Thương bạc nghĩa đen là đậu thuyền để thương thuyết, là cơ quan liên lạc
việc buôn bán với nước ngoài, trên thực tế nó chỉ là nơi tiếp xúc, bàn bạc giữa đại diện của hai nước Pháp – Việt. Cung quán có từ
thời vua Gia Long không những được dùng để tiếp đón các sứ thần
các nước ngoài như Xiêm, Chân Lạp, Lào mà còn dùng để đón tiếp các tiểu
vương của các dân tộc ít người ở Việt Nam.
Dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho xây dựng Cung Quán còn gọi là Công
Quán tại phía Đông – Bắc kinh thành Huế, ở bên trong cửa Đông Bắc (cửa
Kẻ Trài), trước mặt đồn Mang Cá là trụ sở để đón tiếp các sứ thần nước
ngoài. Năm Tự Đức 28 (1875), do không muốn đón tiếp các sứ giả ngoại
quốc trong khu vực Kinh Thành nên vua Tự Đức cho làm Thương Bạc Viện tại
vị trí mới, bên ngoài của Thượng Tứ (cửa Đông Nam), bao gồm nhiều công
trình để tiếp đón các sứ thần và là nơi làm việc hàng ngày của các quan
lo việc ngoại giao, đồng thời cũng để tiện việc đối phó với các đại diện
của toà Khâm sứ Pháp.Ngày 6 tháng 6 năm 1884, trên một chiếc tàu đậu giữa sông Hương, trước
tòa Thương Bạc, đại diện nhà Nguyễn là các đại thần: Nguyễn Văn Tường,
Phạm Thuận Duật, Tôn Thất Phan; đại diện Pháp là Đại sứ Patenôtre đã ký
kết Hòa ước Patenôtre, còn gọi là Hòa ước Giáp Thân. Đây là hòa ước cuối
cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp để công nhận sự đầu hàng của mình.Sau ngày kinh đô Huế thất thủ (5 tháng 7 năm 1885), tướng Tôn Thất
Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), tòa Thương Bạc không
còn được dùng làm nơi đón tiếp các sứ giả nước ngoài nữa, mà lần lượt
làm bản doanh của quân đội Pháp, tiếp đến làm phủ của các đại thần, làm
trường Hậu Bổ, trường Uyên Bác và cuối cùng làm Viện Cổ học, trước khi
nó bị bỏ hoang rồi sụp đổ dưới triều vua Bảo Đại.Năm 1936, vua Bảo Đại cho phát hoang và dựng lên đó một tiểu đình, cách
vị trí Thương Bạc Viện cũ khoảng 100m để ghi nhớ di tích ấy. Công trình
này được xây bằng vật liệu mới như xi măng, sắt thép; mặt nền hình bát
giác, mái chia 2 tầng lợp ngói lưu ly, cấu trúc thanh nhã, hài hòa với
cảnh vật xung quanh.