Huế Xưa – Chùa Báo Quốc

Huế Xưa – Chùa Báo Quốc

Tọa lạc ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1747, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Báo Quốc Tự" có ghi dòng chữ: "Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề".

Chùa được xây dựng theo kiểu chữ "Khẩu-口” trên đồi Ham Long rộng khoảng 2 hecta. Qua khỏi cổng tam quan cổ kính là một khoản sân đất có hai hàng cổ nhãn uy nghi tiếp đến là khoảng sân trên trồng nhiều cây tùng có lan can bao bọc.

Chánh điện chùa ẩn sau tán cây ngọc lan trầm mặc và hiền hoà. Trong chùa thờ tự rất trang nghiêm. Chính giữa trên cao tôn trí bộ tượng Tam thế Phật rất xưa, hậu liêu thờ tổ tôn trí bình tro cốt của Tổ Giác Phong mà được biết vào năm 1958 khi khai tháp Tổ Giác Phong để quy vào Niết Bàn Đại Tháp chư Tăng ở Huế đã gặp được bình tro thờ ở tầng trên Tháp. Bình tro từ đó được cung thỉnh vào bàn thờ ở bàn thờ Tổ cho đến nay.

Vào thời Tây Sơn, chùa đã bị chiếm đóng và trưng dụng làm kho chứa diêm tiêu. Sau đó vào năm 1808, Hoàng Hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung, bảo khánh và đổi tên là chùa Hàm Long Thiên Thọ tự và mời thiền sư Phổ Tịnh làm trụ trì.

Năm 1824, vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc tứ tên "Báo Quốc Tự". Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ Vạn thọ tứ tuần đại khánh vào năm 1830. Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, vua Tự Đức và Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác.

Photobucket

Photobucket

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 1930, chùa đã có
nhiều đóng góp về mặt đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Năm 1935, trường
Sơ đẳng Phật giáo được mở tại chùa. Đến năm 1940, trường Cao đẳng Phật
giáo cũng lại được mở tại đây. Năm 1957, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và
Ban Quản trị chùa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Hòa thượng Thích
Trí Thủ, vừa là Giám đốc Phật học đường, vừa là trụ trì chùa, đã có
những đóng góp to lớn cho Phật giáo nói chung và cho việc tái thiết ngôi
tổ đình trang nghiêm với những nét kiến trúc cổ kính nói riêng.

Từ
năm 1959 đến trước 1975 trường trung tiểu học tư thục Bồ Đề Hàm Long ra
đời, đây là một ngôi trường đã lưu dấu nhiều kỷ niệm đẹp của bao thế hệ
học trò là Tăng, Ni và Phật tử Huế. Ngày nay, tên trường Hàm Long chỉ
còn là một tấm bản rêu phong ngay ngã ba Điện Biên Phủ-Báo Quốc, là dấu
tích một thời cũng là kỷ niệm ngọt ngào như nước giếng Hàm Long.

Giếng
Hàm Long (tên chữ là Hàm Long Tĩnh), theo bia “Hàm Long Tỉnh” thì Giếng
Hàm Long nằm ngay dưới chân đồi Hàm Long xuất hiện cùng thời với Hoà
thượng Giác Phong khai sơn (khoảng năm 1674). Giếng có một mạch nước
theo lỗ đá phun ra như vòi rồng, có nước trong, thơm và ngọt. Nước giếng
này sau đó được tiến dâng lên các Chúa, còn người dân thì tuyệt đối
không được phép dùng, từ đó nó trở thành một giếng thiêng, giếng cấm:
cho nên mới có câu ca dao:

Nước giếng Hàm Long đã trong lại ngọt;

Em thương anh rầy có Bụt chứng tri

Hoặc là:

Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,

Diêm tiêu nào ngăn được nước trong.

Theo Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán

admin