Chuyện bún riêu

Chuyện bún riêu

Có người hỏi , khi nói chuyện với người mà hay chêm tiếng Anh vào, Tony thấy sao. Tony thấy bình thường. Ngôn ngữ là sinh ngữ, là ngôn ngữ sống, miễn là 2 bên hiểu nhau. Mình để ý cái mục đích giao tiếp chứ không phải cáirâu ria. Trong giao tiếp, thank you thì cũng đúng mà thanks cũng đúng, hay thanks kiu vi na miu thì cũng đúng luôn, miễn mục đích là bày tỏ sự biết ơn. Ngay cả không nói gì, chỉ nhìn với ánh mắt biết ơn, cũng là đủ. Mình phải phóng khoáng lên, đừng hẹp hòi và rập khuôn nữa.

Trở lại vụ chêm tiếng Anh, vì nhiều bạn quen miệng khi làm ở các môi trường công ty nước ngoài hay phải sống trong cộng đồng nhiều người Việt như Cali chẳng hạn. Nhưng nó có cái lợi là người ngoại quốc sẽ không nghe lén được câu chuyện chúng ta muốn trao đổi. Và cũng nhận được sự ngưỡng mộ của những người Việt hẻm biết ngoại ngữ…

Nhưng bạn phải lưu ý kẻo thành thói quen, nói với ai cũng chêm vô, lúc này thành cái tật. Khi giao tiếp với người không biết tiếng Anh, mục đích giao tiếp sẽ không thành vì họ không hiểu ý mình muốn gì. Ra quán nói cô ơi cho 1 tô real noodle loại 1. Chị chủ quán sao biết được real noolde là bún riêu mà bán cho mình? Mình cũng đừng có đi về quê, nói chuyện với 1 bác nông dân kiểu bác ơi bác đang trồng cái gì ạ, ngoài watermelon thì bác có trồng cucumber hay rice không hả bác? Bác sống near a river như thế này thì at night bác có thấy too cold không ạ? Tụi con ngày xưa cũng ở country như vầy nhưng sau đó tụi con move lên city, nên giờ này nói Vietnamese cứ phải trộn lẫn như vậy đó bác, bác có understand hay không bác? Bác nông dân ơi, uncle farmer ơi…

Bác ấy liền nói, con đứng yên giùm bác. Để bác lấy cái cuốc phang vô họng… Do you think you’re delicious? (Mày tưởng mày ngon hả)

Hóa ra, bác nông dân này từng là du hạc sinh bên Mỹ, cựu du hạc sinh Ha Vợt….