Mô hình giao dịch nông sản hiện đại ở Thọ Quang, Trung Quốc

Đầu ra nông sản luôn là nỗi lo lớn nhất với mọi người làm nông, dù hộ gia đình hay farm lớn. Ở Thọ Quang, người ta mở sàn giao dịch nông sản rất chuyên nghiệp, người bán và người mua đều phải trả phí cho sàn giao dịch nông sản do một công ty lớn ở đây lập ra.
Nông dân phải chở đến bãi tập kết trước 12h đêm, đơn vị kiểm định sẽ kiểm tra chất lượng, đánh giá chất lượng nông sản theo các cấp độ. Nông dân cầm giấy chứng nhận này ra sàn giao dịch để niêm yết liền, ở đó các thương lái (công ty thương mại) sẽ căn cứ vào giấy chứng nhận mà trả giá mua hàng, tiền sẽ được ngân hàng tại sàn trao tay cho nông dân, hoặc chuyển khoản tuỳ họ. Thương lái (công ty thương mại) sẽ từ đó đi bán cho các siêu thị, xuất khẩu hoặc cho chợ, trường học, bếp ăn công nghiệp lớn….
Hàng đã đạt chất lượng thì nông dân bán cho ai tuỳ thích, được giá cao thì bán, hem được muốn chở về cũng được, hoặc nếu muốn bán thì sàn giao dịch sẽ mua ở mức giá tối thiểu quy định cho mỗi loại rau củ quả. Sàn sẽ bán “hàng dội chợ” cho các nhà máy chế biến sấy khô, bột rau củ, nước ép, đông lạnh,…để nông sản không bị hư hỏng hoặc nếu không ai mua thì tự tiêu huỷ (chịu rủi ro không bán được hàng). Đã ăn tiền trung gian của người ta thì phải chịu trách nhiệm như vậy.
Nếu nông sản bị dư lượng thuốc bvtv cao sẽ bị tiêu huỷ ngay lập tức nên nông dân rất sợ, phải làm cho chuẩn xác. Tất cả giao dịch nông sản ở đây đều qua sàn, nếu nông dân và thương lái tự liên hệ nhau để mua bán thì sàn sẽ từ chối giao dịch với họ mãi mãi. Nếu không qua sàn thì không ai đảm bảo chất lượng nông sản lẫn uy tín tiền nong của thương lái (thương lái phải ký quỹ với sàn). Mọi việc nghe có vẻ dài dòng thế thôi chứ diễn ra nhanh gọn, từ 12h đêm đến 6h sáng là hết các hoạt động “khớp lệnh” (nghe như chứng khoán New York vậy).
Các bạn đi đoàn này đã biết được một website giao dịch nông sản, người mua người bán có thể đăng nhập để giao dịch, như Alibaba nhưng cho ngành nông sản (tiếng Hoa, không có tiếng Anh).
Đây là mô hình khá hay để Thọ Quang trở thành thủ phủ rau quả của thế giới.
Đi cả tuần học tập, bữa cuối đoàn tranh thủ đi Vạn Lý Trường Thành ghé thăm vài phút trước khi ra sân bay về nước vì chuyến đi này chủ yếu là học tập kinh nghiệm làm ăn của nước bạn.