Chùa Từ Hiếu – Nơi bình yên mãi mãi

Chùa Từ Hiếu – Nơi bình yên mãi mãi

Từ Hiếu là một ngôi chùa cổ nhất ở Huế, nằm cách Kinh thành khoảng 5 km về phía Tây Nam. Chùa Từ Hiếu, còn có tên gọi là chùa “Thái giám” (Pagode des Eunuques). Nơi đây có một nghĩa trang của những con người sinh ra và mất đi, không mang dấu ấn của giới tính và tuổi tác…
Nơi bình yên mãi mãi
Mặc cho mưa nắng, dòng suối đào vẫn lặng lẽ, lượn qua những đồi thông, chảy vòng quanh chùa, rồi chậm rãi trôi xa. Nương náu dưới bóng thông già bên suối, có 25 ngôi mộ cổ còn nguyên vẹn, nằm thành 3 hàng được sắp xếp theo chức vụ của các quan thái giám xưa kia. Khu nghĩa địa này được dựng lên vào năm Thành Thái thứ 5 (1893).
Tiền thân của chùa Thái Giám – Huế ( 1848) là Thảo Am an dưỡng, được mở rộng và xây dựng nhờ vào sự ủng hộ tài chính khá lớn của một thái giám tên là Châu Phước Năng. Ông này vận động được cả Dục Tông Anh Hoàng đế (Tự Đức) và Hoàng Thái hậu Từ Dũ, cùng nhiều đại thần trong triều góp tiền của. Bên trái chùa có nghĩa địa thái giám, rộng đến 1.000 m2. Khi mất trên mộ của mỗi thái giám đều có một tấm bia, do ông Cao Xuân Dục soạn “Sống hay chết, ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”.
Lúc còn sống, dưới thời phong kiến, đã có rất nhiều người mơ ước địa vị của họ vì có chức tước bổng lộc, không phải lao động vất vả mà vẫn sống no đủ tới già. Mặc dù vẫn được hưởng vinh hoa, phú quý, nhưng để phân biệt với tầng lớp quan lại khác, họ được cấp một loại trang phục riêng bằng lụa xanh, dệt hoa trước ngực, đội mũ cứng hoặc khăn đóng. Đến lúc già yếu, họ vẫn bị triều đình phân biệt đối xử. Cung Giám viện ở góc đường Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm ngày nay, là nơi họ phải ra đó nghỉ dưỡng, để khi qua đời hồn ma của họ không còn ở trong Hoàng Thành (theo luật của triều Nguyễn).
Đối với hoạn quan thì bộ phận đã bị cắt rời của cơ thể là một vật cực kì quan trọng, được xử lí bằng những kĩ thuật riêng rồi đem đặt vào trong một chiếc bình có hương liệu và niêm phong lại. Mỗi khi được thăng quan tiến chức, họ phải trình chiếc bình đó cho một ban kiểm tra. Khi già yếu, trở về Cung Giám viện, họ được mang theo chiếc bình ấy để lúc chết được đặt vào trong quan tài, bên cạnh chủ nhân. Bằng không, Diêm vương sẽ biến kẻ bị thiếu “của quý” thành… con lừa, chứ không được đầu thai làm người.
Thân phận nô tài
Chấp hành quy tắc “tứ bất” của Gia Long, vua Minh Mạng đã ban bố một tờ dụ khắc vào bia Văn Miếu – Huế quy định rõ các Thái giám tuyệt đối không được tham gia triều chính, không được xếp vào hàng quan lại. Tuy nhiên, để đãi ngộ cho công lao tận tụy phục vụ nội cung, những thái giám thuộc 4 đẳng trật cao nhất (Quảng vụ, Điển sự, Kiểm sự và Phụng nghi) có thể xin chức Nhiêu Phụ (cho cha) hoặc Miễn Nhiêu (cho em, cháu) để những người ấy được miễn thuế suốt đời. Thời Nguyễn, đội ngũ thái giám được chia thành 5 đẳng trật : Thủ đẳng, Thứ đẳng, Trung đẳng, Á đẳng và Hạ đẳng. Mỗi đẳng trật lại chia thành hai cấp với bổng lộc hằng tháng từ 24 quan tiền, 24 bát gạo đến 72 quan tiền và 48 bát gạo. Đến đời vua Thành Thái năm thứ hai (1890), chế độ trả lương bằng gạo bị xoá bỏ, thay bằng tiền với 7 mức, từ 180 đồng đến 540 đồng/năm.
Cùng là thái giám, nhưng vẫn phân biệt hai loại: giám sinh và giám lặt. Giám lặt là những người bình thường, tự nguyện bị thiến để được vào cung làm thái giám. Giám sinh được tôn trọng hơn, theo luật triều Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 16 (1836), khi có giám sinh chào đời, cha mẹ đứa trẻ phải báo ngay cho viên chức làng, xã để lập danh sách báo lên cho Bộ Lễ. Khi đứa trẻ lên 10 được đưa vào cung dạy dỗ lễ nghi, kiến thức, cách xử sự… trong hoàng cung, khi lớn lên thì tuyển vào đội quân thái giám. Làng nào giấu giếm “giám sinh” sẽ bị phạt rất nặng. Để khuyến khích sự phát hiện giám sinh trên cả nước, làng nào có giám sinh nghiễm nhiên sẽ được miễn thuế 3 năm, do đó những đứa trẻ sinh ra bị khiếm khuyết không những không bị coi thường, mà còn được dân làng gọi là “ông Bộ”.
Thật ra đội ngũ thái giám thời Nguyễn không nhiều chỉ khoảng 200 người. Đến năm 1914, việc tuyển chọn thái giám thực sự chấm dứt, chỉ còn 9 vị được lưu lại trong cung. Theo cụ Phạm Khắc Hoè, đến tháng 8-1945 các Thái giám cuối cùng mới rời khỏi hoàng cung Huế.
Hiện nay, trong chùa Từ Hiếu, ở hậu điện bên phải gọi là Quảng Hiếu Đường, đang là nơi thờ tự các Thái giám. Đặc biệt, còn có một án thờ tả quân Lê Văn Duyệt, bởi chính Lê Văn Duyệt cũng là một thái giám.
Trên hành trình du lịch “tâm linh” đến Huế, đây sẽ là một địa chỉ độc đáo không thể bỏ qua
Vũ Hào (Báo Người cao tuổi)


Chua Tu Hieu (1)

Cổng chùa Từ Hiếu nhìn từ phía trong

Chua Tu Hieu (5)

Ban thờ chính trong chùa Từ Hiếu

Chua Tu Hieu (3)

Lầu bia bên chính điện

Chua Tu Hieu

Khu mộ các sư trong khuôn viên chùa

Chua Tu Hieu (2)

Nghĩa trang thái giám

Chùa Từ Hiếu Ngày Mưa của Tim Vo trên Flickr.com

Hồ Bán nguyệt phía sau Tam quan chùa

Giếng cổ

Chính điện

Trầm mặc trong mưa

Lầu bia hai bên chính điện ghi lịch sử xây dựng chùa

Trầu không

vấn vít

Bàn đá nghỉ chân

Xung quanh chùa Từ Hiếu có khá nhiều lăng mộ các vị phi tần của các chúa Nguyễn

Trong vườn tháp có tháp mộ của nhiều danh tăng …

Một tháp mộ

Cổng bên trái vào nghĩa địa thái giám. Bên trong là 25 ngôi mộ trong đó có 2 ngôi mộ chờ để dành sẵn cho 2 hoạn quan vào thời điểm đó.

“Trong khi sống chúng tôi sẽ tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến đây lánh mình và sau khi chết chúng tôi được an táng cùng nhau. Sống hay chết, ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh” – Cổng chính giữa là một ngôi miếu có tấm bia đá được dựng từ năm 1901 với lời khắc do Cao Xuân Dục soạn hết sức cảm động.

Toàn cảnh Tam quan nghĩa địa thái giám

Rêu phong

Ba ngôi mộ thái giám cổ nằm bên cạnh nghĩa trang thái giám


admin