Một lá thư từ nước Úc

Một lá thư từ nước Úc

“Gửi dượng Tony

Con là P, nhóm Marketing nông sản quốc tế mà dượng đặt tên là nhóm ‘ Gánh rau ra chợ Thế giới”. Hôm nay nhận được đề bài của dượng nêu ý kiến về câu “Văn minh nào có khó gì. Nhận thì phải nhớ, cho thì phải quên”, con xin được gửi bài viết ngắn gọn của mình như sau:

18 tuổi là cái tuổi đẹp nhất của đời người – giàu sức trẻ, hoài bão và ước mơ. Ở các nước Âu Mĩ, 18 là cái tuổi phải xa gia đình, sống cuộc sống tự lập, tự trang trải cuộc sống. Con cũng thế, năm con 18, con một thân một mình đến nước Úc này, bắt đầu một một cuộc sống mới.

Bây giờ ngồi nghĩ lại. Con đã nhận từ Việt Nam một quê hương, một tiếng nói.

Con đã nhận từ ba mẹ một hình hài, một cái tên và cả một sự hi sinh to lớn.

Con đã nhận từ Ngoại con một tình thương vô bờ bến, một sự chăm sóc rất đỗi dịu dàng những năm con còn nhỏ.

Con đã nhận từ em gái, một sự nhường nhịn, một sự thương yêu của tình máu mủ ruột rà.

Con đã nhận từ thầy cô là chữ nghĩa. Con đã nhận từ bạn bè những phút giây thân ái vui vẻ bên nhau.

Con đã nhận và nhận nhiều lắm, mà có khi con không nhớ.

Vậy con đã cho những gì?

Con thật sự chưa cho những gì cả. Đã vậy con còn mong muốn nhiều hơn.

Cảm ơn dượng về đề văn đã giúp con nhận ra được quá trình ích kỷ hóa của mình diễn ra như thế nào. Năm nay con 22 tuổi, cũng còn trẻ, đầy hoài bão và ước mơ. Song, vẫn như cậu bé chỉ biết vô tự nhận mà không màng suy nghĩ gì.

Giờ đã là lúc con nhìn lại mình. Con nghĩ mình quá bé nhỏ để có thể chia sẻ nỗi khó khăn của cả đất nước, nhưng con có thể chia sẻ những khó khăn của những người sống quanh mình. Từng bước, từng bước, con sẽ văn minh.

Con, P”


admin