn phỏng vấn visa trượt, sau đó thì phải giải đáp thắc mắc của cả trăm người, tốn thời gian vô cùng. Người thương thì lo lắng, người ghét thì hả hê, người quan tâm tò mò thì bu vô hỏi, không trả lời là giận là hờn…
2. Có cô ca sĩ B, cô vừa có thai là loan tin ầm ĩ trên báo giới. Post hình facebook chuyện thai chuyện nghén, chồng chăm sóc vợ ăn uống ra sao, toàn món ngon vật lạ. Rồi đám bạn ghét cũng nhiều, nên khi nghe cô động thai thì vui mừng bảo cho chừa, nói những lời ác độc cho cô. Lần sau cô có thai nữa, cô bí mật cho đến ngày sinh. Gặp Tony, cô nói, trước đây, em thật là dại dột khi chia sẻ chuyện cá nhân với mọi người. Lẽ ra, khi có thai, chỉ có 2 người em nên thông báo là chồng em và mẹ ruột em. Vì họ là người sẽ giúp em khi sinh. Còn những người KHÔNG THỂ GIÚP MÌNH, việc thông báo tin tức cho họ sẽ khiến mọi thứ rắc rối thêm. Với người không liên quan thì không việc gì phải báo cáo hay chia sẻ, đó là nguyên tắc về thông tin cá nhân, nhưng giờ bạn mới hiểu.
3. Rồi một bạn trẻ nữa tên C, sau 5 năm làm việc cho một công ty XNK thì quen một ông khách hàng người Nhật, ông Nhật đề nghị bạn nghỉ làm, ra mở một cơ sở sản xuất tăm xỉa răng nhỏ để xuất khẩu. Bạn lo đầu Việt Nam, ông Nhật lo tiếp thị ở bên kia. Bạn vốn là “con ngoan trò giỏi” từ bé nên xin nghỉ làm cũng xin phép gia đình, mở cơ sở làm ăn cũng xin phép. Cha đồng ý mẹ phản đối. Bà mẹ bắt tới gặp ông Nhật, rồi điều tra đời tư người ta, ông Nhật không chịu, nói làm ăn thì liên quan gì đưa giấy tờ kết hôn hình vợ con ông ấy bên Nhật cho coi. Rồi bà mẹ sợ nên làm ầm ĩ cả lên, hàng xóm láng giềng bạn bè ai ai cũng biết, bạn nhức đầu đòi chết đòi sống. Khi gặp Tony, bạn nói lần sau những chuyện cá nhân làm ăn như thế này, không cần phải thông báo với ai cả. Chuyện mình mình làm, làm ăn chỉ thông báo với người LÀM CHUNG, NGƯỜI GÓP VỐN. Bạn làm ăn là bạn làm ăn, tự nhiên dắt chồng vợ cha mẹ đi theo, thật là phiền. Họp lớp mà vợ chồng cũng kè kè đi theo, thật là khó chịu cho bạn học. Ra mở công ty mà chồng làm giám đốc, vợ làm kế toán hay làm chung, thì công ty đó thường khó phát triển rực rỡ. Vì tiền quản chặt quá, cơ hội dễ bị bỏ qua. Và người giỏi cũng ngại vô làm, tâm lý họ sợ gia đình trị, hay ra những quyết định cảm tính, tùy tiện vì “vợ thấy ngứa mắt, chồng đuổi con đó đi cho vợ”. Có bữa thì cả giám đốc và kế toán trưởng đều vắng mặt, không ai ký giấy tờ vì “nhà có đám giỗ”. Các doanh nhân lớn, không ai biết mặt vợ con của họ là ai, làm gì, ở đâu. Dù 1 đám “tò mò viên” suốt ngày vểnh tai lên nghe ngóng.
4. Bạn D, học xong cấp 3. Cha mẹ dưới quê thì có biết gì mà định hướng, thấy làm nông kiểu xưa cũ cực quá nên ước mơ cho con cái có được cái nghề gì “ngồi máy lạnh đếm tiền” cho sướng. Lúc bạn thi thì ngành ngân hàng còn hot, chi nhánh mở tùm lum, việc nhiều. Bốn năm sau, ngành ngân hàng gần như bão hoà, trong khi trường nào cũng đào tạo hàng nghìn bạn tốt nghiệp. Vật vạ mãi ở phố, bạn quyết định đăng ký một chương trình thực tập sinh nông nghiệp ở nước ngoài. Làm lương cũng khá, mức thù lao một ngày làm khoảng 60 đô la Mỹ, nhưng chủ yếu là lao động chân tay, chỉ có 1-2 ngày đi học/tuần. Nhưng bù lại bạn rất khoẻ mạnh, vui vẻ, thấy thú vị với 10 tháng thực tập này. Và cũng để dành được ít tiền. Lại có giấy chứng nhận đã đào tạo qua nông nghiệp công nghệ cao, dùng sau này mở farm hay làm gì đó cũng dễ dàng thuận lợi.
Nhưng gia đình bạn thì không. Nghe con trai báo, ba mẹ bạn để kể cho bà con chòm xóm láng giềng nghe ngay, rồi chỉ sau 1 ngày, cả huyện đều biết. Nói tưởng học giỏi vậy thì làm ông này bà kia, té ra đi xuất khẩu lao động. Có vô NASA Boeing gì đó còn tạm chấp nhận, đằng này đi làm nông nghiệp, hái cà chua trồng nấm, vắt sữa bò…xấu hổ chưa. Cha mẹ bạn ấy thì buồn vì khổ tâm, còn bạn ấy thì tâm tư mãi. Viết thư cho Tony, khóc sưng mắt.
Tony thấy thật buồn cười. Chữ sĩ được trọng quá mức trong văn hoá Khổng Giáo khiến ai cũng muốn ngồi đọc sách và chỉ tay năm ngón, bất chấp năng lực. Rồi hệ quy chiếu của mình xưa nay là hệ quy chiếu văn hoá làng xã, nên anh dư chị luận nào đó…dựa trên hiểu biết nhỏ nhoi của mình mà nhiệt tình đánh giá người khác. Trong làng, ai cũng biết người khác nên làm gì, phải sống thế nào…trừ bản thân họ. Hàng xóm láng giềng là ai? Tập hợp những con người đó với nhận thức có hạn, hiểu biết có hạn,…nên không việc gì phải sợ họ cả. Mỗi người trong số họ giỏi lắm biết 1000 người, quanh đi quẩn lại 1000 người đó biết nhau, chuyện cây chuối con gà thì rành chứ đông tây nam bắc có biết chi mô mà ý cò ý kiến? Ngoài kia thế giới có 7 tỷ người so với tập hợp 1000 người làng ta, có nhiều cái khác lạ lắm. Những cái thành công, thất bại của người trong làng, trí khôn và kinh nghiệm của người trong làng không giải quyết được, không thể hiểu được, không đem ra đánh giá được.
Lúc Nguyễn Trường Tộ đi sứ Pháp về, kể bên đó có đèn chúc đầu xuống, quan văn triều đình Huế cười như nắc nẻ. Rồi kể có xe đi hai bánh, không ai tin, nói hai bánh sao cân bằng, sao chạy được. Chửi anh Tộ là nói xạo nói điêu. Chiếc bóng đèn điện và chiếc xe đạp đã vượt qua mọi khả năng tưởng tượng của họ. Vô bộ lạc nào đó kể có cái ống sắt, bỏ mấy trăm người chạy đà trên đường băng rồi bay lên không trung cả chục cây số trên mây, rồi tới nơi gần đến thì giảm tốc độ và hạ xuống, thả người chui ra, 1000 km chỉ mất có 1h đồng hồ, thì khả năng bạn sẽ bị hoả thiêu vì hoang tưởng.
Kinh nghiệm của Tony cho thấy, KIẾN THỨC, KINH NGHIỆM THÌ TÍCH CỰC CHIA SẺ, CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT, CÒN CHUYỆN CÁ NHÂN, THÌ CHỈ CHIA SẺ CHO NGƯỜI CÓ THỂ GIÚP ĐỠ MÌNH. Mình dặn ba mẹ, thôi đừng chia sẻ chuyện riêng của con. Con làm gì ở đâu, ba mẹ biết là được. Thậm chí cũng không nên chia sẻ với bố mẹ, kẻo họ lo lắng và đi hỏi thăm chỗ này chỗ kia, cũng toàn bà Tư bà Bảy. Cứ qua hỏi ông Năm là con trai tui sắp đi Israel thực tập, thì ông Năm nói là đừng đi, bên đó đang bắn giết nhau ghê lắm, tui nghe loáng thoáng trên tivi về dải Gaza, bờ tây sông Jordan…. Ít ai biết là cả năm, lượng người chết vì xung đột ở Israel không bằng tai nạn giao thông do xe máy ở nước mình một ngày. Có bạn muốn đi đào tạo kỹ sư bên Nhật, kể cho mẹ nghe, xin phép mẹ thì bà mẹ liền cắp nón qua bà Bảy hỏi, vì bà Bảy hồi trẻ từng ở thành phố, từng bán cà phê cho một ông Nhật. Bà Bảy liền phán bên đó động đất ghê lắm, cho đi là mất con, tui lạ gì nước Nhật.
Chị Tuyết chị họ Tony có đứa con gái là bé Vy học khá giỏi, được học bổng đi Mỹ. Cái Vy về xã làm giấy tờ, anh văn thư xã ký giấy xong là ra quán cà phê bên chợ loan tin. Chị Hồng bán bún bò vừa gắp bún vừa vểnh tai nghe ngóng, thấy con Vy nhà chị Tuyết sắp đi Mỹ thì ngưng bán, nói khách ăn nhanh nhanh giùm, bữa nay nhà có chuyện. Chị rửa tay rồi chùi chùi vào quần, tất tả qua nhà chị Tuyết cản cho bằng được, đại ý là “bên Mỹ xả súng hàng loạt, anh chị đừng cho đi”, “tui có bà con bên đó, tui biết rành lắm”, “hàng xóm thân tình tui mới nói”, “mọi giá, anh chị phải cản lại, con của mình, mình cho hay không cho tụi nó phải nghe, không là đại bất hiếu”, “nó mà kiên quyết đi là chị từ nó cho em, con cái gì lạ vậy. Em hả, con em là em bóp mũi chết chứ ở đó mà dám trái ý cha ý mẹ, ý xóm ý làng, ý dòng ý họ”. “Em bỏ cả nồi bún bò cả triệu đồng qua đây chỉ để “chân tình góp ý” thôi đấy”.
Còn nhớ năm 2002, Tony đi Hồng Kông làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia trong 6 tháng, hồi đó còn thơ ngây, hay đem chuyện cá nhân ra kể cho bạn bè người thân nghe. Nghe kể xong, bạn bè ngồi nhậu nói đừng đi mày ơi, bên đó tụi xã hội đen đeo kính đen bắn người chéo chéo trên phố, ghê lắm. Tony chỉ cười, vì trong các bạn, Hồng Kông là thế giới của TVB với Châu Nhuận Phát, Lê Minh, Lưu Đức Hoa, Trương Mạn Ngọc…

admin