Ải Nam Quan trong hiện tại (1)

Ải Nam Quan trong hiện tại (1)
Bài viết của Mai Thái Lĩnh

Photobucket

Bài viết này là phần thứ hai của một tiểu luận mà phần đầu là bài viết “Ải Nam Quan trong lịch sử” (đã được công bố trên các trang mạng talawas và Bauxite Việt Nam vào đầu tháng 8 năm 2009). Thế nhưng, khi bước vào tìm hiểu tình hình của khu vực ải Nam Quan hiện nay, bất cứ ai cũng gặp phải khó khăn trong việc sưu tầm tư liệu. Đề tài này cho đến nay vẫn còn thuộc lĩnh vực “bí mật Nhà nước”, các cấp có thẩm quyền của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều tìm cách bưng bít, che giấu sự thật. Điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến tính chất khách quan, khoa học của quá trình nghiên cứu. 

Vì thế chỉ có thể coi đây là một nỗ lực khiêm tốn nhằm phá thủng bức màn sương khói đã phủ lên khu vực này từ hơn nửa thế kỷ nay. Trên con đường tìm ra “sự thật về ải Nam Quan”, có lẽ cần có sự đóng góp nhiều hơn nữa của những người Việt Nam yêu nước. Tác giả hy vọng sẽ có sự tiếp tay của những người cộng sản yêu nước – nhất là những người nắm trong tay những bằng chứng xác thực, không thể chối cãi nhưng cho đến nay, vì những lý do nào đó, vẫn chưa thể hoặc chưa dám nói lên toàn bộ sự thật.

________________

Vào cuối thế kỷ 19, do Việt Nam bị mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp, cuộc thương lượng để phân định đường biên giới đã diễn ra không phải giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh mà là giữa chính phủ Pháp với nhà Thanh. Do hoàn cảnh chính trị của thời đó, các văn kiện ký kết về biên giới không phải là một hiệp ước bất bình đẳng gây bất lợi cho nhà Thanh như phía Trung Quốc thường rêu rao mà trong thực tế, đã gây thiệt hại cho phía Việt Nam. Mãi đến hơn mười năm sau, nghĩa là sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895), Trung Quốc mới chịu thiệt thòi gây ra bởi sức ép của Nhật Bản và các cường quốc phương Tây. Không thể đánh đồng Hiệp ước Thiên Tân năm 1885 với các hiệp ước bất bình đẳng sau này.
Sau khi Hiệp ước Thiên Tân được ký kết (9.6.1885), một ủy ban phân định biên giới được thành lập, bao gồm các thành viên được chỉ định của hai bên Pháp và Trung Hoa. Việc phân định ranh giới đã diễn ra từ cuối năm 1885 cho đến giữa năm 1887. Ngày 26.6.1887, một văn kiện xác định đường biên giới mới được ký kết tại Bắc Kinh giữa chính phủ Pháp và nhà Thanh, có tên gọi là Công ước về việc phân định đường biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ (Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin). Đến năm 1895, hai bên ký thêm một Công ước bổ sung (Convention additionnelle) nói riêng về đoạn biên giới giữa Bắc Kỳ và tỉnh Vân Nam. Cả hai công ước này là những văn bản pháp lý chính thức xác định đường biên giới Việt-Trung mãi cho đến cuối thế kỷ 20.
Như tôi đã trình bày trong bài viết trước đây, tại khu vực ải Nam Quan, đường biên giới đã bị đẩy lùi về phía nam, làm cho Việt Nam mất đi 100 m ngay trước cửa ải Nam Quan. Nhưng sự thiệt hại này là không đáng kể, vì về phía lãnh thổ Việt Nam, người Pháp vẫn còn giữ được các điểm cao khống chế ải Nam Quan. Mặt khác, nhìn vào các tấm ảnh chụp vào đầu thế kỷ 20 (ảnh 1), chúng ta thấy khoảng cách giữa cổng nhỏ (của Việt Nam) và cổng lớn (của Trung Quốc) rất ngắn, từ bờ tường thứ nhất có thể nhìn thấy bờ tường thứ hai bằng mắt thường một cách dễ dàng.

Ai Nam Quan (20)

Ảnh 1: Ải Nam Quan đầu thế kỷ 20

Câu hỏi đặt ra là: hơn 100 năm sau, liệu đường biên giới pháp lý được ấn định bởi Công ước Pháp-Thanh có được giữ vững hay không?
I) MẤT ĐẤT TẠI ẢI NAM QUAN – TỪ TIN ĐỒN ĐẾN SỰ THẬT:  
Vào khoảng đầu năm 2001, dư luận về việc “mất đất tại ải Nam Quan” đã bùng lên từ trong nước ra đến hải ngoại. Cuộc tranh luận đó đã không thể đem đến kết quả rõ ràng, bởi lẽ do thông tin bị bưng bít, cả phía bênh vực lẫn phía chống đối đều không có được những tài liệu khách quan. Trong khi đó, Đảng và Chính phủ của Việt Nam vẫn một mực khẳng định “không có chuyện mất đất”, rằng dư luận về việc mất đất chỉ là tin đồn vô căn cứ do luận điệu xuyên tạc, có ác ý của những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước hoặc những người phần tử phản động tại hải ngoại.
Giờ đây, nhìn lại sự việc một cách khách quan, cần phải thừa nhận rằng dư luận về việc “mất đất” tại khu vực này, bất luận nảy sinh từ đâu, đều dựa trên một thực tế: có sự thay đổi về đường biên giới ngay trước mặt Hữu Nghị Quan. Kể từ khi đường biên giới tại khu vực này được thông thương, rất nhiều người đặt chân đến nơi đây đã nhìn thấy một sự thật: đứng từ vị trí của cột mốc số 0, người ta không thể nhìn thấy Hữu Nghị Quan bằng mắt thường như trước nữa; nói cách khác là đường biên giới đã bị đẩy lùi về phía Việt Nam.
1. Những thay đổi diễn ra tại Hữu Nghị Quan: 
Đầu năm 2002, khi cuộc tranh luận về ải Nam Quan bắt đầu diễn ra gay gắt, một thanh niên ở Hà Nội đã đến thăm cửa khẩu Hữu Nghị và sau đó gửi bài lên Internet để tường thuật lại cuộc viếng thăm đó, kèm theo một số hình ảnh. Trên trang mạng Giao điểm, một tác giả có bút danh là Bàn Tân Định đứng trên lập trường bênh vực Đảng Cộng sản Việt Nam đã sốt sắng giới thiệu bài viết này cùng một số hình ảnh kèm theo để bác bỏ nguồn tin “Việt Nam mất ải Nam Quan”. Bản thân chàng thanh niên đó cũng hoàn toàn tin tưởng rằng “ải Nam Quan” vẫn còn đó, và đường biên giới không hề thay đổi. Thế nhưng chính lời tường thuật và những tấm ảnh đăng kèm lại trở thành bằng chứng cho thấy đường biên giới bị đẩy lùi về phía nam, vào trong lãnh thổ của Việt Nam[1].
Dựa vào lời kể của chàng thanh niên có bút danh là Văn Khoa đó, chúng ta được biết tại đường biên giới giữa hai nước có một “cột mốc số 0”, phía sau là một cây si mà theo truyền thuyết là do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trồng vào năm 1965 (ảnh 2).

tuan-1.JPG (21611 bytes)

Ảnh 2: “Cột mốc số 0” và cây si (2002)

tuan-2.JPG (151509 bytes)

Ảnh 3: Trạm xuất nhập cảnh của Trung Quốc (2002)

Điều đáng nói là đứng từ vị trí của “cột mốc số 0” (thật ra là “cột Km số 0”), người ta không thể nhìn thấy Hữu Nghị Quan mà chỉ có thể nhìn thấy thấp thoáng “tòa nhà mái tròn”, tức Trạm xuất nhập cảnh của phía Trung Quốc (ảnh 3). Phải đứng từ chỗ tòa nhà mái tròn này, chúng ta mới có thể nhìn thấy được Hữu Nghị Quan (ảnh 4). Như vậy, ta có thể ước lượng khoảng cách từ vị trí của cột Km số 0 đến Hữu Nghị Quan tối thiểu phải là 200m – tính theo đường chim bay[2].

tuan-3.JPG (175137 bytes)

Ảnh 4: Hữu Nghị Quan nhìn từ cửa trước của Tòa nhà mái tròn (2002)

Cuộc tranh luận trên Internet đã diễn ra hết sức gay gắt, kẻ bênh người chống. Chính trong quá trình tranh luận mà một tác giả người Việt ở hải ngoại (Trương Nhân Tuấn) đã gắng công tìm kiếm tư liệu và chứng minh được rằng theo Hiệp ước Pháp-Thanh, khoảng cách đó (giữa ải Nam Quan và đường biên giới) chỉ có thể là 100m, nếu xa hơn thì điều đó có nghĩa là ta đã mất thêm đất đai ở khu vực này.

Photobucket

Ảnh 5: “Cột mốc số 0” và di tích của “cây si” (2005)

Có lẽ để đối phó với dư luận, từ năm 2005, phía Trung Quốc đã làm một cuộc đại trùng tu nhằm làm biến dạng hoàn toàn bộ mặt của Hữu Nghị Quan. Trước hết, họ đốn bỏ “cây si Phạm Văn Đồng”, để lại cột Km số 0 cùng với gốc cây si trơ trụi bên vệ đường. Đáng chú ý là trong tấm ảnh này (ảnh 5), cột Km số 0 là một cột mốc hoàn toàn khác. Trên cột mốc mới, dòng chữ “HN – Quan” được thay bằng dòng chữ “Hữu Nghị”. Mặt khác, nhằm tạo cho người ta có “cảm tưởng” là đứng từ cột mốc này vẫn có thể nhìn thấy cửa quan, từ năm 2006, phía Trung Quốc đã phá hủy hoàn toàn tòa nhà mái tròn để xây lại một trạm kiểm soát xuất nhập cảnh mới, đồng thời mở rộng toàn bộ khu vực từ cột Km số 0 đến Hữu Nghị Quan, làm thành một quảng trường rộng lớn (ảnh 6)

Photobucket

Ảnh 6: Khu vực Hữu Nghị Quan đang được trùng tu (tháng 5 – 2006)

Photobucket

Ảnh 7: Đường hành lang dẫn đến trạm xuất nhập cảnh mới

Để tạo ra vẻ hoành tráng và hiện đại cho khu vực Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc còn xây một hành lang dẫn từ biên giới mới đến trạm xuất nhập cảnh (ảnh 7). Mặc dù vậy, cái ảo giác gần gũi với Hữu Nghị Quan cũng không thể che giấu được sự thật: đứng từ cột Km số 0, người ta không thể nhìn rõ Hữu Nghị Quan. Bằng con mắt thường, ta có thể ước lượng khoảng cách đó phải từ 200 đến 300m, lấy mức tối thiểu, khoảng cách đó phải là hơn 200m (xem ảnh 8). Và như vậy có nghĩa là trước mặt Hữu Nghị Quan, đường biên giới đã bị đẩy lùi ít nhất là 100m về phía nước ta.

Ảnh 8: Quảng trường trước Hữu Nghị Quan nhìn từ phía Trung Quốc

(Còn tiếp)

Mai Thái Lĩnh

————

[1]Bàn Tân Định, “Bàn về biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Vấn đề dữ kiện”, Giao điểm 2002: http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/biengioi_one.htm
[2] Các ảnh chụp được công bố qua bài “Hình ảnh chụp ở Ải Nam Quan giữa tháng Hai năm 2002”, Giao điểm 2002: http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/biengioi_pic.htm

admin