Dịch từ bản tiếng Anh: UNCOVERED: The Haunting ‘Human Zoo’ of Paris
Nằm ở góc xa nhất của khu rừng Vincennes ngoại ô Paris là phần còn lại của một khu triển lãm tổ chức hơn 100 năm trước để khoa trương thanh thế cho chế độ thực dân Pháp, những gì mà ngày nay người ta dùng cụm từ vườn thú nhân loại khi đề cập đến.
Năm 1907, sáu ngôi làng khác nhau được xây dựng trong Vườn nông học nhiệt đới (Jardin d’Agronomie Tropicale), đại diện cho các vùng thuộc địa của Pháp thời đó – Madagascar, Đông Dương, Sudan, Congo, Tunisia và Ma-rốc. Các ngôi làng và gian trưng bày được xây dựng nhằm tái hiện đời sống và văn hóa như môi trường sống nguyên gốc của nó. Điều này bao gồm mô phỏng kiến trúc, nhập các loại cây nông nghiệp và gây sốc nhất là việc đưa con người từ những vùng lãnh thổ xa xôi đến Paris sống trong những ngôi nhà sao chép.
Từ tháng Năm cho đến lúc kết thúc cuộc triển lãm vào tháng Mười năm 1907, những cư dân của cuộc “triển lãm” đã được hơn một triệu du khách tò mò quan sát. Uớc tính từ năm 1870 đến những năm 1930, hơn một tỷ rưỡi người đã thăm quan các cuộc triển lãm trên toàn thế giới mô tả đời sống cư dân loài người.
Năm 1906, bản sao một “nhà máy” Congo này được xây dựng ở Marseille như một phần của triển lãm thuộc địa. Các gia đình người Congo được đưa sang làm việc trong nhà máy. Đến tháng Hai năm 2004 hoả hoạn đã thiêu trụi phần còn lại của nhà máy này.
Ngày nay, Vườn nông học nhiệt đới được coi là một vết nhơ trong lịch sử của Pháp. Đằng sau những cánh cổng khoá hoen rỉ khép lại thế kỉ 20, các ngôi nhà bị bỏ hoang đang mục nát, những khu vườn với các loài kì hoa dị thảo đã biến mất từ lâu.
Từ năm 2006 công chúng được phép thăm quan các khu vườn nhưng rất ít người đến đây. Lối vào mở đầu bằng một cổng mái mang cảm hứng châu Á cao 10 feet bằng gỗ đang mục nát với mầu sơn đỏ nhờ nhờ đứng đó như hồn ma người gác cổng bị giết. Du khách ngay lập tức cảm nhận một cảm giác lo lắng khi bước vào và nhanh chóng hiểu ra đây không phải là nơi mà người Pháp có thể tự hào. Một trăm năm đã đi qua, vậy mà vẫn còn đây bóng dáng các quý bà cầm những chiếc ô che nắng, những quý ông đội những chiếc mũ quả dưa, họ đang đổ xô đến, nóng lòng xem buổi diễn ở phía bên kia của dãy cột đang đổ nát này.
Chỉ còn vài con đường còn rõ giữa thiên nhiên phủ lấp, chúng dẫn đến những khu di tích đã bị phá hoại, những ngôi nhà bị bỏ hoang treo biển nguy hiểm nơi các vật dụng bị bỏ lại chẳng đem lại cho bạn cảm xúc gì.
Lối vào một trong các ngôi nhà khu triển lãm của Indonesia
Khu triển lãm Maroc
Tôi lẻn qua hàng rào vào kiến trúc kỳ lạ ẩn ở phía sau công viên, đang có một hội thảo nơi các nhà khoa học và sinh viên đến nghiên cứu các loài cây nhiệt đới mang về từ các thuộc địa.
Vào thời kì thịnh vượng của đế quốc châu Âu hơn 35.000 đàn ông, đàn bà và trẻ em đã rời bỏ quê hương để tham gia vào “màn trình diễn hiếu kì” tổ chức tại những thành phố lớn như Paris, London và Berlin. Từ các vùng thuộc địa nhiều gia đình được tuyển dụng để đặt vào khung cảnh những ngôi làng sao chép, mặc những thứ trang phục truyền thống giả và được trả tiền để tham gia trình diễn trước khán giả. Cơ hội để phô trương sức mạnh của phương Tây trước thuộc địa của mình, những cuộc triển lãm này đã trở thành một phần thường thấy trong các hội chợ thương mại quốc tế, kích thích máu phiêu lưu tìm kiếm cái lạ và du lịch đến những vùng đất xa xôi.
Dân châu Âu trố mắt nhìn những phụ nữ ngực trần châu Phi, thích thú với cách tái hiện “cuộc sống nguyên thủy” ở các thuộc địa. Ở đây, các nhà nhân chủng học và các nhà nghiên cứu có thể quan sát toàn bộ ngôi làng của bộ lạc và thu thập những chứng cứ cho lý thuyết của họ về sự ưu việt về chủng tộc.
Gian triển lãm của Tunisia.
Tuy đến Paris theo nguyện vọng của chính mình và được trả tiền để đem ra trưng bày, nhưng những người dân làng cũng từng đó bị áp bức, bị bóc lột và bị hạ nhục. Sự khác biệt giữa con người và vật trưng bầy đã bị xoá mờ. Họ không phải là khách ở đây. Họ là những khuôn mặt không tên ở phía bên kia của hàng rào.
Tháng Mười năm 1907, khi cuộc triển lãm kết thúc bốn tháng mở cửa, không ai biết bao nhiêu người tham gia đã trở về nhà an toàn. Những người dân làng bị các đại lý xấu lôi cuốn hoặc thậm chí bị các trưởng thôn của họ đánh lừa dẫn dắt tham gia vào các gánh xiếc đi lưu diễn quốc tế. Từ Marseille đến New York, tình trạng dễ tổn thương của họ trong thế giới tư bản đã được khai thác trên mỗi bước đi của con đường.
Cuối cùng một số cũng tìm đường về nhà sau một vài năm, nhưng một số khác không bao giờ làm được điều đó. Nếu không trở thành nạn nhân của những căn bệnh xa lạ như bệnh đậu mùa, bệnh sởi, bệnh lao; thì họ cũng chết vì nghịch cảnh trong một thế giới xa lạ.
Có tin đồn một tòa nhà, khu triển lãm Đông Dương, sẽ được tân trang để hoạt động như một bảo tàng và trung tâm nghiên cứu. Nó có thể là một giải pháp thông minh cho một chủ đề nhạy cảm. Nếu chính phủ Pháp phá hủy khu vườn, sẽ có những cáo buộc về việc cố gắng che đậy quá khứ. Còn nếu khôi phục chúng, đó có thể lại được hiểu như sự tưởng nhớ đến sức mạnh cực kì nham hiểm một thời của nước Pháp.
Và vì vậy khu vườn vẫn còn, đẹp đến ám ảnh; như một sự bối rối bị bỏ quên.
Những người làm vườn từ lâu đã không đến đây. Hoang vu phủ đầy cỏ dại, các loài cây nhiệt đới chưa được thuần dưỡng đến từ những vùng đất xa xôi vẫn còn lay lắt trên cái bãi phế liệu của lịch sử thuộc địa Pháp. Chúng như những bóng ma của luyện ngục này, vẫn chờ đợi chiếc vé quay trở về nhà.