Cải số được không?

Cải số được không?
Từ 16-19 tháng 11, ở hội chợ Foodexpo tại SECC, số 799 Nguyễn Văn Linh, Q7, Tp HCM, có một nhóm khởi nghiệp trong CLB con dượng đến trưng bày sản phẩm. Các bạn có thể đến để học tập mô hình, dùng thử sản phầm, xem cơ hội hợp tác. Ví dụ như chị Trang đã xây dựng nhà máy nước ép Thanh Long ở Phan Thiết, với dây chuyền thiết bị đầy đủ ISO cả rồi, thì mình có thể liên hệ để chị gia công cho, ví dụ nước dừa tươi, nước tỏi đen, hay cái gì đó, thương hiệu riêng của mình. Thay vì tự xây nhà máy, mình có thể liên hệ với chị để tận dụng hết máy móc thiết bị. Hoặc mình có thể nhận làm phân phối, nếu giỏi về thương mại.
Mai và mốt, chỉ các bạn có card visit mới được vào cổng. Còn 2 ngày sau đó thì mở cửa tự do cho khách tham quan. Các bạn sắp xếp tham dự nhé.
Mời các bạn cùng đọc lại bài viết tâm sự của chị Trang 2 năm trước. Biết đâu bạn sẽ tìm được hướng đi của mình từ những dòng chữ giản dị dưới dây.
Số phận đã bắt chị làm công nhân. Nhưng chị không muốn, và thế là chị đã trở thành một nữ doanh nhân. Các bạn hãy tin vào điều này: người ta hoàn toàn có thể cải số (hoán cải số phận) bằng ý chí. Bạn có thể đã đọc rồi, nhưng nên đọc lại. Vì có những câu chuyện, ta không thể đọc chỉ 1 lần.
—————————————————
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận. Những năm đầu thập niên 90, khi tốt nghiệp lớp 9, gia đình khó khăn quá nên tôi bỏ học, vô Sài Gòn làm công nhân may tại xí nghiệp giầy dép Bitis. Hàng tháng tôi lãnh lương khoảng 500,000 đ, trừ tiền nhà và tiền ăn, còn lại tôi sắm 5 phân vàng gửi về phụ giúp cha mẹ. Công việc bên chiếc máy may cứ thế cuốn tôi vào, những đêm tôi ngủ gà gật bị kim đâm chảy máu. Tôi nhìn các bạn trang lứa mặc áo dài trắng đạp xe trên phố, bao lần tôi tủi thân khóc cho số phận mình.
Sau khi chị gái lập gia đình, anh rể đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều về vật chất. Vì ham học, tôi kiên quyết về quê tiếp tục học cấp 3. Tôi trở lại Sài Gòn để theo học đại học tại chức, vì không thi đỗ chính quy. Tôi xin việc phục vụ buffet hoặc bán hàng, tiếp thị trên phố ngoài giờ học để tích lũy kinh nghiệm. Tốt nghiệp, tôi bắt đầu với vị trí “giúp việc” cho các phòng ban, trực điện thoại, photocopy, quét dọn, pha cafe cho khách, mua đồ ăn trưa cho mọi người…ở một công ty Hàn Quốc. Sau đó công ty mở rộng thêm lĩnh vực may mặc, ông chủ xây dựng một nhà máy lớn ở Củ Chi, tôi được ông giao công việc cân đối nguyên phụ liệu, cùng theo dõi tiến độ, xử lý, làm việc trực tiếp với các nhà máy cho đến khi hàng được xuất đi, có nhiều lúc chúng tôi trở về nhà 4, 5h sáng.
Tôi công tác trong ngành may 5 năm thì lấy chồng. Sau khi sinh em bé, tôi nghỉ việc và tự kinh doanh đồ dùng trẻ sơ sinh của nước ngoài. Lúc đầu công việc khá thuận lợi, tuy nhiên tỷ giá tiền Việt và USD cứ thay đổi liên tục. Lúc đó tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó để thu ngoại tệ thay vì phải thanh toán ngoại tệ cho nước khác. Thế là tôi quay về quê, lúc này một số bạn học của tôi vẫn sống ở quê và đa phần đều có cuộc sống khá giả từ cây thanh long. Thanh long Phan Thiết xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua TQ là chủ yếu, vô cùng phụ thuộc vào thị trường nước bạn. Tôi muốn tìm cho mình hướng đi mới.
Rồi tôi liên lạc với Sở KHCN và được họ cho biết có 1 nhóm kỹ sư thực hiện đề tài nước ép Thanh Long trước đó 3 năm, nghiên cứu xong thì không có đơn vị ứng dụng nên cất trong tủ, cần họ giới thiệu cho. Mọi việc được tiến hành rất nhanh, tôi ký hợp đồng thuê đất trong KCN, thuê thiết kế nhà xưởng, mời đơn vị tư vấn ngành thực phẩm… Tuy nhiên một vấn đề lớn đã xảy ra, nhóm nghiên cứu đã tìm cách thoái thác không chuyển giao kỹ thuật ở phút thứ 89, dù các anh ở Sở cố gắng thuyết phục họ. Tôi lại không phải người được đào tạo ngành chế biến thực phẩm, không hình dung được một cái nồi nấu là gì huống chi cả một dây chuyền thiết bị. Mấy tháng trời, ở Sài Gòn chỗ nào có triển lãm là có mặt tôi, chỗ nào có cung cấp thiết bị, gần xa gì tôi cũng mò tới. Nơi nào cung cấp phụ gia thực phẩm là tôi gọi như bạo động. Song song đó tôi viết dự án theo mẫu, may nhờ có một người em đã phụ giúp tôi hoàn thiện dự án để xin tài trợ chương trình sản xuất thử nghiệm. Ngày tôi ra hội đồng thuyết trình dự án, nhà máy đã sắp hoàn thành phần xây dựng cơ bản. Hội đồng thấy sự quyết tâm (và cả liều lĩnh ) của tôi nên đa số đều bỏ phiếu ủng hộ thông qua. Tôi đạt số điểm rất cao và xin được số tiền kỷ lục cho một dự án tại tỉnh Bình Thuận. Từ chỉ vài ba chục triệu đồng ít ỏi tự tích luỹ, nhờ tiền của dự án tài trợ nên tôi đã sở hữu được một nhà máy của riêng mình.
Tôi đi đi lại lại giữa SG – Phan Thiết như con thoi để hối thúc tiến độ, những đêm thức trắng để nghiền ngẫm quyển tài liệu dày ngàn trang. Sau khi nhà máy hoàn thiện, các thiết bị được đưa về từ từ, tôi nhìn những thiết bị đó như nhìn những cỗ phi thuyền từ hành tinh nào xuất hiện. Rồi những nhân viên đầu tiên của tôi có mặt. Một bạn chuyên trách về thực phẩm về hỗ trợ tôi. Từ đây là chuỗi những thử thách của tôi bắt đầu. Tôi vật lộn trong nhà máy, việc rửa sạch, chần, tách hạt quay, khuấy trong nồi…tôi và anh em lao vào nghiên cứu vận hành, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có hôm bị các ống hơi nóng phỏng người. Và bao nhiêu nỗi cực khác mà chỉ có người làm sản xuất nói ra mới hiểu.
Rồi vấn đề về nhân sự cũng làm tôi đau đầu nhưng nhờ quyết tâm của mọi người nên từ từ mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn. Thành phẩm có cái mới để 7 ngày đã nhiễm vi sinh căng phồng, có cái vỡ tung, cái nổ bôm bốp. Mấy tháng trời chúng tôi vật lộn với hàng trăm sự cố, tìm cách khắc phục, thêm cái này, bớt cái kia, bỏ cái nọ, thay mới cái nớ… cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thiện được công thức, ra được sản phẩm hoàn hảo. Tôi mang sản phẩm đặt lên bàn vị lãnh đạo sở KHCN, tôi thấy trong mắt ông có một sự vui mừng không giấu được. Đứa em đã âm thầm sát cánh bên tôi, tôi thấy niềm vui trong mắt nó lấp lánh. Đến nay dường như công thức chế biến đã 100% thay đổi so với công thức nghiên cứu ban đầu.
Đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường, đó là khoảng thời gian có thể nói là vắt kiệt sức lực, tinh thần, tài chính của tôi và của gia đình. Tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn để duy trì công việc. Có những lúc tôi muốn buông tay, rồi tôi lại bừng tỉnh, không cho phép mình gục ngã. Vì bên cạnh tôi bây giờ có gia đình và những người đã âm thầm ủng hộ. Và hơn hết, sau lưng tôi là hàng ngàn ánh mắt hồn hậu của nông dân trồng thanh long ở xứ cát nóng này. Tôi sinh ra ở đây và tôi sẽ phải trả nợ quê hương bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình. Rồi hàng ngàn nhà máy sẽ mọc lên trên đất Việt. Những nhà máy chế biến vải ở Bắc Giang, những nhà máy nước bưởi thanh trà ở Huế, những nhà máy sô-cô-la ở Tây Nguyên, những nhà máy thủy sản ở Tây Nam Bộ…Nếu có lời nhắn nhủ, nếu bạn có chút tài năng và ý chí, bạn hãy khởi nghiệp sản xuất cho quê hương bạn. Cứ gõ đi, cửa sẽ mở.
Tôi chỉ là người con gái bé nhỏ, xuất phát điểm từ một cô công dân dệt may ở quê nghèo, tôi đã làm được một nhà máy lớn và góp phần giúp nông sản quê hương tôi không bị ép giá. Tôi đã làm được, thì các bạn ơi, tại sao các bạn lại không?

admin